USD tăng giá và hội chứng đám đông
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

USD cán đỉnh 1,8 triệu đồng.

Thị trường tài chính từ đầu năm đến nay đã có khá nhiều thăng trầm khi chứng khoán liên tục mất điểm, vàng và USD trồi sụt thất thường khiến những người có vốn không biết rót vào đâu cho thật sự an toàn.

Nếu như những ngày đầu của tháng 3/2008, khi USD xuống dưới 1,6 triệu đồng/100 USD, có lúc chỉ nhỉnh hơn 1,5 triệu đồng/100 USD, thị trường ghi nhận người bán đông gấp trăm người mua, công ty vàng bạc, các điểm giao dịch ngoại tệ thờ ơ với việc mua vào USD khiến thị trường xáo trộn hơn lúc nào hết. Người nọ đồn người kia là giá USD sẽ hạ, tiền VNĐ đang tăng lãi suất huy động khiến nhiều người đổ xô đi bán đô để trữ tiền Việt. Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, nhiều người bán được đô khi ấy chưa kịp mừng thì bỗng chốc méo mặt tiếc đứt ruột khi giá USD trên thị trường từ do cứ lừ lừ thẳng tiến, trở về giá cũ, rồi nhích lên những đỉnh mới và chạm ngưỡng 1,8 triệu đồng/100 USD- mức giá mà ngay cả giới kinh doanh USD cũng không nghĩ tới.

Sau khi lên đến đỉnh 17,7 triệu đồng/100 USD vào những ngày cuối tháng 5 và đã giảm đi chút ít sau đó, từ đầu tháng 6/2008, giá USD trên thị trường tự do đã tăng chóng mặt và trồi sụt không đáng kể, xu hướng tăng kéo dài khiến nhiều mức cản mới của giá USD đã phá vỡ. Thị trường lại lên cơn sốt khi người tiêu dùng sầm sập đổ đi mua đô mà không thấy có sự bán ra; giá USD đã cán đích cao nhất vào cuối giờ chiều 4/6/2008 khi được giao dịch ở mức: 1,785-1,810 triệu đồng/100 USD (mua vào- bán ra). Những tưởng nhiều người chốt lời được khi mua vào từ lúc USD có giá 1,68 triệu đồng/100 USD giờ sẽ đổ xô đi bán nhưng thực tế cho thấy trên phố kinh doanh ngoại tệ Hà Trung (Hà Nội) và nhiều cửa hàng vàng bạc có chức năng thu đổi ngoại tệ khác số người đến bán rất lẻ tẻ còn người mua tăng đột biến. Bác Khang, nhà ở phố Tôn Đức Thắng cho biết: “thấy USD lên và nghe đồn sẽ lên nữa, tôi rút hết tiết kiệm để mua hơn 10.000 USD, sáng ra cửa hàng hỏi giá bán mới chỉ 1,75 triệu đồng/100 USD,1 tiếng sau mang tiền đến giá đã lên 1,775 triệu đồng/100 USD.” Không riêng gì bác Khang mà rất nhiều khách hàng chúng tôi gặp ở cửa hàng Quốc Trinh (Hà Trung) đều mang tâm lý đám đông khi bỏ tiền vào kênh ngoại tệ: “nghe nói giá sẽ tăng nữa nên phải mua đô để giữ”. Thậm chí có người chấp nhận thua lỗ, rút hết tiền gửi ngân hàng khi bán đô ở lúc giá hơn 1,6 triệu đồng để quay lại mua đô với giá gần 1,8 triệu đồng/100 USD.

Cần thận trọng

Cũng giống như thị trường vàng một dạo, giá giảm đổ xô đi bán, giá tăng lại nháo nhào mua vào khiến cho thị trường càng bị đẩy lên cao hơn và nhiều khi tạo nên những khan hiếm giả tạo.Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước nhận định: Mặc dù giá USD hiện nay đang tăng theo giá thế giới nhưng so với giá thế giới thì giá USD trong nước đã tăng đột biến, nguyên nhân chính là do yếu tố đầu cơ và hội chứng đám đông. Chính vì thế, người dân cần thận trọng khi đổ tiền đầu tư vào kênh ngoại tệ bởi sẽ có rất nhiều rủi ro. Được biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát thị trường ngoại hối và điều hành linh hoạt tỷ giá biến động với mức độ ± 2%.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, giá USD thay đổi từng giờ, khiến nhiều công ty không kịp niêm yết giá mới, thậm chí có cửa hàng còn không nhận việc mua vào-bán ra với số lượng lớn mà chỉ làm trung gian, bán hàng qua điện thoại để kiếm lời. Khi khách hỏi bán hay mua với số lượng lớn, chủ hàng lấy số điện thoại rồi chờ có khách là ráp nối việc mua-bán ấy với nhau. Theo một chủ cửa hàng trên phố Hà Trung thì: làm cách này an toàn hơn và bảo toàn được vốn chứ giá USD đang lên quá cao như vậy, biên độ chênh lệch giữa mua và bán không nhiều thì “ôm” hàng vào là rất rủi ro. Ngày 5/6/2008, giá USD trên thị trường tự do vào 9 giờ sáng được giao dịch ở mức 1,775-1,805 triệu đồng/100 USD (mua vào-bán ra) , giảm 50.000 đồng/100 USD so với chiều hôm trước; giá USD tại Vietcombank là 1,6178 -1,6278 triệu đồng/100 USD; tại thị trường liên ngân hàng, giá USD được giao dịch 1,6117 triệu đồng/100 USD. Tuy nhiên, theo thông tin từ nhiều DN thì mức giá công bố tại các ngân hàng rất khó tiếp cận và DN muốn mua đô đều phải trả giá cao hơn rất nhiều.

Nguồn: Báo điện tử Công thương