TS Lê Xuân Nghĩa: "DN cố gắng tránh vay vốn ngân hàng"
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong bối cảnh tỷ giá tăng, hàng loạt các yếu tố đầu vào như điện, xăng, dầu… tăng giá đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của các DN. Không ít DNphải dừng đầu tư các dự án mới để cân đối lại nguồn vốn, tránh rơi vào tình trạng phá sản. Trước tình hình này, ông Lê Xuân Nghĩa đã có những chia sẻ về những chính sách kinh tế vĩ mô 2011 và giải pháp cho DN. Một trong những khó khăn khiến cho DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn là do chúng ta đầu tư vào đầu tư công quá lớn. Ý kiến của ông thế nào? Đúng là chúng ta đầu tư công quá lớn, vốn xã hội thì hữu hạn mà chúng ta lại phân bố cho khu vực công quá nhiều, trong khi đó những khu vực này thường hoạt động ít hiệu quả. Trong khi khu vực tư nhân thường sử dụng vốn có hiệu quả cao hơn, thu hút được nhiều lao động hơn, nhưng lại chỉ được dành cho một khoản vốn rất hạn hẹp, tính ra tư nhân của Việt Nam chỉ dành được 36% trong tổng vốn đầu tư của toàn xã hội trong khi sản xuất ra gần 50% GDP (chiếm tới 82% lao động của toàn xã hội). Vì thế mối quan hệ giữa DNNVV với ngân hàng vô cùng khó khăn. Đây là lý do khiến lạm phát có tính cấu trúc của nền kinh tế. Muốn giảm được dài hạn thì chúng ta phải thay đổi lại cách phân bổ nguồn lực, tức là cần phân bổ mạnh mẽ hơn nữa cho khu vực tư nhân, đồng thời tiết kiệm đầu tư công. Để giữ mục tiêu lạm phát năm nay ở mức 7%/năm, Chính phủ đã và đang đưa ra những giải pháp được xem là khá toàn diện và đầy đủ. Đánh giá của ông về những giải pháp này ra sao, thưa ông? Tôi hy vọng năm nay sẽ có những chuyển biển tích cực của nền kinh tế vì có Nghị Quyết 11 và chỉ đạo của Chính phủ tương đối tập trung hơn. Năm nay Chính phủ quyết tâm hơn năm ngoái, bằng việc đưa cung tiền xuống 16% và đưa tin dụng xuống 20% – đây là mức chưa từng có trong lịch sử. Tất nhiên, lạm phát đang cao mà kéo xuống ngay thì rất khó nhưng xu hướng mà chúng ta làm cho nó giảm dần hoàn toàn được,. Năm ngoái, chúng ta ‘bành trướng’ chính sách tài khoá rất mạnh bằng cách phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc…nói một cách khác là Chính phủ đẩy nhanh chi tiêu công vì sợ rằng khủng hoảng thì các DN không đầu tư mà không có đầu tư thì làm sao có tăng trưởng. Như đã biết, đầu tư công thì lượng trái phiếu Chính phủ chủ yếu là do ngân hàng mua, như vậy vốn của ngân hàng bị hút sang khu vực công nhiều như vậy thì khu vực DNNVV sẽ thiếu vốn, lãi suất tăng lên. Điều chỉnh năm nay của Chính phủ có điều chỉnh cốt lõi là cắt giảm mạnh đầu tư công và chấn chỉnh kiểm tra, giám sát hiệu quả của đầu tư công. Nhưng theo tôi, vẫn còn tiềm năng khác mà chúng ta có thể làm đó là giảm các thủ tục hành chính. Chúng ta có quá nhiều thủ tục hành chính, chỉ đơn cử như việc một dự án đầu tư bất động sản mà có khi phải xin thủ tục tới 5 năm thì tốn vô vàn chi phí. Do đó, nếu chúng ta giảm phiền hà do thủ tục hành chính thì cũng là một tiềm năng để tiết giảm đầu tư, làm cho đầu tư hiệu quả hơn.

“Vòng xoáy’ vàng, chứng khoán, bất động sản vẫn đang làm cho các NĐT rối trí. Ông có thể đưa ra một vài dự báo xu hướng trên các thị trường này?

