Từ chối vì cái tình… 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Vào dịp giao thừa Tết Tân Sửu tới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại TP Huế và một địa phương. Năm nay đến lượt huyện Phong Điền cùng TP Huế tổ chức bắn pháo hoa. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đình Bách cho biết, huyện từ chối yêu cầu bắn pháo hoa vì trong năm 2020 đã xảy ra quá nhiều chuyện buồn…

Ông Bách nhấn mạnh: Thiên tai bão lũ triền miên, rồi vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm 67 đã cướp đi sinh mạng của bao người dân cùng cán bộ, chiến sỹ tham gia cứu nạn. Hiện nay ở Thủy điện Rào Trăng 3 vẫn còn 11 công nhân mất tích chưa thể về được với gia đình. Chính vì lý do đó, UBND huyện Phong Điền từ chối việc nhận bắn pháo hoa mừng năm mới và nhường lại cho một địa phương khác của tỉnh.

Còn nhớ vào giữa tháng 1.2018, tại buổi họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Lào Cai, đại diện Văn phòng UBND tỉnh cho biết, để tạo không khí vui tươi cho người dân chào đón năm mới Mậu Tuất 2018, tỉnh tổ chức một điểm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa tại trung tâm TP Lào Cai. Ngoài điểm này, các huyện như Bắc Hà, Bảo Yên, Mường Khương, Sa Pa cũng đăng ký được bắn pháo hoa bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Điều đáng chú ý ở đây là cách đó chưa lâu, tỉnh vừa phải nhận gạo từ Chính phủ cấp cho các hộ nghèo. Trường hợp khác là Đắk Nông. Tỉnh tổ chức bắn pháo hoa tại 3 điểm với tổng kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Việc bắn pháo hoa tỉnh chỉ cho chủ trương, các huyện, thị xã tổ chức bằng kinh phí xã hội hóa – vị Chánh Văn phòng UBND tỉnh lý giải. Và thêm “điểm chung” nữa là tỉnh này cũng vừa được cấp gạo cứu trợ của Chính phủ.

“Cá biệt” hơn là trường hợp một thị xã thuộc một tỉnh phía Nam cách đây khá lâu. Cụ thể, để có khoản kinh phí hơn 1 tỷ đồng bắn pháo hoa, thị xã “ép” mỗi cán bộ, công nhân viên chức, kể cả hợp đồng thời vụ phải đóng góp tối thiểu một ngày lương; cán bộ cấp phó trở lên ngoài mức như cán bộ, công nhân viên chức phải đóng thêm ít nhất 50% của một ngày lương. Hiển nhiên, việc này gây nhiều bức xúc trong dư luận…

Thực tế, việc có nên tổ chức bắn pháo hoa vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm hoặc vào các dịp lễ, kỷ niệm khác hay không thường có những ý kiến trái chiều. Thế nhưng để có cái nhìn khách quan, đầy đủ hơn về việc này, một vị nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã lý giải khá đầy đủ: Những năm qua, Chính phủ nhiều lần không đồng ý về việc bắn pháo hoa ở một số địa phương. Không phải tôi không ủng hộ việc bắn pháo hoa bởi việc này tạo nên niềm vui tinh thần cho Nhân dân. Nhưng có nhất thiết tỉnh nào cũng phải bắn pháo hoa hay không? Nên chăng chỉ bắn ở những nơi tiêu biểu, sau đó truyền hình trực tiếp cho người dân cả nước xem. Tỉnh nào cũng bắn pháo hoa sẽ rất tốn kém.

Vị Phó Chủ nhiệm này nhấn mạnh thêm rằng, mang niềm vui đến cho người dân có nhiều hình thức khác như tổ chức lễ hội, các trò chơi dân gian… không nhất thiết cứ phải bắn pháo hoa. Tỉnh nào cũng đua nhau bắn pháo hoa thì thành “hội chứng” pháo hoa. Lãnh đạo các địa phương cũng không nên theo nếp nghĩ rằng “anh” bắn được thì “tôi” cũng bắn được, thay vào đó nên dành tiền chăm lo cho dân.

Với những lý giải này, chắc chắn việc từ chối bắn pháo hoa của huyện Phong Điền sẽ nhận được sự tán đồng không chỉ của tỉnh Thừa Thiên Huế mà của dư luận cả nước. Bởi những lý do mà huyện đưa ra hoàn toàn thuyết phục: Đó là câu chuyện tình người, là “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Việc này đáng để các địa phương “soi chiếu”.