Tư pháp độc lập – một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việc tòa án có vai trò độc lập với các ngành quyền lực còn lại là điều quan trọng nhất của một nhà nước dân chủ. Cho dù những mối quan hệ của ngành tư pháp như thế nào với lập pháp và hành pháp, thì hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới người ta đều dựa vào tư pháp để giải thích pháp luật ..

1. Tư pháp độc lập – một đóng góp lớn của dân chủ tư sản

Trong lịch sử của nhân loại, nhà nước được hình thành cách đây khoảng hơn 5.000 năm, nhưng bộ máy nhà nước được phân quyền mới chỉ được thiết lập cách đây khoảng gần 300 năm, kể từ khi có cách mạng tư sản. Cần phải khẳng định rằng trong những đóng góp cho sự phát triển nhân loại của nền dân chủ tư sản[1], việc hình thành một loại cơ quan xét xử đứng độc lập với các cơ quan nhà nước khác chiếm một vị trí rất quan trọng.

 Tư pháp được hiểu ở phương Tây là xét xử – đồng nghĩa với hoạt động của tòa án để tìm ra công lý, công bằng cho tất cả mọi người. Tư pháp độc lập khi nó được xem xét như là một cành quyền lực, nghiêng ngửa với hai ngành lập pháp và hành pháp. Trong nhà nước pháp quyền với cơ chế phân quyền: Quốc hội có quyền lập pháp – làm luật, Chính phủ có quyền thi hành pháp luật – hành pháp, Tòa án có quyền tư pháp – xét xử. Quốc hội cũng như Chính phủ phải hoạt động trong phạm vi khuôn khổ của Hiến pháp. Vấn đề đặt ra cần phải có sự kiểm tra, giám sát việc tuân thủ Hiến pháp của các cơ quan này. Trong việc kiểm soát tính hợp hiến của hành pháp ban đầu người ta giao cho lập pháp, “song chẳng bao lâu sau đó người ta đã phát hiện ra rằng ngành tư pháp có thể thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn nhiều…. Ngày nay, nhà nước pháp quyền không còn được đặc trưng bởi chức năng lập pháp như trước, mà bởi sự phát triển các thủ tục pháp lý nhằm bảo vệ pháp luật, trước sự tùy tiện của lập pháp và hành pháp”[2].

Việc tòa án có vai trò độc lập với các ngành quyền lực còn lại là điều quan trọng nhất của một nhà nước dân chủ. Cho dù những mối quan hệ của ngành tư pháp như thế nào với lập pháp và hành pháp, thì hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới người ta đều dựa vào tư pháp để giải thích pháp luật và để buộc hai ngành kia phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như phải tuân thủ các điều khoản của Hiến pháp. Nói cách khác, sự hiện diện của tư pháp độc lập được coi như là bằng chứng của một nền dân chủ. Ý nghĩa của nguyên tắc này nằm ở mục đích để cho tòa án có khả năng phán xét công bằng mọi tranh chấp trong xã hội. Hiện nay, không ai có thể nghi ngờ về thực tế: một nền dân chủ không thể có cơ sở tồn tại nếu hệ thống tư pháp đối xử không công bằng với các chủ thể trong xã hội; một quốc gia khó có thể ổn định và phát triển thịnh vượng nếu không có một hệ thống cơ quan tài phán độc lập với hai nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp.

