Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Mở rộng phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thành lập từ năm 2000, hai năm sau khi Pháp lệnh về cảnh sát biển được thông qua, đến nay, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò trong đấu tranh phòng, chống các hành vi xâm phạm vùng biển, giữ vững chủ quyền và an ninh.

Tuy nhiên, theo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, quy định như trong Pháp lệnh “lực lượng cảnh sát biển VN hoạt động từ đường cơ sở trở ra đến ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam” đã làm hạn chế tính chủ động của lực lượng này. Đặc biệt trong bối cảnh lực lượng quản lý, bảo vệ vùng biển vẫn còn đang mỏng.

Chính vì vậy, trọng tâm của Pháp lệnh sửa đổi lần này là điều chỉnh phạm vi, trách nhiệm hoạt động của cảnh sát biển.

Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội kiến nghị, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam qua 8 năm triển khai cần nâng lên thành luật, sau khi Quốc hội thông qua dự án Luật về các vùng biển Việt Nam. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XII.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Chính phủ đề nghị, thay vì chỉ hoạt động từ đường cơ sở trên biển trở ra, lực lượng cảnh sát sẽ hoạt động trên tất cả các vùng biển và thềm lục địa. Việc mở rộng phạm vi hoạt động này sẽ góp phần phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia giữ gìn an ninh.

Vấn đề gây tranh cãi trong thảo luận của các ủy viên Thường vụ QH là phân định trách nhiệm, quyền hạn của hai lực lượng trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển là Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển như thế nào để không chồng chéo trách nhiệm.

Theo đó, nhiều ủy viên tán thành với phương án mà Ủy ban Quốc phòng An ninh đưa ra, đó là giao lực lượng cảnh sát chủ trì xử lý vấn đề trong vùng lãnh thổ từ đường biên giới trên biển trở ra. “Để lực lượng này có kế hoạch tập trung xây dựng đội ngũ, thực sự là chỗ dựa cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình nhấn mạnh.

Pháp lệnh sửa đổi lần này cũng xem xét bổ sung nhiều nội dung về tham gia ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế; bổ sung chế độ chính sách đặc thù cho lực lượng cảnh sát biển.

Ngày mai (18/12), Ủy ban thường vụ QH sẽ cho ý kiến về dự án pháp lệnh công nghiệp quốc phòng. Phiên họp sẽ kéo dài đến ngày 22/12.

Nguồn: VNN