Tương lai nào cho thủy sản Việt Nam sau TPP?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP ) đang tới hồi cấp tập. Chủ đề TPP trong các chương trình nghị sự, trên báo chí, trong các sự kiện cho DN … đang tạo nên một “cơn sốt” hội nhập mới ở Việt Nam. Mặc dù vậy, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản vẫn khá im ắng. Phải chăng thủy sản sẽ được lợi lớn từ TPP nên không cần lên tiếng? Hay bởi thủy sản không bị tác động bất lợi nào từ Hiệp định này? Bài viết dưới đây đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về những tác động của TPP đối với ngành thủy sản ViệtNamvà những lưu ý đối với DN của ngành trong việc “ứng xử” với Hiệp định đình đám này.

TPP là gì?

Đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một đàm phán thương mại tự do (FTA) nhiều bên, với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước thành viên. Bắt đầu từ cuối 2009, tới nay TPP đã trải qua 19 Vòng đàm phán chính thức, cùng rất nhiều các phiên đàm phán giữa kỳ.

Tại thời điểm tháng 11/2013, có tổng cộng 12 nước tham gia vào đàm phán TPP, bao gồm Hoa Kỳ, New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản.

Đối với ViệtNam, đàm phán TPP hiện đang là một trong những đàm phán FTA quan trọng nhất. Lý do chủ yếu là vì trong TPP có Hoa Kỳ – thị trường XK hàng đầu của ViệtNam.

Về mức độ, TPP tham vọng sẽ là một FTA “thế hệ mới”, “tiêu chuẩn cao”, với mức độ tự do hóa sâu hơn WTO và các FTA trước đây. Về phạm vi, TPP được dự kiến sẽ bao gồm 21 Chương, bao trùm không chỉ các vấn đề thương mại truyền thống (như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ) mà còn cả những vấn đề thương mại mới (như DN nhà nước, mua sắm công,…) hoặc phi thương mại (lao động, môi trường…).

Với mức độ và phạm vi cam kết như vậy, đối với ngành thủy sản, TPP có ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến triển vọng sản xuất, XK của ngành theo các cách thức khác nhau.

Tác động trực tiếp của TPP đối với ngành thủy sản Việt Nam được nhận định là đến từ các biện pháp thuế quan (thuế ưu đãi đối với thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào các quốc gia thành viên TPP cũng như thuế ưu đãi cho thủy sản các quốc gia đối tác TPP nhập khẩu vào Việt Nam) và các biện pháp tại biên giới có liên quan đến việc nhập khẩu (các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ…).

Ở các khía cạnh gián tiếp khác, TPP cũng sẽ có tác động nhất định đến ngành thủy sản. Ví dụ, các cam kết bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài trong Chương về Đầu tư trong TPP có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực thủy sản. Những nội dung của Chương về Doanh nghiệp nhà nước có thể tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong ngành. Các quy định của Chương về Mua sắm công có thể là cơ hội tốt để doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tham gia trực tiếp vào các gói thầu cung cấp nguyên liệu cho các bếp ăn sử dụng ngân sách công của các quốc gia TPP. Còn các tiêu chuẩn cao trong các Chương về Lao động, môi trường lại là thách thức lớn đặt ra đối với việc cải thiện mô hình và chu trình sản xuất trong ngành thủy sản…

Tuy nhiên, ở góc độ này, không chỉ thủy sản Việt Nam mà tất cả các ngành cũng sẽ được hưởng lợi hoặc bị ảnh hưởng tương tự. Vì vậy, những nội dung tiếp theo chỉ tập trung vào các tác động riêng của TPP đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Ưu đãi thuế quan trong TPP – ngành thủy sản có thực sự được hưởng lợi?

Từ góc độ xuất khẩu,về lý thuyết chung, TPP sẽ cho phép ngành thủy sản Việt Nam có thể tiếp cận với thuế quan ưu đãi (0%) khi xuất khẩu vào các quốc gia thành viên TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản – hai thị trường xuất khẩu chủ lực chiếm đến khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 của ngành thủy sản Việt Nam.

Mặc dù vậy, trên thực tế lợi thế này không hẳn lớn. Ví dụ, đối với thị trường Hoa Kỳ, phần lớn các dòng thuế quan hiện đang áp dụng đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu đã tương đối thấp (thuế quan trung bình là 0,3% đối với các loại thủy sản sống; 4,7% đối với thủy sản chế biến), do đó TPP không chắc sẽ giúp làm cho thuế quan vào quốc gia này tốt hơn bao nhiêu. Tương tự với tình hình ở Peru, Canada (nơi thuế quan MFN hiện đã xấp xỉ 0%) hoặc Malaysia, Singapore, Australia… (nơi thuế quan đã bị loại bỏ theo FTA trong ASEAN và ASEAN +).

Trong khi đó, thuế quan đối với ngành thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản vẫn còn tương đối ít cho dù Việt Nam đã có ký kết FTA với quốc gia này (trung bình chiếm khoảng 3,5% với thủy sản sống và 7,3% đối với thủy sản chế biến), vì vậy TPP sẽ là cơ hội để thủy sản Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh về giá khi xuất khẩu sang thị trường này. Do đó, nhìn từ lợi ích xuất khẩu. TPP sẽ chỉ mang lại lợi thế thuế quan cho các sản phẩm thủy sản nhất định hiện đang phải chịu thuế suất cao ở các quốc gia TPP mà thôi.

