Triển khai giao dịch điện tử trợ cấp BHXH ngắn hạn: Doanh nghiệp và người lao động hưởng lợi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Áp lực từ TTHC

Lâu nay, việc giải quyết cũng như chi trả trợ cấp BHXH ngắn hạn vẫn được thực hiện theo quy định của Luật BHXH 2006. Theo đó, để giải quyết trợ cấp ngắn hạn cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động phải căn cứ hồ sơ, chứng từ là các giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (Mẫu C65-HD), phiếu hội chẩn để lập danh sách đề nghị, tính toán mức trợ cấp và chi trả kịp thời cho người lao động. Sau đó, hằng quý, đơn vị tập hợp các chứng từ trên chuyển cho cơ quan BHXH để quyết toán. Trường hợp kinh phí 2% giữ lại không đủ chi trả thì đề nghị cơ quan BHXH cấp bù phần chênh lệch cho đơn vị để bảo đảm chi trả kịp thời cho người lao động.

Phản ánh từ một số địa phương cho thấy, việc triển khai theo quy định trên đã bộc lộ nhiều bất cập, như: Các đơn vị sử dụng lao động mất nhiều thời gian chi trả trực tiếp cho từng người lao động, thậm chí nhiều đơn vị cố tình chây ỳ không chi trả đúng hạn. Quy định phải chuyển cho cơ quan BHXH danh sách ký nhận của người lao động cũng làm phát sinh thêm thời gian, công sức cho cả cơ quan BHXH và đơn vị sử dụng lao động. Đặc biệt, cơ quan BHXH chưa tận dụng được ưu thế của giao dịch điện tử và chữ ký số trong việc nhận và trả kết quả xét duyệt trợ cấp ngắn hạn; chưa tận dụng được dữ liệu người lao động do đơn vị sử dụng lao động lập (họ tên, số sổ BHXH, số thẻ BHYT…) mà phải tự nhập lại; tốn chi phí thuê Bưu điện chuyển trả hồ sơ…

Đánh giá về quy trình giải quyết trên, BHXH Việt Nam cũng thừa nhận, thực hiện quy trình trên không những gây phiền hà về mặt thủ tục cho doanh nghiệp, người lao động mà còn tạo gánh nặng về khối lượng công việc cho các cơ quan BHXH. Nhất là trong bối cảnh hiện nay áp dụng theo Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014, số đối tượng hưởng trợ cấp BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe) tăng hơn rất nhiều so với Luật BHXH 2006. Thống kê cho thấy, trong năm 2015, cả nước có trên 7,52 triệu lượt người hưởng trợ cấp ngắn hạn với tổng số tiền hơn 14.800 tỷ đồng (tăng 1,97% so với năm 2014). Trong đó, riêng TP Hồ Chí Minh có trên 1,18 triệu lượt người hưởng, tỉnh Đồng Nai có khoảng 1,14 triệu lượt người hưởng…

Cải cách để giảm phiền hà

Trước thực trạng trên, nhiều địa phương cho rằng, việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết và chi trả trợ cấp BHXH ngắn hạn đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây cũng được xem là khâu đột phá nhằm cắt giảm TTHC, giảm gánh nặng về mặt thủ tục cho doanh nghiệp.

Trước đó, tuy chưa có quy định phải thực hiện giao dịch điện tử trong chi trả trợ cấp BHXH ngắn hạn nhưng nhằm bảo đảm người lao động nhận được tiền trợ cấp trong thời hạn theo quy định của Luật và giúp các đơn vị không phải mất thời gian tổ chức chi trả trợ cấp cho người lao động, cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh đã triển khai chi trả trợ cấp ngắn hạn bằng giao dịch điện tử tại một số đơn vị có số lượng lao động lớn. Kết quả cho thấy, đã giảm được phiền hà cho doanh nghiệp và người lao động. Từ kết quả thực hiện thí điểm thành công này, cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh vừa quyết định mở rộng hình thức chi trả các khoản trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức qua tài khoản ATM của người lao động. Theo đó, các đơn vị chi trả lương qua tài khoản cá nhân người lao động có trách nhiệm cung cấp số tài khoản, tên (cả chi nhánh) của ngân hàng cho cơ quan BHXH nơi đang thu BHXH. Trường hợp chưa có số tài khoản hoặc cá nhân đề nghị được hỗ trợ mở tài khoản thì đơn vị liên hệ với ngân hàng nơi đang mở tài khoản thu BHXH để đề nghị. Cơ quan BHXH thanh toán toàn bộ chi phí mở tài khoản. Nếu đơn vị không hỗ trợ mở tài khoản cho người lao động thì thông báo cho cơ quan BHXH (bằng văn bản), cơ quan BHXH sẽ chỉ định ngân hàng mở thẻ và thanh toán chi phí mở tài khoản. Tài khoản người lao động được cơ quan BHXH sử dụng để chi trả trợ cấp ngắn hạn và các loại trợ cấp BHXH khác.

Cách làm trên của cơ quan BHXH TP. Hồ Chí Minh nhận được ý kiến phản hồi tốt từ người lao động và doanh nghiệp. Thực tế phản ánh từ nhiều địa phương cũng cho rằng, cải cách TTHC và giao dịch điện tử trong lĩnh vực này đang trở nên cấp thiết. Làm tốt việc này sẽ giúp ngành BHXH chi trả trực tiếp và kịp thời cho người lao động qua tài khoản cá nhân của họ chứ không cần thông qua đơn vị sử dụng lao động như hiện nay, tiết kiệm được thời gian và kinh phí cho cơ quan BHXH, đơn vị SDLĐ và người lao động.

 Giai đoạn 2016 – 2020, BHXH Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, thông tin BHXH phải được tiếp cận dễ dàng nhằm cải thiện và phục vụ hệ thống an sinh xã hội toàn dân. Đặc biệt, sau khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016 và các quy định về giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, quản lý sổ BHXH được thực hiện, dự kiến giảm thêm 36 giờ, từ 81 giờ xuống còn 45 giờ. BHXH Việt Nam sẽ hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao, giảm được 290 giờ, từ 335 giờ/năm xuống 45 giờ/năm vào năm 2016.

Thái Yến
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân