Tư duy làm luật cần không ngừng đổi mới 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách LÊ THANH VÂN cho rằng, Quốc hội cần phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tư duy làm luật cần đặt trong trạng thái không ngừng vận động, đổi mới nhằm thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước.

Cần có tầm nhìn dài hạn

– Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc Quốc hội Khóa XV cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đặc biệt là trong công tác lập pháp. Ông chia sẻ quan điểm này như thế nào?

– Đổi mới và nâng cao hiệu quả, hoạt động của Quốc hội, trong đó có công tác lập pháp là đòi hỏi tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới, theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, vì vậy, phải luôn tiên phong trong đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. Đặc biệt, với chức năng quan trọng là lập hiến, lập pháp, Quốc hội cần phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là những gợi mở, định hướng cho Quốc hội trong cả nhiệm kỳ, trong đó đặt ra những vấn đề để Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. 

Đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội nói chung, trong đó có công tác lập pháp cần xuất phát từ nền tảng tư duy linh hoạt, ứng biến phù hợp với sự vận động, thay đổi liên tục của đời sống xã hội. Thế giới ngày nay với những yếu tố biến thiên mới khó lường – không chỉ sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và nhiều yếu tố đan xen làm thay đổi thói quen và phương thức làm việc của nhân loại trên khắp thế giới. Nếu như trước đây, chúng ta suy nghĩ theo lối tư duy quản lý, lãnh đạo, tư duy chính sách, tư duy làm luật trong trạng thái “tĩnh” thì bây giờ, tư duy đó phải đặt trong trạng thái không ngừng vận động, đổi mới nhằm thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước. Nói cách khác, phải thay đổi tư duy và phương thức quản lý để kiểm soát, quản lý tốt sự thay đổi.

Tại cuộc làm việc với Thường trực 6 Ủy ban về 7 dự án Luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quyết tâm phải bảo đảm chất lượng công tác xây dựng luật, khắc phục tình trạng “tuổi thọ” của một số luật chưa cao… Theo ông, nguyên nhân khiến “tuổi thọ” của luật còn ngắn là do đâu?

– Theo tôi trước hết là do trong quá trình xây dựng và ban hành pháp luật, chúng ta thiếu chiến lược lập pháp tương ứng với các chiến lược về phát triển kinh tế – xã hội được đề cập trong các nghị quyết của Đảng. 

  Trong thể chế chính trị của nước ta, Quốc hội có nhiệm vụ thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; cương lĩnh chính trị và Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc. Nghị quyết của Đảng đề ra các phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại… trong mỗi nhiệm kỳ thì tương ứng với đó, Quốc hội phải rà soát hệ thống pháp luật nhằm xem xét các văn bản pháp luật hiện hành đã đáp ứng được yêu cầu cụ thể hóa đường lối chiến lược phát triển đất nước hay chưa.

Tuy nhiên, vừa qua, Quốc hội không có chương trình lập pháp toàn khóa nữa mà triển khai công tác lập pháp theo chương trình hàng năm nên còn bị động, từ đây dẫn đến câu chuyện tầm nhìn xây dựng luật còn ngắn hạn và dễ mắc sai lầm trong nhận diện những thay đổi trong quan hệ xã hội cần được điều chỉnh bằng pháp luật. Điều này dẫn đến hai hệ quả dễ nhận thấy là: sự tùy tiện trong việc điều chỉnh chương trình lập pháp; kỷ cương, kỷ luật lập pháp không được thực hiện tốt. Cũng do tầm nhìn lập pháp ngắn hạn nên một số quy phạm pháp luật được Quốc hội xác lập trong các đạo luật chưa kịp đi vào đời sống đã “chết yểu”.

Nếu có chiến lược lập pháp với tầm nhìn dài hạn, song hành với chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh và đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội thì hoạt động lập pháp sẽ bảo đảm tính liên tục, toàn diện, phù hợp với tổng thể chiến lược phát triển đất nước.

Phải khách quan và toàn diện 

Từ sau kỳ họp cuối của Quốc hội Khóa XIV, Đảng đoàn Quốc hội đã triển khai xây dựng chiến lược lập pháp cho cả nhiệm kỳ Khóa XV. Ông đánh giá thế nào về hướng đi này?

– Đây là hướng đi đúng đắn, xác định tầm nhìn xa trong cả nhiệm kỳ và xa hơn nữa, phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Chiến lược lập pháp cần thể hiện tầm nhìn trong xây dựng luật, pháp lệnh trong tối thiểu 5 năm – một nhiệm kỳ của Quốc hội; thể hiện được những nội dung căn cốt trong hoạt động lập pháp, đó là: Xác định rõ khuôn khổ, định hướng của nhiệm vụ lập pháp; xác định nhiệm vụ trọng tâm, thứ tự ưu tiên và phân công rành mạch các cá nhân, cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ tham gia quá trình làm luật. Chiến lược lập pháp cũng cần đề cao kỷ luật lập pháp. Bên cạnh đó, chiến lược lập pháp cũng phải đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Pháp luật không thể đi trước quá xa cũng không thể đi sau các quan hệ xã hội vì nếu đi trước quá xa thì vô hình trung sẽ trở thành “cái áo” quá rộng, đi sau thì lại quá chật. Luật pháp phải luôn song hành với thực tiễn cuộc sống.

– Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm sự liêm chính trong hoạt động lập pháp. Ông có suy nghĩ như thế nào về yêu cầu này?

– Tôi cho rằng, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề bảo đảm sự liêm chính trong hoạt động lập pháp là rất đúng. Để làm được điều này thì cần khắc phục hai nhược điểm trong quy trình làm luật hiện nay. Chúng ta đang đi theo mô tuýp Quốc hội xem xét các đề xuất của các chủ thể có quyền kiến nghị luật – sáng quyền lập pháp và giao cho các ủy ban chuyên môn của Quốc hội thẩm tra. Ủy ban Pháp luật có nhiệm vụ thẩm tra toàn diện chương trình xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cả năm. Quy trình này phản ánh tính đặc trưng trong hoạt động lập pháp trong điều kiện hiện nay đó là các chủ thể có sáng quyền lập pháp phần lớn là các cơ quan quản lý, hành chính nhà nước. Các chủ thể khác dù được Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội quy định có quyền trình sáng kiến lập pháp nhưng hầu như chưa có điều kiện để thực hiện quyền này trên thực tế. Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đặc biệt nhấn mạnh vai trò hạt nhân của đại biểu Quốc hội trong thực hiện quyền trình dự án luật và quyền trình kiến nghị về luật nhưng các điều kiện để đại biểu thực hiện quyền này cũng chưa được bảo đảm. 

Một sự bất hợp lý nữa trong quy trình lập pháp hiện nay là thành phần ban soạn thảo phần lớn là đại diện của Chính phủ, cơ quan tư pháp. Nói cách khác, chủ thể sử dụng pháp luật để quản lý xã hội khởi xướng sáng kiến pháp luật, chủ trì soạn thảo… Chưa kể đến là trong Quốc hội có khá đông đại biểu là đại diện của các ngành, địa phương, tổ chức. Bất cập này dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, lợi ích ngành, lợi ích nhóm “ẩn mình” trong các câu chữ của dự thảo luật, khiến cho công tác xây dựng luật không bảo đảm tính khách quan. Do đó, yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về bảo đảm tính liêm chính trong hoạt động lập pháp là rất cần thiết và theo tôi phải được thực hiện nghiêm. 

– Xin cảm ơn ông!