Theo tôi, VN-Index sẽ còn “lòng vòng” trong khoảng 460-560 điểm trong giai đoạn từ nay đến hết quý 2/2011. Năm nay, nếu lãi suất hạ và tỷ giá ổn định thì TTCK sẽ bắt đầu tăng giá vào cuối năm. Còn nếu lãi suất chưa có dấu hiệu giảm thì TTCK chưa thể tăng. Đối với thị trường vàng, đa số đều lựa chọn tháng 6-7/2011 là đỉnh giá vàng thế giới và sau đó giá sẽ giảm và có thể giảm khá mạnh. Sau tháng 7, giá vàng thế giới sẽ phụ thuộc vào “thái độ” của Trung Quốc đối với dự trữ của quốc gia này. Nếu Trung Quốc quyết tâm mua vàng thay cho USD trong dự trữ ngoại hối thì giá vàng sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu Mỹ đạt tăng trưởng khả quan, đồng USD lên thì Trung Quốc sẽ không mua ồ ạt vàng mà chỉ mua lượng vàng đủ (hiện khoảng 250 tấn/năm). Ở tình thế này, giá vàng có thể sẽ giảm đều đặn trong một khoảng thời gian dài sau tháng 6-7/2011.

Một yếu tố nữa cũng cần quan tâm đó là tình hình mua bán giao dịch vàng của Ấn Độ, bởi Ấn Độ là một trong những quốc gia có số vàng dự trữ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, từ 2 năm nay, Ấn Độ không có chiến lược quốc gia thực sự mà chỉ xuất phát từ nhu cầu tự phát của dân chúng. Ngoài ra, để phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường vàng cũng cần phải đề cập tới vấn đề tỷ giá. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thị trường ngoại hối sẽ dần ổn định trở lại.

Đối với thị trường BĐS đang đứng ở mức giá khá cao, đặc biệt chung cư cao cấp rất khó bán, giá không giảm được trong khi giao dịch lại rất yếu. Bên cạnh đó, chung cư trung bình hoặc cao hơn một chút, lượng bán vẫn tốt. Nhiều nhận định còn cho rằng, tốc độ tăng giá BĐS ở HN và TP.HCM còn cao hơn Singapore và Hồng Kông. Cá nhân tôi cho rằng, BĐS sẽ có thể bắt đầu tăng giá nhẹ từ khoảng tháng 9-10 năm nay. Tuy nhiên, với mức thu nhập bình quân đầu người thấp (dưới 1.000 USD) như ở Việt Nam sẽ không có tình trạng nổ bong bóng BĐS xảy ra. Chỉ khi thu nhập bình quân trên đầu người khoảng 5.000 USD trở lên mới có khả năng nổ bong bóng. Vậy, trong bối cảnh hiện nay, chiến lược nào được xem là tốt nhất nhằm giải quyết khó khăn cho các DN, thưa ông?

Về mặt lý thuyết, muốn giữ được giá đầu ra trong khi chi phí đầu vào tăng thì doanh nghiệp phải giảm sản lượng đi. Có nghĩa là tổng cầu không thay đổi mà cung ít đi thì giá tăng để bù vào chi phí tăng. Tôi muốn nhấn mạnh, lạm phát do giá đầu vào tăng lên thì chúng ta phải lùi sản lượng về điểm hòa vốn thấp nhất.

Các DN nên rút ngắn tất cả các thời hạn thanh toán. Giảm các đơn đặt hàng dài hạn vì rủi ro giờ rất lớn đặc biệt là các công ty xây dựng nên cẩn trọng vì giá đầu vào xây dựng còn tăng nữa. Nếu được thì hãy hợp tác liên minh với các DN bên cạnh để tăng xuất khẩu lên và cân đối được nguồn ngoại tệ. Tăng cường liên kết nội bộ hiệp hội với nhau để nhằm liên kết về vốn, liên kết đầu ra – đầu vào, liên kết đổi mối công nghệ, liên kết theo kiểu mua cổ phần… Lựa chọn những dự định dễ và tốn ít tiền thì làm trước, tránh những phí tổn không thiết thực vào lúc này. Sáng kiến cực kỳ quan trọng lúc này của nhà quản lý và công nhân là tạo ra lợi nhuận ngắn hạn bằng cách giảm chi phí ví như sáng kiến tiết kiệm điện, xăng dầu, khách khứa, liên hoan… Và điều đặc biệt tôi muốn nói, đó là DN cố gắng tránh vay vốn ngân hàng vì lãi suất hiện quá cao. Nếu chúng ta vay vốn rồi không phát huy được nguồn vốn đó thì sẽ là một gánh nặng kinh khủng. Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định, khó khăn hiện tại không phải quá lớn để chúng ta không vượt qua được.

Theo DDDN