 Nội dung của nguyên tắc tư pháp độc lập được thể hiện tập trung ở ba khía cạnh: (i) Tòa án phải độc lập về mặt thể chế, nghĩa là phải có  hệ thống tổ chức và với những quy chế hoạt động riêng không trùng và không giống với hành pháp và lập pháp; (ii) Tòa án phải có hành chính nội bộ riêng; (iii) Quyết định của tòa án không bị sự can thiệp của các chủ thể khác trong xã hội. Phạm vi xét xử của tòa án không chỉ bao gồm các hành vi vi phạm pháp luật của thường dân, mà còn cả các hành vi của các quan chức nhà nước, thậm chí cả cơ quan nhà nước. Càng về sau này, các quan chức càng phải chịu trách nhiệm vì những hoạt động vi phạm pháp luật của mình, chịu những sự phán quyết của toà án tương xứng với những hành vi vi phạm pháp luật của họ. Thêm vào đó, việc xét xử của toà án không chỉ bao hàm các hoạt động thi hành pháp luật, mà với sự phát triển ngày càng cao của dân chủ, toà án còn xem xét cả những hoạt động ban hành các văn bản luật. Trên thực tế, toà án ở nhiều quốc gia trên thế giới đã dần dần thực hiện được một sự kiểm soát hạn chế, nhưng quan trọng, đối với tất cả các cơ quan lập pháp thông qua quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật khi xảy ra tranh chấp.

Để hoạt động xét xử của toà án có hiệu quả, các nhà cai trị cần phải tuân thủ pháp luật. Hệ thống tư pháp – toà án cần phải có những quyết định phân xử đúng sai đối với cả các quyết định của các quan chức nhà nước, nhằm chống lại những quyết định tuỳ tiện của họ. Việc buộc các nhà cai trị phải chấp hành pháp luật là một cuộc đấu tranh dai dẳng vì sự tiến bộ của dân chủ.

Tòa án độc lập tức là thẩm phán phải độc lập. Muốn cho thẩm phán độc lập, trước tiên thẩm phán phải có đủ năng lực và phải đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc thẩm phán không đủ năng lực và điều kiện làm việc cũng là nguyên nhân khiến dẫn đến sự phụ thuộc của họ vào các nhánh quyền lực khác. Để làm được việc này, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quy định như nhiệm kỳ phải lâu dài, cũng như lương bổng của thẩm phán phải bảo đảm, thẩm phán không được tham gia các đảng phái chính trị cũng như   không được tham gia xét xử những vụ việc liên quan đến bản thân, gia đình mình…

Trong một nhà nước pháp quyền cần phải có sự phân quyền giữa lập  pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng tư pháp vẫn là cành quyền lực độc lập hơn cả. Đó là bởi:

Thứ nhất, hiện nay trên thế giới hầu hết các nhà nước đều được tổ chức theo mô hình dân chủ đại nghị, trong đó Chính phủ – hành pháp và Quốc hội (Nghị viện) – lập pháp, tuy khác nhau nhưng về cơ bản đều cùng phản ánh ý chí của đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền là đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội thông qua một cuộc đầu phiếu phổ thông, có quyền đứng ra thành lập Chính phủ. Thủ lĩnh của đảng cầm quyền sẽ là Thủ tướng Chính phủ. Các thành viên của Chính phủ về nguyên tắc đều là những người có chân trong ban lãnh đạo của đảng cầm quyền. Với nguyên tắc nghị sĩ của đảng nào chỉ được bỏ phiếu theo đường lối của đảng đó, cộng với quyền trình dự án luật trước Quốc hội, nên gần như hình thành một quy tắc là: mọi dự luật đều xuất phát từ Chính phủ – hành pháp và xét đến cùng, mọi hoạt động của Quốc hội – lập pháp và Chính phủ – hành pháp đều do đảng cầm quyền quyết định.

Thứ hai, sự can thiệp hay là sự chủ động đề xuất các hoạt động lập pháp của hành pháp không chỉ được thể hiện ở các nước mà bộ máy được tổ chức theo mô hình cộng hòa đại nghị, mà còn được thể hiện trong những quốc gia mà bộ máy nhà nước được tổ chức theo mô hình cộng hòa tổng thống (ví dụ như nước Mỹ). Ở mô hình cộng hòa tổng thống, hành pháp – Tổng thống không được quyền trình dự án luật trước Quốc hội – lập pháp, nói cách khác, quyền lập pháp được Hiến pháp dành riêng cho cơ quan lập pháp, cụ thể là chỉ cho các nghị sĩ. Nhưng bằng các con đường không chính thức, Tổng thống – người đứng đầu cơ quan hành pháp vẫn có thể can thiệp rất sâu vào quá trình lập pháp của Quốc hội. Cụ thể, hàng năm Tổng thống gửi yêu cầu lập pháp của mình sang cho Quốc hội bằng cách đọc thông điệp trước Quốc hội, hoặc bằng cách yêu cầu các đảng viên cùng đảng của mình trình dự án luật mà Tổng thống muốn. Hơn thế, bằng quyền phủ quyết, Tổng thống có thể không cho phép thi hành hoặc chí ít là yêu cầu Quốc hội phải chỉnh lý theo ý chí của mình các dự thảo luật đã được Quốc hội thông qua.

Như vậy, cho dù được tổ chức theo mô hình cộng hòa đại nghị hay cộng hòa tổng thống thì lập pháp và hành pháp vẫn không có sự phân chia tuyệt đối với nhau. Hành pháp vẫn can thiệp được vào công việc của lập pháp, thậm chí các hoạt động lập pháp còn là nhu cầu của hành pháp. Bản thân Quốc hội về cơ bản không có nhu cầu lập pháp nội tại. Tính hợp lý của nhu cầu lập pháp của hành pháp thể hiện ở chỗ, thông qua các đề xuất lập pháp mà hành pháp có khả năng triển khai các chủ trương, chính sách của mình nằm trong chương trình tranh cử của họ đã được nhân dân đa số bỏ phiếu thông qua và tạo nên tính hợp pháp các hoạt động của hành pháp.

Trong lịch sử phát triển của nhà nước trên thế giới, có thể thấy nhà nước Mỹ có một hệ thống tòa án được hưởng nhiều quyền độc lập hơn cả và quyết định của tòa án Mỹ được thực thi một cách nghiêm chỉnh hơn cả. Ngay cả ở nhà nước từng là mẫu quốc của họ (nước Anh) cũng không có một nền tư pháp mạnh mẽ như vậy. Mãi cho đến những năm gần đây, những nhà nước ở châu Âu mới nhận ra vấn đề này và đang có những cải cách cho kịp Mỹ. Đã có cả một thời kỳ nước Mỹ được mệnh danh là chính phủ của các quan tòa. Ở Mỹ, nếu mâu thuẫn trong xã hội không thể giải quyết được ở đâu thì cuối cùng phải đến tòa án để giải quyết. Ví dụ, tranh cãi trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 43 của Mỹ  giữa hai ứng cử viên Gore và Bush phải chờ đến phán quyết của Tòa án Tối cao liên bang. Vì vậy, có quan điểm cho rằng, không phải người dân Mỹ mà chính là tòa án đã bầu ra tổng thống. Nước Mỹ chi rất nhiều tiền của cho hoạt động xét xử nếu so với các quốc gia khác trên thế giới, song họ cho rằng, những chi phí đó là cần thiết để làm cho xã hội của họ dân chủ và phát triển thịnh vượng hơn.

2. Tư pháp độc lập theo luật nhân quyền quốc tế

Tính độc lập của tòa án từ lâu đã được nhấn mạnh trong luật quốc tế. Ngay trong Hiến chương năm 1945, Liên hợp quốc đã khẳng định quyết tâm xây dựng các điều kiện để thực thi công lý (với hàm ý về tính độc lập của  tòa án). Tiếp theo đó, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 đã chính thức ghi nhận nguyên tắc hoạt động độc lập, khách quan của tòa án như là một điều kiện để bảo đảm các quyền con người trong hoạt động tư pháp. Đến năm 1966, hai điều ước quốc tế cơ bản về nhân quyền là Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá và Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự được thông qua, trong đó đều nhắc lại và cụ thể hóa các quy tắc và tiêu chuẩn về tính độc lập của tòa án đã nêu trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948. Có thể khẳng định rằng, trong luật quốc tế, tính độc lập của tòa án được coi là một yếu tố gắn liền với việc bảo đảm các quyền con người, đặc biệt là quyền được xét xử công bằng.

Bên cạnh các văn kiện đã nêu, Liên hợp quốc đã thông qua Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của tòa án[3] nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc bảo đảm và thúc đẩy tính độc lập của toà án. Trong phần đầu văn kiện này, Liên hợp quốc khuyến nghị các quốc gia tôn trọng và lồng ghép các nguyên tắc trong văn kiện này vào luật pháp và thông lệ quốc gia, cũng như phổ biến rộng rãi các nguyên tắc đó đến các thẩm phán, luật sư, nhân viên các ngành hành pháp, lập pháp và công chúng nói chung. Có thể tóm tắt những nội dung cơ bản của văn kiện này như sau:

Những nguyên tắc và yêu cầu chung về tính độc lập của toà án

Tính độc lập của toà án phải được nhà nước bảo đảm và ghi nhận chính thức trong Hiến pháp hay pháp luật quốc gia. Không chỉ như vậy, nhà nước phải bảo đảm rằng tất cả các cơ quan của mình có nhiệm vụ tôn trọng và tuân thủ tính độc lập của toà án.

Tính độc lập của toà án thể hiện ở việc tòa án phải có quyền quyết định các vụ việc một cách vô tư, không thiên vị, dựa trên bản chất của sự việc và theo luật pháp mà không chịu bất kỳ sự hạn chế, tác động hay ảnh hưởng nào không phù hợp, hoặc sự dụ dỗ, sức ép, đe doạ hay can thiệp sai trái, một cách trực tiếp hay gián tiếp, từ bất kỳ chủ thể nào, dựa trên bất kỳ lý do nào. Thêm vào đó, tòa án phải có quyền tài phán với mọi vấn đề thuộc thẩm quyền xét xử và có quyền quyết định các vụ việc được trình lên có thuộc chức năng xem xét của toà theo như luật pháp quy định hay không.

Nguyên tắc độc lập của tòa án cũng đòi hỏi không một chủ thể nào được can thiệp một cách vô cớ hay không thoả đáng vào quá trình xét xử, cũng như được xét lại các phán quyết của toà án. Chỉ có các tòa án cấp trên mới có quyền xét lại các phán quyết của tòa án cấp dưới theo trình tự tố tụng quy định trong pháp luật. Thêm vào đó, nguyên tắc này gắn với quyền của mọi người được xét xử bởi các toà án thông thường, với những thủ tục pháp lý đã được ấn định. Điều đó có nghĩa là việc tùy tiện lập ra một toà án đặc biệt nào đó để thay thế cho các tòa án thông thường được lập ra theo pháp luật sẽ bị coi là vi phạm nguyên tắc độc lập của tòa án.

Một điểm nữa là nguyên tắc độc lập của toà án đòi hỏi quyền của các bên tham gia tố tụng đều phải được tôn trọng, bất kể đó là bên buộc tội hay gỡ tội. Điều này liên quan đến phương thức tiến hành tố tụng mà theo đó, để bảo đảm tính độc lập của tòa án, tố tụng tại tòa phải là tố tụng tranh tụng chứ không phải tố tụng buộc tội. Tòa án chỉ đóng vai trò là trọng tài xem xét và phán quyết dựa trên việc đánh giá quan điểm của các bên buộc tội và gỡ tội chứ không tham gia vào bất cứ bên nào.

Cuối cùng, nguyên tắc độc lập xét xử của toà án đòi hỏi các quốc gia  phải cung cấp đầy đủ các nguồn lực để ngành toà án có thể thực hiện tốt những chức năng của mình mà không phụ thuộc vào bất cứ cơ quan nhà nước nào khác. Điều này xuất phát từ thực tế là nếu tòa án phụ thuộc vào nguồn nhân lực hay vật lực của một cơ quan nhà nước khác, tòa án có thể sẽ bị cơ quan nhà nước đó chi phối và mất đi tính độc lập của mình.

Những nguyên tắc và yêu cầu liên quan đến thẩm phán

Bên cạnh những nguyên tắc và yêu cầu chung đã đề cập, theo văn kiện kể trên, còn có một số nguyên tắc và yêu cầu cụ thể khác liên quan đến thẩm phán cũng được coi là cấu thành của các quy tắc về tính độc lập của tòa án, cụ thể như sau:

Về tự do biểu đạt và giao kết: Các thẩm phán cũng là công dân, do đó, cũng như các công dân khác, họ có các quyền công dân về dân sự, chính trị, trong đó bao gồm quyền được thành lập và tham gia hiệp hội của thẩm phán hay các tổ chức khác đại diện cho quyền lợi của họ. Tuy nhiên, trong khi thực hiện các quyền đó, thẩm phán phải luôn hành động và cư xử theo cách thức bảo đảm duy trì phẩm giá của công chức cũng như sự vô tư và tính độc lập của toà án[4].

Về tuyển chọn và đào tạo: Những người được chọn làm thẩm phán phải là các cá nhân liêm khiết, được đào tạo chuyên sâu về luật pháp. Việc bổ nhiệm thẩm phán không được thực hiện với những động cơ không chính đáng và không được mang tính chất phân biệt đối xử dựa trên bất kỳ yếu tố nào, trừ một yêu cầu thẩm phán phải là công dân của quốc gia có liên quan.

Về điều kiện dịch vụ và nhiệm kỳ: Thẩm phán, dù được bổ nhiệm hay bầu ra đều phải được bảo đảm thời gian làm việc cho đến tuổi về hưu hay hết nhiệm kỳ quy định. Thẩm phán cũng phải được bảo đảm các điều kiện về tính độc lập, an ninh, được trả thù lao thích đáng và được hưởng các chế độ bảo hiểm và bảo trợ xã hội. Việc đề bạt thẩm phán phải dựa vào những yếu tố khách quan về năng lực, tính liêm khiết và kinh nghiệm. Việc phân công thẩm phán xét xử các vụ việc phải là vấn đề nội bộ trong quản lý của các tòa án.

Về bí mật nghề nghiệp và quyền miễn trừ: Toà án phải thực hiện các quy định về bí mật nghề nghiệp liên quan đến quan điểm của thẩm phán và những thông tin mà thẩm phán thu thập trong quá trình thực thi nhiệm vụ mà không thuộc vào quá trình xét xử công khai. Thẩm phán không bị bắt buộc phải làm chứng về những quan điểm và thông tin đó. Ngoài ra, thẩm phán còn được hưởng quyền miễn trừ trong các vụ kiện dân sự vì những thiệt hại gây ra bởi những sai sót trong xét xử.

Về kỷ luật, đình chỉ và cách chức: Những cáo buộc hay khiếu nại chống lại thẩm phán liên quan đến việc xét xử của họ phải được xử lý nhanh chóng và công minh theo thủ tục pháp lý thích hợp. Thẩm phán cũng có quyền được xét xử công bằng. Thẩm phán có thể bị kỷ luật, đình chỉ hay cách chức do thiếu năng lực hay vì có những hành vi không phù hợp với chức phận của họ, tuy nhiên, việc kỷ luật, đình chỉ hay cách chức như vậy phải được quyết định dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức thẩm phán mà đã được quy định và phải được xem xét lại một cách độc lập.

3. Tư pháp độc lập trong Hiến pháp trên thế giới

Theo một nghiên cứu gần đây (Dự án Hiến pháp so sánh – Comparative Constitutions Project – CCP)[5], ở thời điểm năm 2000, tính chung có 65% Hiến pháp hiện hành ở các quốc gia có điều khoản quy định rõ về tính độc lập của tòa án. Ở một số khu vực, tỷ lệ lên tới gần 100%. Xét về xu thế phát triển, tính trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX đến nay, nhìn chung tỷ lệ Hiến pháp trên thế giới quy định về vấn đề này ngày càng cao (xem các Biểu 1 và 2 dưới đây).

Biểu 1: Tỷ lệ Hiến pháp trên thế giới quy định về tính độc lập của tòa án   (phân theo khu vực, ở thời điểm năm 2000) [6]

Biểu 2: Tỷ lệ Hiến pháp trên thế giới quy định về tính độc lập của tòa án  (trong giai đoạn từ năm 1850 đến năm 2000) [7]

Cũng theo CCP, cách thức quy định về độc lập tư pháp trong Hiến pháp các nước trên thế giới ít  nhiều khác nhau, song tựu trung có thể quy vào mấy dạng chính đó là:

– Quy định một cách trực tiếp là tòa án hoặc cơ quan tư pháp độc lập với mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Ví dụ, Hiến pháp Ý năm 2003 (Điều 104) quy định: “Cơ quan tư pháp tự chủ và độc lập với mọi quyền lực khác”. Tương tự, Hiến pháp An-giê-ri năm 2002 (Điều 138) quy định: “Quyền lực tư pháp là độc lập. Nó được thực thi trong khuôn khổ pháp luật”; Hiến pháp Cộng hòa Pháp năm 2005 (Điều 64) nêu rõ: “Tổng thống nước Cộng hòa là nhà bảo trợ cho sự độc lập của cơ quan tư pháp”…

– Quy định thông qua việc xác định nguyên tắc tam quyền phân lập. Ví dụ, Hiến pháp Braxin năm 2005 (Điều 2) quy định: “Cách nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau”. Tương tự, Hiến pháp Ma-rốc năm 1996 (Điều 82) quy định: “Cơ quan tư pháp độc lập với các quyền lực lập pháp và hành pháp”; Hiến pháp Bờ biển Ngà năm 2000 (Điều 101) cũng nêu rõ: “Quyền lực tư pháp độc lập với quyền lực lập pháp và quyền lực hành pháp”[8]…

– Quy định thông qua việc xác định tính độc lập của thẩm phán. Ví dụ, Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 (Điều 76) quy định: “Tất cả thẩm phán phải được độc lập trong khi thực thi quyền hạn của mình mà chỉ phải tuân thủ Hiến pháp và các luật”. Tương tự, Hiến pháp Thái Lan năm 1997 (Điều 249) quy định: “Thẩm phán độc lập trong xét xử phù hợp với Hiến pháp và pháp luật”, Hiến pháp Fiji năm 1998 (Điều 118) nêu rõ: “Các thẩm phán của nhà nước độc lập với cách nhánh lập pháp và hành pháp của chính phủ”. Các Hiến pháp của Việt Nam, từ Hiến pháp 1946, 1960, 1980, 1992 (sửa đổi năm 2001) cũng đều quy định theo mô thức này[9]..

– Quy định gián tiếp thông qua việc khẳng định quyền của bị cáo được xét xử công bằng. Ví dụ, Hiến pháp Kenya năm 1969 (Điều 77) quy định: “Bất kỳ người nào bị cáo buộc phạm tội đều phải được xét xử công bằng trong thời hạn hợp lý bởi một tòa án độc lập và vô tư được thành lập theo pháp luật”.

Ngoài ra, một số Hiến pháp quy định về độc lập tư pháp ở mức độ giới hạn. Ví dụ, Hiến pháp Haiti năm 1946 (Điều 36) quy định các nhánh quyền lực độc lập với nhau về trách nhiệm. Hiến pháp Phi-lip-pin năm 1986 (Điều 8.3) chỉ quy định sự tự chủ về tài chính của các cơ quan tư pháp…

Bên cạnh quy định trực tiếp về nguyên tắc độc lập tư pháp, nhiều Hiến pháp trên thế giới còn quy định về một số yếu tố bảo đảm cho nguyên tắc này đã đề cập ở mục trên, trong đó bao gồm quy định về nhiệm kỳ và lương của thẩm phán. Cụ thể như sau:

