“Trục xuất” tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương: Bộ nọ… “làm khổ” bộ kia!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ NNPTNT khuyến khích

Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, tôm thẻ chân trắng (TTCT) “mon men” vào Việt Nam từ 2001. Các nhà quản lý của Bộ Thủy sản lúc bấy giờ (nay đã sáp nhập vào Bộ NNPTNT) nhận định, TTCT thường mắc những bệnh của tôm sú, mang hội chứng taura gây nên dịch bệnh lớn ở Nam Mỹ và các bệnh khác có thể nhiễm sang các đối tượng tôm bản địa, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản và môi trường tự nhiên.

Để định hướng phát triển và quản lý TTCT, Bộ Thủy sản đã ban hành chỉ thị số 01/2004/CT-BTS chỉ cho phép nuôi TTCT tại các khu vực ao, đầm nuôi có sự tách biệt… Năm 2006, Bộ Thủy sản có nhiều văn bản, về quản lý sự phát triển của TTCT. Sau đó, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III đã nghiên cứu sản xuất giống và nuôi khảo nghiệm TTCT cơ bản đảm bảo an toàn sinh học.

Tháng 1.2008, Bộ NNPTNT đã có chỉ thị số 228 do Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng ký chính thức cho phép các tỉnh, thành Đông Nam Bộ và ĐBSCL được nuôi TTCT theo hình thức thâm canh tại các cơ sở đủ điều kiện. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận được nuôi TTCT theo nhu cầu của các nhà đầu tư và nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm của địa phương. Bộ còn giao hàng loạt các cục vụ viện liên quan và sở thủy sản các địa phương kiểm tra, giám sát, nghiên cứu… để thực hiện chủ trương phát triển TTCT mà tránh gây hại cho các sinh vật khác…

Cũng năm 2008 trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ NNPTNT – ông Cao Đức Phát – còn nói, TTCT đang có thị trường rất tốt. Thế giới đang thiên về sử dụng loại tôm này. Nếu không nhanh chân, chúng ta sẽ lỡ mất thời cơ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân…

Doanh nghiệp, nông dân… “chết đứng”!

Nghe lời bộ, hàng loạt các tỉnh thành đã phát triển TTCT. Hàng loạt DN chế biến xuất khẩu cả nước cũng đổ tiền tỉ làm ao nuôi TTCT để chủ động nguồn nguyên liệu. Những gương điển hình, tiên tiến trong nuôi TTCT được tung hô. Các viện trường, nhà khoa học đổ chất xám ra nghiên cứu giống, chữa dịch bệnh…

Chi phí đầu tư TTCT 1 vụ/1ha có khi cả nửa tỉ đồng, cao gấp 2-3 lần nuôi tôm sú. Tuy nhiên bởi tỉ lệ sống cao, nuôi mật độ dày và năng suất TTCT gấp 10 lần tôm sú cùng nhiều yếu tố khác nên đến nay, chỉ sau 3 năm được Bộ NNPTNT “bật đèn xanh” diện tích nuôi loài tôm này đã phát triển trên 25.000ha.

Theo Vasep, năm 2010, nếu như xuất khẩu tôm mang về trên 2 tỉ USD, thì TTCT đóng góp 26% giá trị. Vasep cũng khẳng định, khi hàng chục nghìn hécta nuôi tôm sú bị dịch bệnh ở vùng ĐBSCL năm 2011 này thì TTCT đã thành nguồn nguyên liệu “cứu cánh” cực kỳ hữu ích cho các nhà máy chế biến. Hiện loài tôm này có mặt trong hầu hết các nhà máy chế biến tôm. Nhiều chuyên gia trong ngành còn nhận định, năm 2011 TTCT có thể chiếm tỉ trọng 50% trong cơ cấu xuất khẩu tôm của VN.

10 năm, chả thấy Bộ TNMT nói gì. Giờ này, khi hàng tỉ đồng “mồ hôi xương máu” của dân và DN đổ vào ao tôm, khi chất xám quy hoạch, nghiên cứu, phát triển của các nhà khoa học, quản lý… đã đổ ra ròng rã thì Bộ TNMT mới thể hiện “trách nhiệm” của mình. Những thiệt hại đó, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Xem ra năm nay, Bộ TNMT làm khổ Bộ NNPTNT rồi!

Ngô Sơn
Nguồn: Báo Điện tử Lao động