Từ chiều nhập khẩu,việc ký kết và thực hiện TPP đồng nghĩa với việc các loại thuế quan áp dụng cho thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia TPP sẽ bị loại bỏ phần lớn. Với các mức thuế suất MFN hiện Việt Nam đang áp dụng tương đối cao (trung bình lên đến 15% đối với thủy sản sống và 30% đối với thủy sản chế biến), việc thủy sản nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam không còn phải chịu mức thuế này chắc chắn sẽ tạo ra các áp lực cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp thủy sản kinh doanh nội địa trước hàng hóa nhập khẩu của nước ngoài.

Đối với các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, TPP không mang lại thay đổi lớn bởi nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu đàng nào cũng được hoàn thuế, cho nên thuế nhập khẩu có giảm hay không cũng không đáng quan tâm. Tất nhiên, nếu xét một cách chi li, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ các nước TPP sẽ không phải làm thủ tục hoàn thuế, cũng không bị đọng vốn nếu hiện đang phải nộp thuế nhập khẩu, và đây cũng có thể xem là một lợi ích, tuy rằng không lớn.

Như vậy, nếu xét theo góc độ nhập khẩu, TPP không mang lại ưu thế lớn về thuế quan cho doanh nghiệp ngành thủy sản xuất khẩu nhưng lại đưa đến các thách thức không hề nhỏ đối với doanh nghiệp thủy sản kinh doanh nội địa.

Các hàng rào tại biên giới – TPP có phải là cơ hội để giảm bớt?

Có lẽ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiểu rõ hơn ai hết rằng, trong xuất khẩu, thuế quan chỉ là một phần – đôi khi là phần rất nhỏ của một câu chuyện dài. Phần còn lại nằm ở các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm SPS, ở các hàng rào kỹ thuật TBT (yêu cầu về bao gói, ghi nhãn, vận chuyển….) hoặc ở các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp…).

Thời gian qua, đâu đó đã có những tín hiệu vui rằng dường như đàm phán TPP đã khiến cho Hoa Kỳ có những biểu hiện nhượng bộ rất tích cực trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thủy sản Việt Nam gần đây. Đã có những hy vọng rằng thủy sản Việt Nam có thể quẳng gánh lo phòng vệ thương mại cũng như rào cản SPS, TBT ở thị trường Hoa Kỳ khi TPP hoàn thành đàm phán và đi vào thực thi. Tuy vậy, nếu nhìn sâu hơn vào TPP và thực tế hiện tại, có lẽ những người lạc quan quá sẽ phải thất vọng, bởi vì:

1. Từ góc độ kỹ thuật, dường như đàm phán TPP hoàn toàn không tác động đến kết quả các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ở Hoa Kỳ ít nhất là đối với thủy sản Việt Nam trong thời gian này. Thực tế con tôm Việt Nam thoát cáo buộc trợ cấp chẳng phải vì Bộ Thương mại Hoa Kỳ nương tay khi tính toán mức độ trợ cấp của Việt Nam, mà bởi Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cho rằng sản xuất nội địa Hoa Kỳ không bị thiệt hại và vì thế không chỉ có Việt Nam, những quốc gia khác cùng bị kiện dù không phải là thành viên đàm phán TPP cũng thoát.

Tương tự, con tôm Việt Nam nhận thuế 0% trong kỳ rà soát thuế chống bán phá giá lần 7 (POR7) ở nước này chủ yếu là do những nỗ lực chứng minh của doanh nghiệp cũng như sức ép từ kết quả thành công trong vụ kiện WTO trước đó hơn là một sự ưu ái nào. Bởi nếu có ưu ái nào đó, vì TPP chẳng hạn, thì kết quả của rà soát POR8 và POR9 đối với cá tra, cá basa đã không có biên độ cao như vậy.

2. Từ những nguồn thông tin đáng tin cậy cho biết, đàm phán TPP không có nội dung nào hạn chế quyền của các quốc gia nhập khẩu trong việc sử dụng các công cụ này. TPP có Chương về SPS, TBT về phòng vệ thương mại, nhưng nội dung của các Chương này rất ngắn và chủ yếu nhấn mạnh yếu tố hợp tác trong việc xử lý nhanh các khiếu nại nếu có.

Nói cách khác, sẽ không có chuyện TPP sẽ khiến các nhà sản xuất nội địa nước nhập khẩu bớt đi kiện con cá, con tôm Việt Nam. Cũng không có chuyện cơ quan điều tra bớt sử dụng các phương pháp tính toán bất lợi cho Việt Nam. Càng không có khả năng nào để những yêu cầu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được hạ thấp hơn hoặc ít ra cũng đừng phát sinh nhiều thêm.

3. Có một xu thế đã được nhận thấy trên thế giới rằng ở đâu các rào cản thuế quan bị loại bỏ ở đó các biện pháp bảo hộ trá hình bị lạm dụng nhiều hơn. Như thế, hàng rào này đổ thì hàng rào khác lại dựng lên, với mục tiêu bảo vệ bằng một cách khác cho sản xuất trong nước. Nếu xu thế này là đúng với hậu TPP, có lẽ doanh nghiệp thủy sản sẽ phải rất chú ý. Từ đó, có lẽ cần hiểu sự im lặng của các doanh nghiệp ngành thủy sản trước đàm phán TPP là một biểu hiện khác của sự bình thản.

Bình thản rằng TPP đối với ngành thủy sản sẽ chẳng phải là một cú hích lớn được hồ hởi đón nhận, nhưng cũng không phải là một cú sốc nặng khiến cho phải vật vã đớn đau. Và bình thản rằng, xét đến cùng, trong một tương lai có TPP, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn sẽ phải chủ động, sẵn sàng và dũng cảm cho những cuộc cạnh tranh sòng phẳng và quyết liệt.

Theo CafeF