Từ Đại thắng 30.4.1975, nghĩ về phương thức phát triển hiện nay 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Tròn 46 năm trôi qua, kể từ ngày 30.4.1975. Và, công cuộc đổi mới 35 năm qua nằm trọn trong 46 năm ấy, một cách tự nhiên, có một mối liên hệ nội tại đặc biệt và hiếm thấy trong toàn bộ lịch sử phát triển Việt Nam. Vì thế, càng nhớ về ngày 30.4.1975, càng nghĩ và tin tưởng về công cuộc đổi mới trong sự phát triển nội tại mang tính quy luật của lịch sử Việt Nam: Phương thức phát triển rút ngắn.

Từ chiến thắng Điện Biên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Lịch sử chưa bao giờ phát triển như một cuộc duyệt binh. Vì phương thức sự phát triển của lịch sử vốn là đa dạng trong thống nhất: Vừa tuần tự vừa nhảy vọt, vừa phát triển vừa ngưng đọng, vừa tiến lên vừa giật lùi, thậm chí cả những bước phát triển dích dắc xen lẫn cả những bước lùi biện chứng tạm thời… Và, càng về cuối thế kỷ XX, lịch sử của chúng ta là lịch sử của sự phát triển rút ngắn, thậm chí là phát triển nhảy vọt, khi thời cơ lịch sử chín muồi và thế lực phát triển tới độ. Hơn nữa, thời cơ cũng chính là lực lượng. Nên đón lấy, thậm chí tạo ra thời cơ cũng chính là phát triển lực lượng, tức tạo thế, nên sức mạnh càng to lớn. Tới lượt nó, thời cơ càng đóng vai trò to lớn.

Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 và Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là nghệ thuật của sự phát triển rút ngắn. Và, giữa hai chiến dịch này, dù cách nhau 21 năm, chính là sự phát triển rút ngắn điển hình.

Nói cụ thể, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trong 56 ngày, cũng với ba nhịp phát triển, đã kết thúc cuộc chiến tranh trường kỳ 9 năm xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.

Sau đó, 21 năm, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tên nguyên thủy là Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn – Gia Định – chiến dịch cuối cùng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Cuộc Tổng tấn công và Nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và cũng là chiến dịch cuối cùng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam – là sự kiện lịch sử phát triển như vậy. Đây là chiến dịch có thời gian và diễn biến ngắn nhất trong chiến tranh ở Việt Nam, diễn ra từ 17 giờ ngày 26.4.1975 đến 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975. Chiến dịch lịch sử này đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, thống nhất đất nước. Nghĩa là, chỉ trong 5 ngày, với ba nhịp phát triển, là đủ để Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc một cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Như vậy, so với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã phát triển rút ngắn thời gian tới 51 ngày.

Nhìn toàn cục, đó là bài học lớn về xử lý thời và thế, khách quan và chủ quan, bên trong và bên ngoài… lịch sử đã phát triển theo phương thức rút ngắn. Và, chúng ta kết liễu hai cuộc chiến tranh xâm lược bằng phương thức phát triển này. Nói cách khác, đó cũng là sự phát triển nhảy vọt, khi chuẩn bị thế thật toàn vẹn, chờ đợi và nắm lấy thời cơ đã thực sự chín muồi, để giải quyết đại cục! Có thể nói, đó là nghệ thuật phát triển rút ngắn.

… tới phương thức phát triển hiện nay

Và, phải chăng, đó cũng chính đang là phương thức phát triển của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ chúng ta hiện nay và tương lai?

Đúng. Có thể nói như vậy. Ở đây, phương thức phát triển rút ngắn bao hàm sự rút ngắn về thời hạn phát triển, về trật tự phát triển, về bước đi phát triển, về nấc thang phát triển, về sự phát triển liên tục trong đứt đoạn, về sự kết hợp biện chứng các phương thức phát triển rút ngắn,… khi thời và thế chín muồi.

Từ công cuộc đổi mới, tối thiểu có mấy phương diện chủ yếu:

Một là, dũng cảm lựa chọn đột phá của đột phá phát triển

Không đột phá đổi mới thể chế nhằm giải phóng mọi tiềm năng và thực lực phát triển, tạo thời cơ phát triển mới thì rất khó có sự bứt tốc thành công nào như mong muốn. Đây chính là giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới quan hệ sản xuất và phát triển lực lượng sản xuất. Vì vậy, cần lựa chọn và nắm lấy khâu đột phá của đột phá về thể chế.  Trong sự phát triển toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, cần nắm lấy ba khâu yết hầu, có tính quyết định khắc chế những khuyết tật, khai thông những “cục nghẽn mạch”, làm chuyển động tình hình và dẫn dắt thị trường tổng thể là: thể chế thị trường tài chính – tiền tệ; thể chế thị trường đất đai và thể chế thị trường công nghệ, để kỳ vọng phát triển rút ngắn trên lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, tăng tốc phát triển nền kinh tế.   

Không đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng rất khó phát triển rút ngắn, càng khó “cất cánh” nền kinh tế như kỳ vọng. Phải chăng đột phá của đột phá ở đây là: Tập trung chỉnh đốn, phát triển hệ thống “huyết mạch cứng”: đường bộ cao tốc Bắc Nam, liên vùng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tam giác, tứ giác phát triển, đường ven biển (kinh tế và quốc phòng) song hành với phương thức đi thẳng vào hiện đại hóa hệ thống hạ tầng “huyết mạch mềm” phát triển internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và công nghệ số? Không có nền tảng này không thể có sự phát triển rút ngắn thành công nào cả!  

Mũi đột phá của đột phá về phát triển nguồn nhân lực chính là phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đây là hai lực lượng có vai trò quyết định dẫn dắt quốc gia và đi tiên phong hội nhập quốc tế, bảo đảm song hành sự phát triển chính trị đồng bộ với phát triển kinh tế, chính trị với kỹ trị…

Hai là, mệnh lệnh đổi mới: Hành động dũng cảm và sáng tạo

Khởi thủy là hành động! Và, hành động một cách dũng cảm và đổi mới sáng tạo! Hơn hết lúc nào, từ tầm nhìn và quyết sách của Đại hội thứ XIII của Đảng, trong bối cảnh phát triển mới, nhất định phải:

Phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm là nhân tố hợp thành cơ chế vận hành và phương thức lãnh đạo và quản trị phát triển hiện nay. Không như thế không thể có chủ động, tự do sáng tạo hay bất cứ sự phát triển đột phá nào, càng không thể bất cứ sự thành công nào như mong đợi trên phương diện kiểm soát quyền lực – việc cấp bách nhất và có ý nghĩa thành bại hiện nay.

Bản chất của đổi mới là sáng tạo. Do đó, trân trọng, cổ vũ và bảo vệ người dũng cảm đột phá đổi mới sáng tạo là trọng sự căn bản của những người lãnh đạo, quản lý. Xưa nay, đây là nhân tố tiên phong phát triển của bất cứ phương diện nào, ở bất cứ thể chế nào. Những khuyến nghị cải cách của Chu Văn An với “Thất trảm sớ”, Nguyễn Trường Tộ với “Tế cấp bát điều”, Nguyễn Lộ Trạch với “Thời vụ sách”… ngay từ xưa vẫn đang là những bài học lớn trên phương diện này đối với chúng ta. Cần thiết cấp bách pháp định hóa vấn đề quan trọng này. Nếu không dũng cảm trong công việc này chúng ta sẽ giẫm phải vết xe đổ cũ trong điều kiện mới.

Thực thi công cuộc đổi mới lúc này, hơn lúc nào hết, quyết không phải là việc đổi mới bằng lời, càng không phải là “nạn” bàn suông về những thành công hay thậm chí cả những thất bại. Bây giờ là, hành động, hành động và hành động! Vì vậy, việc cấp bách hiện nay là, đo lường và định lượng kết quả hành động – thước đo đổi mới sáng tạo phải trở thành một trong những mệnh lệnh nghiêm cách thực thi đổi mới. Đây không chỉ là thước đo phẩm giá, danh dự mà còn là nhân tố quyết định chỗ đứng trong bộ máy, trong cộng đồng và sự đóng góp thực tế đối với cộng đồng, quốc gia dân tộc.