Về nhiệm kỳ của thẩm phán, theo nghiên cứu của CCP, quy định trong Hiến pháp trên thế giới rất đa dạng, có các mức từ 1,2,3,4,5,6,7,8,9,12,15 năm đến suốt đời (mức này lại có hai dạng: nhiệm kỳ kéo dài cho đến tuổi về hưu và cho đến khi chết)[10]. Ở mức lý tưởng nhất để bảo đảm cho tính độc lập của thẩm phán, ở thời điểm năm 2000, tính chung có 26% số Hiến pháp quy định nhiệm kỳ suốt đời của thẩm phán (trong đó có khu vực tỷ lệ này đạt trên dưới 40%) và tính từ cuối thế kỷ XIX đến nay, nhìn chung tỷ lệ Hiến pháp trên thế giới quy định về vấn đề này giữ ổn định trong khoảng trên dưới 20% (xem các Biểu 3 và 4 dưới đây).

Biểu 3: Tỷ lệ Hiến pháp trên thế giới quy định nhiệm kỳ suốt đời của thẩm phán (phân theo khu vực, ở thời điểm năm 2000) [11]

Biểu 4: Tỷ lệ Hiến pháp trên thế giới quy định nhiệm kỳ suốt đời của thẩm phán (trong giai đoạn từ năm 1850 đến năm 2000) [12]

Về lương của thẩm phán, theo nghiên cứu của CCP, ở thời điểm năm 2000, có khoảng 25% Hiến pháp trên thế giới quy định lương của thẩm phán do pháp luật quy định để tránh việc Chính phủ có thể can thiệp vào tính độc lập của họ (có khu vực tỷ lệ này lên tới 70%)[13]. Tính từ cuối thế kỷ XIX đến nay, nhìn chung tỷ lệ Hiến pháp trên thế giới quy định về vấn đề này giữ ổn định trong khoảng trên dưới 25% (xem các Biểu 5 và 6 dưới đây).

Biểu 5: Tỷ lệ Hiến pháp trên thế giới quy định nguồn riêng để trả lương cho thẩm phán (phân theo khu vực, ở thời điểm năm 2000) [14]

Biểu 6: Tỷ lệ Hiến pháp trên thế giới quy định nguồn riêng để trả lương cho thẩm phán (trong giai đoạn từ năm 1850 đến năm 2000) [15]

(Kỳ sau đăng tiếp)

[1] Ở đây, cần thấy rằng cũng giống như mọi thể chế chính trị khác, dân chủ tư sản cũng tồn tại những khiếm khuyết nhất định. Nhưng như Churchill đã nhận định: “Mặc dù không phải là một chế độ hoàn hảo, nhưng dân chủ [tư sản] còn khá hơn bất kỳ một chế độ nào đã từng có trong lịch sử loài người”. Sau này, Thủ tướng Ấn độ Nehru cũng đồng tình: “Dân chủ là một chế độ tốt vì mọi chế độ khác đều tệ hơn rất nhiều”.

[2]Xem, Joef  Thesing: Nhà nước pháp quyền, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tr.126.

[3] Được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 7 về phòng chống tội phạm và đối xử với người phạm tội, tổ chức tại Milan từ ngày 26/8 đến ngày 6/9/1985, sau đó được thông qua bằng Nghị quyết 40/32 ngày 29/11/1985 và Nghị quyết 40/146 ngày 13/12/1985 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

[4] Cần thấy rằng quy định này khác so với một số chức danh trong bộ máy nhà nước. Cụ thể, theo luật quốc tế, các nhà nước có thể hạn chế hoặc không thừa nhận quyền tự do lập hội, biểu tình, bãi công của một số chức danh đặc biệt như lực lượng cảnh sát, an ninh, phòng cháy chữa cháy, hay kể cả quân đội, nhằm bảo đảm sự ổn định và lợi ích chung của toàn xã hội.

[5] CCP khảo sát 550/800 bản Hiến pháp thành văn đã được ban hành trên thế giới từ năm 1789, trong đó hơn 90% được thông qua sau Chiến tranh Thế giới II. Số liệu khảo sát ở mục này cập nhật đến ngày 22/5/2008. Xem dữ liệu của CCP tại http://www.constitutionmaking.org/reports.html.

