Ưu đãi thuế thu nhập: Doanh nghiệp được chọn phương án
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo công văn của Bộ Tài chính, nhằm hỗ trợ các DN bị chấm dứt ưu đãi thuế thu nhập DN do các điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu và sử dụng nguyên liệu trong nước, bộ đã đưa ra hai phương án để DN lựa chọn tiếp tục hưởng ưu đãi.

Phương án 1: tiếp tục hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN tương ứng với các điều kiện đáp ứng cho thời gian ưu đãi còn lại theo quy định tại thời điểm được cấp phép thành lập.

Phương án 2: tiếp tục hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN tương ứng với các điều kiện đáp ứng theo quy định tại thời điểm điều chỉnh do cam kết gia nhập WTO cho thời gian ưu đãi còn lại.

Đối với các DN (trừ DN dệt may) đang hưởng ưu đãi thuế nhờ tỷ lệ xuất khẩu thì vẫn bảo lưu ưu đãi này đến hết năm 2011. Từ năm 2012, DN không còn được hưởng ưu đãi này nữa và chuyển sang hưởng ưu đãi khác theo 1 trong 2 phương án nêu trên.

Bộ Tài chính cho phép các DN chọn một trong hai phương án và thông báo cho các cơ quan thuế để bắt đầu áp dụng.

Tuy vậy, tại báo cáo nghiên cứu thực nghiệm do GS TS Nguyễn Thị Cành cùng đồng nghiệp tại Khoa Kinh tế ĐHQG TP HCM thực hiện lại đưa ra khẳng định: Miễn giảm thuế thu nhập DN (TNDN) không có tác động lớn đối với quyết định đầu tư của DN tư nhân trong nước và là khoản bao cấp không đáng có mặc dù nó khá phổ biến. Báo cáo này được thực hiện dựa trên khảo sát thực tế 140 DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân 3 tỉnh Tiền Giang, Bình Dương và TP HCM.

Báo cáo chỉ ra rằng khi quyết định đầu tư thì các yếu tố liên quan đến hạ tầng, nguồn nhân lực tốt là quan trọng nhất đối với DN chứ không phải ưu đãi thuế TNDN. Ngoài ra khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu, tiếp cận thị trường, luật pháp tại địa phương và cách ứng xử của các chức sắc địa phương cũng được xếp trên ưu đãi thuế TNDN trong các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.

Trên thực tế gần 85% số DN nhận ưu đãi thuế TNDN cho rằng họ chắc chắn hoặc chắc sẽ tiếp tục đầu tư như cũ cho dù không nhận được ưu đãi thuế TNDN. Như vậy có thể thấy rằng ưu đãi thuế TNDN là khoản bao cấp đầu tư không đáng có từ ngân sách nhà nước.

Vì vậy, theo ý kiến của bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nhận xét: Điều mà DN mong mỏi không phải là ưu đãi về thuế, quan trọng hơn là tất cả rào cản phải được xoá bỏ và DN được tạo điều kiện thuận lợi nhất để sản xuất kinh doanh.

Mai Hà