Một trong những “cục nghẽn mạch” đau đớn nhất hiện nay chính là nạn lạm quyền, lộng quyền, tiếm quyền, thậm chí sở hữu quyền lực… song hành với nạn tham nhũng đủ hình thức và sự ly tâm, cát cứ đủ mức độ. Do đó, phải cấp bách pháp định hóa về minh bạch giải trình song hành kiểm soát quyền lực, kiểm tra, giám sát là đại sự bảo đảm sự phát triển tập trung, thống nhất nhưng đầy tự do, sáng tạo. Vì, nếu giao quyền lực, lại là quyền lực quá lớn mà không kiểm soát, thì không khác gì “thả rông thú dữ vào xã hội”.

Phải chăng đó là mệnh lệnh hành động đổi mới hiện nay? Hoặc là bây giờ hoặc khó có thể bao giờ! Đó chính là cương lĩnh hành động, khí phách anh hùng của quân đội và nhân dân ta làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi tròn 46 năm trước, đang cổ vũ chúng ta hiện nay: “Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa…”.

Ba là, kiến tạo hệ động lực phát triển rút ngắn

Hơn hết bao giờ, công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, phải lấy lợi ích của Nhân dân là trung tâm, lợi ích quốc gia là tối thượng làm căn bản. Đó chính là mục tiêu cao nhất và thiêng liêng nhất của công cuộc đổi mới.

Phải lấy Đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực phát triển chủ yếu, sự thống nhất và đồng thuận xã hội là động lực quan trọng. Đó cũng chính là nền móng tinh thần vô địch của công cuộc đổi mới.

Để phát triển rút ngắn, không thể không coi công việc phát triển khoa học công nghệ là động lực đột phá đi tắt đón đầu, đi thẳng tới hiện đại. Chưa thấy động lực phát triển rút ngắn nào đúng đắn và xứng đáng hơn!  

Không ngừng thực hành dân chủ gắn với giữ vững kỷ cương một mặt cổ vũ sáng tạo song hành với cổ vũ phát triển thống nhất trong đa dạng của công cuộc đổi mới; đồng thời kiên quyết ngăn chặn, tẩy trừ tình trạng vô dân chủ, phi dân chủ, loại trừ phản động lực, sự phá hoại công cuộc đổi mới, trên nền tảng pháp luật quốc gia và pháp lý quốc tế làm động lực quan trọng.

Đổi mới quyết không phải là sự phát triển khép kín. Vì vậy, càng đổi mới càng hội nhập và hợp tác quốc tế phải là động lực trọng yếu nhằm tiếp biến và thâu hóa tinh hoa nhân loại phục vụ cho sự phát triển đất nước văn minh và hiện đại. Đó chính là một phương diện của phương thức phát triển rút ngắn hiện nay.

Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thật sự nêu gương trước toàn xã hội về tư cách, tầm nhìn, trí tuệ, trong sạch, phẩm hạnh và liêm sỉ là động lực quan trọng. Đây là nhân tố làm nên vị thế, sức mạnh, năng lực và uy tín cầm quyền của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản trị quốc gia của Nhà nước, sức mạnh và sự ưu việt của thể chế chúng ta.

*

*      *

Cố nhiên, tương lai không phải bao giờ cũng là đường quá khứ kéo dài. Nhưng, tầm nhìn chiến lược, phương lược phát triển rút ngắn sáng tạo, bước đi độc đáo của ngày 30.4.1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước – đang trở thành mạch nguồn, tầm nhìn và động lực của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay và tương lai. Đó là dấu son vĩ đại, sự bất diệt của Ngày 30.4.1975 trong toàn bộ lịch sử vẻ vang của nước nhà.

Không ai không thấy, không gì có thể bôi nhọ được!

Vì, đó là tầm nhìn, sức mạnh, bản lĩnh và danh dự Việt Nam!

Và vì, đó là Chân lý!