Từ 1/1/2009 vẫn áp dụng thuế thu nhập cá nhân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các bước thực thi Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được thực hiện bình thường từ ngày 1/1 tới đây. Song khả năng miễn, giảm, hay giãn thuế được để ngỏ, và dự kiến được quyết định sớm nhất trong tháng 1, hoặc tháng 10 năm tới.

Sau nhiều lượt bàn thảo trong phiên họp diễn ra chiều 27/12 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa đưa ra quyết định có chấp thuận các đề xuất của Chính phủ về việc lùi thời điểm thi hành hoặc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với một số đối tượng hay không. Vấn đề này sẽ được trình Bộ Chính trị trong tháng 1 tới.

Trước kỳ họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất 2 phương án về lùi thời hạn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân, và coi đây là một giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Phương án thứ nhất đề xuất hoãn thời điểm áp dụng 6 tháng đến 1 năm. Trong thời gian đó, vẫn áp dụng Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, nhưng giảm 30% số thuế cho những người nằm trong diện này.

Trong phương án thứ hai, Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2009 đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán, đồng thời giảm 30% thuế cho hộ gia đình và cá nhân trước đây thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nay chuyển sang nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, việc thay đổi hiệu lực thi hành Luật thu nhập cá nhân là sửa đổi luật và không thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ. Quốc hội mới có thẩm quyền này. Mặt khác, việc tiếp tục thực hiện Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao cũng không đúng với Luật thuế thu nhập cá nhân, bởi Luật có hiệu lực từ 1/1/2009 cũng bãi bỏ Pháp lệnh này. Vì vậy, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị áp dụng thuế thu nhập cá nhân đúng quy định, từ ngày 1/1/2009.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, đại diện của Chính phủ tại phiên họp, bày tỏ lo ngại, nếu không có thêm các biện pháp, sẽ khó giữ được tốc độ tăng trưởng ở 6% trong năm 2009 cũng như xuất khẩu tiếp tục tăng. “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ công việc cho thực thi Luật Thuế thu nhập cá nhân, mọi việc đã sẵn sàng. Chúng tôi biết thay đổi vào lúc này là khó, nhưng tình hình cấp bách. Nếu không thể thay đổi, thì mọi việc vẫn tiến hành bình thường, nhưng như vậy sẽ có tác động đến tâm lý người dân”, ông Vũ Văn Ninh nói.

Nhiều thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với Bộ trưởng Tài chính. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc miễn hay giảm thuế có tác động về mặt tâm lý hơn là vật chất. Nếu giảm 30% thuế cho người có thu nhập cao, ngân sách sẽ mất khoản thu không quá lớn, khoảng 3.000 tỷ đồng. Nguồn tiền này có thể được người dân sử dụng trong tiêu dùng, và cũng phù hợp với kế hoạch kích cầu. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để chưa thu thuế, nhưng không phạm luật, trong khi đến tháng 5/2009, Quốc hội mới nhóm họp. Các mức giảm, giãn thuế với các đối tượng như thế nào cũng cần được cân nhắc.

Nhiều phương án được đưa ra, như Quốc hội họp bất thường, hay Chính gửi tờ trình đến từng đại biểu Quốc hội để xin ý kiến về Luật Thuế thu nhập cá nhân. Ông Phùng Quốc Hiển đề xuất vẫn kê khai thuế theo các bước thực thi Luật, nhưng cho người dân “nợ” đến kỳ họp vào tháng 5 tới, và Quốc hội sẽ quyết định có miễn toàn bộ thuế hay không. Tuy nhiên, các phương án này đều hoặc vướng về pháp lý, hoặc gây thất thu lớn.

Kết thúc phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề xuất, trong tháng 1/2009, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị 3 phương án về thuế thu nhập cá nhân, trong đó có 2 phương án mà Chính phủ đã đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Phương án thứ ba là Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn áp dụng từ 1/1 tới, nhưng đến kỳ họp thứ sáu vào tháng 10 tới, thay vì kỳ họp vào tháng 5, Quốc hội sẽ quyết định có miễn hay giãn thuế tiếp hay không.

Thời điểm trình Bộ Chính trị 3 phương án về thực thi Luật Thuế thu nhập cá nhân chưa được xác định.

Nguồn: Báo điện tử Công thương