Tránh lặp lại sai sót 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Sau khi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6, bản mẫu SGK định dạng PDF đã được các nhà xuất bản đưa lên website và giáo viên đã được cấp tài khoản để nghiên cứu, tìm hiểu, góp ý. Điều khiến cả xã hội quan tâm lúc này là làm sao để lựa chọn được bộ sách SGK chất lượng nhất, có tính ổn định, tránh đi vào vết xe đổ như nhiều bộ SGK lớp 1.

Các SGK được phê duyệt của 4 đơn vị xuất bản, gồm: NXB Giáo dục Việt Nam (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo); NXB Đại học Sư phạm (thuộc Trường Đại học sư phạm Hà Nội) và NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh (bộ sách Cánh Diều); NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (SGK tiếng Anh). Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế, với trên 40 đầu sách. Nếu như đối với lớp 1, NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bộ SGK thì ở lớp 2 và lớp 6, để tập trung nguồn lực, đơn vị này đã hợp nhất thành 2 bộ SGK trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng sự tương đồng của chúng.

Rút kinh nghiệm từ SGK lớp 1, đối với SGK lớp 2 và lớp 6, Bộ GD – ĐT đã kiểm soát chặt việc thực nghiệm và lấy ý kiến rộng rãi với các bản mẫu trước khi ban hành. Bộ GD – ĐT cũng đã yêu cầu các đơn vị của Bộ bám sát, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản, tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên, Nhân dân trước khi in bản chính thức.

Bộ GD – ĐT cũng đã thành lập các hội đồng quốc gia thẩm định SGK, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các hội đồng, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng trong việc thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6. Cùng với đó, mở thêm kênh phản biện độc lập với hội đồng thẩm định, các ý kiến góp ý được Bộ chỉ đạo rà soát và cung cấp để hội đồng thẩm định nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng thời thảo luận với tác giả, nhà xuất bản về nội dung tiếp thu, chỉnh sửa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế đến mức thấp nhất sai sót, Bộ GD – ĐT phải sửa quy trình biên soạn và thẩm định SGK theo hướng buộc các tác giả và NXB phải tăng số lần thực nghiệm bản mẫu SGK mới lên ít nhất 3 lần. Đồng thời, việc dạy thực nghiệm phải được thực hiện trên nhiều loại trường bao gồm các trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt, trường có điều kiện cơ sở vật chất kém, trường ở vùng đô thị và trường ở vùng nông thôn, miền núi.

Thực nghiệm SGK mới càng lâu, diện càng rộng thì càng tốt, giúp giáo viên phát hiện ra lỗi sai, những điểm không phù hợp trong sách, tạo cơ hội có được bộ sách chất lượng tốt. Tháng 9.2020 đã thẩm định xong vòng 1 sách lớp 2 và lớp 6, vì vậy nên triển khai dạy thực nghiệm rộng rãi ít nhất được 8 tháng, cho tới tháng 5.2021, trước khi in và ban hành chính thức cho năm học 2021 – 2022. Với cách làm “gối vụ” như thế này thì tất cả sách trước khi ban hành dạy đại trà đều được thực nghiệm một cách có bài bản.

Đặc biệt, những người biên soạn sách và hội đồng thẩm định cần thống nhất quan niệm chung về cách giáo dục ở từng bậc học, nhất là với học sinh tiểu học. Nhiều ý kiến cho rằng, đối với lứa tuổi tiểu học, việc giáo dục phải lấy nêu gương tốt làm cốt yếu. Cho các em tiếp xúc và làm quen với những hiện tượng phức tạp, với cái ác, cái xấu sẽ được tính toán và thực hiện từng bước trong những bậc học cao hơn khi tâm sinh lý của trẻ đã phát triển đến trình độ nhất định. Việc lựa chọn bài học, từ ngữ chưa hợp lý sẽ gây ra phản ứng buộc các NXB phải thay đổi qua từng năm học, gây xáo trộn, lãng phí, vì không sử dụng được sách cũ. 

Khi biên soạn SGK lớp 2 và lớp 6, những người có trách nhiệm cần lắng nghe phản biện và có thái độ cầu thị để điều chỉnh cho hợp lý. Các ý kiến đóng góp đều vì mục đích cuối cùng là có được những cuốn SGK tốt nhất tới tay học sinh.

Điều quan trọng nhất mà xã hội quan tâm, đó là việc lựa chọn SGK làm sao bảo đảm công bằng, minh bạch. Chúng ta tạo điều kiện xã hội hóa SGK nhưng phải giám sát chặt chẽ từ việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định, lựa chọn tới in ấn, cung ứng, giá thành, không để xảy ra sai sót như SGK lớp 1.