UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi): Không nên đổi tên luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Xuất bản (sửa đổi), Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Xuất bản (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo bước phát triển mới trong hoạt động xuất bản. Tuy nhiên, Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cũng cho rằng, khái niệm xuất bản đã bao hàm cả việc tổ chức và biên tập bản thảo lẫn việc in và phát hành xuất bản phẩm. Hoạt động xuất bản phải bao gồm 3 khâu cấu thành, có quan hệ mật thiết với nhau là xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Quan niệm này đã được thể hiện nhất quán trong Luật Xuất bản hiện hành và khái niệm xuất bản đã được quy định thống nhất trong hệ thống pháp luật nước ta. Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Xuất bản sửa đổi.

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra của UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, tất cả các ý kiến của UBTVQH đều nhất trí không sửa đổi tên Luật Xuất bản thành Luật Xuất bản, in, phát hành. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề, khi đổi tên dự án Luật Xuất bản sửa đổi thành Luật Xuất bản, in, phát hành thì phạm vi điều chỉnh của luật có thay đổi không và nó còn nằm trong phạm vi của sửa đổi Luật Xuất bản nữa không? Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị, sửa đổi Luật Xuất bản phải lấy tiêu chí xuất bản phẩm, cái nào liên quan tới xuất bản phẩm thì nằm trong Luật này, cái nào không liên quan thì loại bỏ. Vì vậy, không cần phải sửa đổi tên Luật. Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng đồng ý giữ nguyên tên gọi là Luật Xuất bản, trong đó xây dựng một chương về in, quản lý in, cấp phép in. Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng nên giữ lại tên luật là Luật Xuất bản hoặc tại sao không gọi là Luật Xuất bản xuất bản phẩm hay Luật Xuất bản phẩm.

Về phạm vi sửa đổi của dự án Luật, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi cho rằng, Luật Xuất bản chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất bản, bao gồm cả việc quản lý các cơ sở in để giám sát hoạt động in xuất bản phẩm cũng như phòng chống việc in xuất bản phẩm giả. Vì vậy, Luật này không điều chỉnh toàn diện hoạt động in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, xuất bản được hiểu bao gồm cả hoạt động in và phát hành. Hoạt động in ra sản phẩm là xuất bản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Luật Xuất bản, còn hoạt động in ra sản phẩm không phải là xuất bản phẩm thuộc phạm vi quy định của Nghị định 105 của Chính phủ về hoạt động in. Không thể luôn tiện làm xuất bản mà đưa luôn hoạt động in vào. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng đồng tình với UB thẩm tra về vấn đề này. Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, in là một hoạt động kinh doanh có điều kiện, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Còn Luật Xuất bản chỉ quy định in những sản phẩm xuất bản phẩm.

Bên cạnh đó, UBTVQH còn cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức nhà xuất bản, đối tượng thành lập nhà xuất bản, liên kết xuất bản, tổ chức nhân sự nhà xuất bản… Phạm Liên
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân