Triển khai Luật Quốc tịch 1998: Sợ sai nhưng vẫn làm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lúng túng và quá tải trong áp dụng Luật

Với trung bình  mỗi năm 10.000 hồ sơ về quốc tịch và có xu hướng tăng thêm, các cơ quan chức năng xử lý vấn đề quốc tịch đang bị quá tải, ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết. Đội ngũ cán bộ làm công tác quốc tịch ở một số cơ quan trung ương và địa phương còn hạn chế về số lượng và năng lực. 

Cụ thể, nhiều tỉnh chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về công tác quốc tịch (vì công việc quốc tịch không nhiều, không thường xuyên) mà chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm. Do đó, khi tiếp nhận và xử lý hồ sơ về quốc tịch, các cán bộ thường lúng túng, phải làm đi làm lại nhiều lần.

Đặc biệt, đối mặt với vấn đề hai quốc tịch, Việt Nam không chỉ phải xử lý vấn đề tranh chấp bảo hộ công dân, trong áp dụng luật dân sự khi có tranh chấp hoặc luật hình sự khi công dân Việt Nam có hai quốc tịch vi phạm pháp luật Việt Nam. 

Tình hình trên cũng khiến các cơ quan nhà nước Việt Nam lúng túng khi giải quyết các vấn đề giao dịch dân sự, kinh tế… của những công dân mang hai quốc tịch. 

Ví dụ, công dân Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ, chưa thôi quốc tịch Việt Nam nhưng đã nhập quốc tịch Hoa Kỳ, khi về Việt Nam (bằng hộ chiếu của Hoa Kỳ) kết hôn với người Việt Nam ở trong nước thì cơ quan đăng kí hộ tịch không biết ghi quốc tịch của người này như thế nào. Nếu ghi quốc tịch Việt Nam thì phía Hoa Kỳ sẽ không giải quyết cho họ nhập cảnh Hoa Kỳ nhưng nếu ghi quốc tịch Hoa Kỳ hoặc cả hai quốc tịch thì lại vi phạm Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam.

Ông Trịnh Đức Hải, Bộ Ngoại giao cho biết, đối với vấn đề này, chúng ta “sợ sai nhưng vẫn làm”, từ việc miễn thị thực cho Việt kiều, cho Việt kiều mua nhà… Tất cả những điều đó đều nằm ngoài khuôn khổ và mâu thuẫn với Điều 3 Luật Quốc tịch”.

Thêm vào đó, việc xử lý các hồ sơ về quốc tịch chưa tập trung vào một đầu mối nên công tác quản lý về quốc tịch không thống nhất. Cho đến nay, Việt Nam vẫn không thiết lập được cơ sở dữ liệu thống nhất về quốc tịch trong toàn quốc.

Chồng chéo thủ tục

Ông Thất cũng nêu rõ, một vấn đề gây khó khăn, khiến cán bộ dễ làm sai chính là quy trình giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc tịch còn rườm rà, lặp đi lặp lại.

Hiện nay, Việt Nam còn nhiều quy định về thủ tục chồng chéo, gây khó khăn cho đương sự. Giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt là một ví dụ. Theo NĐ 104/1998/NĐ-CP, người nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt do trường ĐHKHXH-NV thuộc ĐHQG cấp (trừ trường hợp được miễn).

Muốn có giấy chứng nhận, trường phải tiến hành tổ chức kiểm tra. Trong khi đó, rất nhiều trong số họ là dân nghèo, sống chủ yếu ở vùng núi biên giới giáp ranh, không có đủ điều kiện kinh tế để thi lấy chứng chỉ tiếng Việt. Phần lớn họ đã có thời gian sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam, biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng. Yêu cầu này vì thế gây phiền hà và không khả thi.

Yêu cầu về phiếu lý lịch tư pháp cũng tương tự. Khi xin nhập quốc tịch Việt Nam, người nước ngoài có thời gian thường trú ở Việt Nam phải nộp phiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại nơi thường trú cấp. Trên thực tế, phiếu này do sở tư pháp cấp trên cơ sở kết quả tra cứu từ các dữ liệu của cơ quan công an.

Trong khi đó, khi tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, Sở Tư pháp phải có văn bản đề nghị cơ quan công an xác minh về nhân thân. Yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp là động tác không cần thiết, lặp lại việc xác minh của cơ quan công an, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết hồ sơ.

Giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài để nhập quốc tịch Việt Nam cũng gây không ít trở ngại. Các kiều dân Campuchia cư trú lâu năm tại Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn và thường không thực hiện được. Có người tự khai là công dân Campuchia nhưng bản thân họ không có bất cứ giấy tờ chứng minh nên cơ quan có thẩm quyền của Campuchia không giải quyết.

Gian nan với đủ thứ giấy tờ, hoàn chỉnh hồ sơ, nhưng hiện nay, Việt Nam có quy định cứng về nơi nộp đơn, theo đó, công dân Việt Nam ở nước ngoài bắt buộc phải nộp đơn tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, không được trực tiếp nộp đơn trong nước. Với quy định pháp luật không rõ ràng và cách hiểu máy móc đó đã gây không ít phiền hà cho người dân.

Nhiều trường hợp đương sự ở nước ngoài nộp đơn qua cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, sau một thời gian, cơ quan này mới chuyển về Việt Nam (có khi mất 3 tháng). Khi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, một số giấy tờ đã gần hết thời hạn quy định.

Hồ sơ chuẩn bị đã đã phức tạp, lại qua nhiều khâu trung gian trước khi đến cơ quan có thẩm quyền quyết định. Nhiều trường hợp thậm chí mất 6 tháng đến 1 năm. Sau đó, hồ sơ còn phải qua thủ tục xác minh về nhân thân của cơ quan công an, thường mất 6 tháng. Do đó dẫn đến tình trạng, có trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam, chưa xong thủ tục tại Việt Nam thì giấy hứa công nhận quốc tịch nước ngoài đã hết hiệu lực.  

Ngay việc xác minh hồ sơ, có những yêu cầu chỉ mang tính hình thức, ví dụ như việc niêm yết danh sách người xin nhập quốc tịch để nhận phản hồi từ người dân. Trên thực tế, chưa bao giờ phía Việt Nam nhận được phản hồi sau niêm yết.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, Việt Nam cần điều chỉnh tư duy luật pháp trong tiếp cận vấn đề quốc tịch, gắn với bối cảnh hiện nay. Thủ tục hành chính trong vấn đề quốc tịch cần được điều chỉnh theo hướng đơn giản hoá, dân chủ, minh bạch, công khai và thân thiện với người dân, quy định từng bước áp dụng công nghệ thông tin, giảm phiền hà cho người dân. 

Trước mắt, áp dụng việc nhận hồ sơ qua đường bưu điện là một giải pháp tốt. Việt Nam đã thành công trong việc áp dụng chính sách này trong cấp hộ chiếu.

Nguồn: VNN