[6] Nguồn CCP, tại http://www.constitutionmaking.org/reports.html.

[7] Nguồn CCP, tại http://www.constitutionmaking.org/reports.html.

[8] Ở Việt Nam, hai bản Hiến pháp năm 1956 và 1967 của chính quyền miền Nam quy định theo mô thức này. Cụ thể, Điều 4 bản Hiến pháp năm 1956 quy định: “Hành pháp, lập pháp, tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ tự do, dân chủ, chính thể cộng hòa, và trật tự công cộng. Tư pháp phải có một quy chế bảo đảm tính cách độc lập”.

Điều 70 và 71 bản Hiến pháp này nhắc lại nguyên tắc độc lập tư pháp dưới góc độ tính độc lập của thẩm phán: “Để thi hành nhiệm vụ ấn định ở Điều 4, Tư pháp được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng của mọi người trước pháp luật và nguyên tắc độc lập của Thẩm phán xử án” (Điều 70); “Thẩm phán xử án quyết định theo lương tâm mình, trong sự tôn trọng luật pháp và quyền lợi quốc gia” (Điều 71).

Theo Điều 3 bản Hiến pháp năm 1967: “Ba cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản tự do, dân chủ và công bằng xã hội”. Thêm vào đó, Điều 76 bản Hiến pháp này còn quy định thêm: “(1) Quyền Tư pháp độc lập, được ủy nhiệm cho Tối Cao Pháp Viện và được hành xử bởi các Thẩm phán xử án”.

[9] Cụ thể, Điều 69 Hiến pháp 1946 quy định: “Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”. Theo Điều 131 Hiến pháp 1960: “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Theo Điều 131 Hiến pháp 1980: “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Cũng theo Điều 130 Hiến pháp 1992:“Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

[10] Trong các Hiến pháp của Việt Nam (kể cả hai Hiến pháp của chính quyền miền Nam giai đoạn 1954-1975), Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1956 không có quy định về nhiệm kỳ của thẩm phán. Các bản Hiến pháp còn lại có quy định về vấn đề này nhưng với những mức độ khác nhau. Cụ thể, Hiến pháp 1960 (Điều 129), nhiệm kỳ của Chánh án, Phó Chánh án và thẩm phán Toà án nhân dân các cấp theo nhiệm kỳ của cơ quan bầu ra mình, còn nhiệm kỳ của hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tối cao là hai năm rưỡi, của Toà án nhân dân địa phương là hai năm. Hiến pháp 1980 (các Điều 129 và 130) cũng quy định tương tự. Theo Hiến pháp 1992 (Điều 128), nhiệm kỳ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội, còn nhiệm kỳ của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân ở Toà án nhân dân các cấp do luật định. Hiến pháp 1967 chỉ quy định về nhiệm kỳ của thẩm phán Tối cao pháp viện (Điều 80 khoản 3) là sáu năm.

[11] Nguồn CCP, tại http://www.constitutionmaking.org/reports.html.

[12] Nguồn CCP, tại http://www.constitutionmaking.org/reports.html.

[13] Trong các Hiến pháp của Việt Nam (kể cả hai hiến pháp của chính quyền miền Nam giai đoạn 1954-1975), các Hiến pháp 1946,1960,1980,1992 và Hiến pháp 1956 ở miền Nam không có quy định về lương của thẩm phán hay ngân sách của tòa án. Chỉ riêng Hiến pháp 1967 ở miền Nam có một quy định về ngân sách của Tối cao Pháp viện  (Điều 83), trong đó nêu rằng: “Tối Cao Pháp Viện có ngân sách tự trị và có quyền lập qui để quản trị ngành tư pháp”.

[14] Nguồn CCP, tại http://www.constitutionmaking.org/reports.html.

[15] Nguồn CCP, tại http://www.constitutionmaking.org/reports.html.

GS, TS. Nguyễn Đăng Dung – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp – Hành chính, Khoa Luật, Đại học Quốc gia HN;

TS. Vũ Công Giao – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguồn: http://www.nclp.org.vn