Triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật : Nghị định phải cụ thể và bám sát nội dung của Luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 20/6/2011, QH đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật  quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Để bảo đảm luật sau khi có hiệu lực (1/1/2013) sẽ đi vào cuộc sống, hiện nay, Chính phủ đang trong quá trình xây dựng Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
 
Tại Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đa số các ý kiến đồng tình với nội dung dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, để Luật đi vào cuộc sống thì nội dung của Nghị định cần phải được quy định chặt chẽ, chi tiết hơn trong đó có vấn đề về đối tượng được hưởng chính sách xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật, vấn đề bảo đảm kinh phí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật…
 
Tại Điều 6 dự thảo Nghị định nêu rõ đối tượng được hưởng chính sách xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật được quy định như sau: đối tượng được hưởng chính sách xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là cơ sở ngoài công lập do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tự bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước và hoạt động trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật (gọi tắt là cơ sở thực hiện xã hội hóa về phổ biến, giáo dục pháp luật). Cơ sở ngoài công lập được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng.

Xã hội hóa là đa đạng hóa nguồn tài chính. Thực tế, không nhà nước nào có thể bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động tuyền truyền. Trong khi đó, hoạt động này từ các tổ chức ngoài nhà nước có thể bảo đảm linh hoạt hơn. Dẫn chứng cho vấn đề này, có ý kiến cho rằng, như công tác tuyên truyền cho các văn bản pháp luật về thuế, thực tế có những tổ chức đứng ra tổ chức phối hợp với tuyên truyền và có thu phí, nhưng với cách thức tổ chức và triển khai hiệu quả những buổi tập huấn, vẫn có nhiều đối tượng tham gia, vì họ cảm thấy việc tuyên truyền đó rất thiết thực cho công việc, lĩnh vực chuyên môn của họ. Hiệu quả tuyên truyền ở đây rất tích cực. Việc xã hội hóa tuyên truyền, phổ biến pháp luật là rất cần thiết tuy nhiên điều mà người ta quan tâm là cách thức tuyên truyền như thế nào cho thực sự hiệu quả.

Trở lại với đối tượng được hưởng chính sách xã hội hóa được quy định tại dự thảo Nghị định, có ý kiến tỏ ra băn khoăn là đối với những mô hình là các trung tâm, chủ thể này là đơn vị trực tiếp làm vấn đề tuyên truyền nhưng lại thông qua các tổ chức khác là các pháp nhân đứng ra tài trợ. Như vậy, các trung tâm được nhận tài trợ từ các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp được hưởng chính sách chứ thực tế không phải là các trung tâm. Chính vì vậy, điều này cần phải được nêu rõ trong nội dung của dự thảo Nghị định. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, với những tổ chức mặc dù không chuyên về tuyên truyền pháp luật nhưng họ có tổ chức lồng ghép việc tuyên truyền thì cũng nên cho họ hưởng chế độ và điều này nên được cân nhắc đưa vào Nghị định.

Về trách nhiệm của Bộ Tư pháp được quy định tại điều 12 của dự thảo Nghị định nêu rõ, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và các bộ ngành liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Có ý kiến cho rằng nội dung của quy định này là không hợp lý vì thực tế Trung ương Hội Luật gia Việt Nam không có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, với nội dung của Điều 15 dự thảo Nghị định khi quy định về bảo đảm kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, tổ chức thụ hưởng ngân sách do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm; lập kế hoạch hỗ trợ kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; thù lao và chế độ của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khác. Với nội dung hướng dẫn như trên, Bộ Tư pháp hướng dẫn thì hướng dẫn thế nào, điều này phải được làm rõ trong dự thảo và cần phải có hướng dẫn cụ thể. Vì nếu không quy định cụ thể sẽ rất khó thực hiện. Thực tế vẫn còn tình trạng lực lượng làm công tác pháp chế cũng chưa được hưởng chế độ trợ cấp trách nhiệm theo chế độ báo cáo viên tuyên truyền pháp luật. Có ý kiến đề nghị vấn đề này nên để Chính phủ quy định.
 
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 nên việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để luật thực sự đi vào cuộc sống thì nội dung của Nghị định phải bảo đảm cụ thể và bám sát các nội dung mà Luật đã ban hành.

Hà An
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân