Vì sao thừa điện vẫn đi mua?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Cửa trên” với trong nước, “cửa dưới” với nước ngoài

Tập đoàn Dầu khí (PVN) và tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) là hai nhà đầu tư IPP lớn nhất bị thiệt hại từ việc EVN giảm huy động nguồn điện từ các nhà máy của họ.

Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) cho biết, sản lượng điện huy động từ các nhà máy của họ trong bảy tháng đầu năm chỉ đạt 91% kế hoạch. Phía TKV, Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên không nói thẳng với TBKTSG về việc EVN giảm mua điện nhưng cũng thừa nhận: “Mùa mưa năm nay EVN huy động thủy điện nhiều hơn. Các nhà máy của TKV sẽ dừng lại để sửa chữa, bảo dưỡng. Đến mùa khô, sản lượng phát điện của TKV sẽ cao hơn”.

Thực tế sản lượng điện EVN mua của TKV trong tháng 7 chỉ còn 60% so với tháng 6 và dự kiến sẽ còn giảm tiếp trong tháng này nếu thủy điện còn huy động được. Ví dụ như tại Lào Cai, công suất tiêu thụ cao nhất khoảng 90 MW vào cao điểm tối, trong khi công suất hiện tại các nhà máy thủy điện trên địa bàn đã lên đến 115 MW. Tuy thừa công suất nhưng Lào Cai vẫn sử dụng một phần nguồn điện mua từ Trung Quốc.

Ông Tạ Văn Hường, nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết việc huy động sản lượng điện ở Việt Nam hiện vẫn theo nguyên tắc nguồn phát điện nào giá rẻ sẽ được ưu tiên. Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm bắt đầu vận hành từ ngày 1-7 vừa qua cũng thực hiện theo nguyên tắc chào giá cạnh tranh này.

Các nhà máy điện của PVN và TKV là các nhà máy điện toubin khí, nhiệt điện dầu, nhiệt điện than, giá bán cao hơn thủy điện, do đó việc EVN giảm lượng huy động về nguyên tắc là hợp lý. Vấn đề ở đây là EVN giảm sản lượng điện giá cao của các nhà đầu tư IPP trong nước nhưng vẫn duy trì kế hoạch mua điện giá cao từ Trung Quốc là 4,56 tỉ kWh (cho cả năm), từ nhà máy BOT Phú Mỹ 3 (5,88 tỉ kWh) và Phú Mỹ 2.2 (5,38 tỉ kWh ). Giá mua của EVN cũng dao động từ 6-8 cent/kWh, tương đương giá mua từ TKV và PVN.

Như vậy, cùng một giá bán như nhau nhưng có nhà máy được huy động nhiều và có nhà máy được huy động ít.

Vấn đề là sự rõ ràng của hợp đồng

Theo một chuyên gia lâu năm chuyên xem xét các hợp đồng đàm phán trong ngành điện, hợp đồng mà EVN đã ký mua của Trung Quốc hàng năm là hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo một sản lượng được xác định cụ thể. Theo nhu cầu của bên mua (EVN) hàng năm, phía Trung Quốc sẽ có giá bán phụ thuộc vào sản lượng bên mua yêu cầu. Tuy nhiên, giá nào cũng trên nguyên tắc là phải đảm bảo việc thực hiện đầy đủ hợp đồng bao tiêu, mua ít đi hay nhiều thêm đều bị phạt.

Quí 1-2010, EVN đã bị phía Trung Quốc phạt gần 900.000 đô la Mỹ vì tăng mua đột ngột. Ngược lại, cùng thời điểm, Công ty Điện lực Vân Nam tự ý cắt giảm sản lượng điện cung cấp cho Việt Nam hơn 20 ngày mà không bị phạt gì. Nói tóm lại là trong các hợp đồng mua bán điện với Trung Quốc, Việt Nam ở thế yếu. Tương tự, các hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các chủ đầu tư BOT đã được đàm phán kín kẽ cho cả đời dự án, từ giá bán, mức huy động tối thiểu, tối đa hàng năm…

Theo đó, nếu EVN không huy động lượng điện như hợp đồng đã ký, phía EVN sẽ phải chịu phạt. “Các nhà đầu tư BOT ký hợp đồng rất ăn chắc, vì họ biết ngoài nội dung rõ ràng của hợp đồng ra, không có gì đảm bảo cho họ cả”, vị này nói.

Nhưng TKV và PVN cũng có các hợp đồng mua bán điện với EVN như các nhà đầu tư khác. Vị chuyên gia nói trên phân tích tiếp: “Các hợp đồng mua bán điện giữa TKV và PVN với EVN không phải là các hợp đồng bao tiêu nên chuyện huy động sản lượng điện nhiều hay ít không phạt được EVN”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó tổng giám đốc PV Power, thừa nhận với TBKTSG điều này, bởi nếu có sự rõ ràng thì cả hai tập đoàn đã có thể phạt hợp đồng đối với EVN vì ngoài chuyện bị giảm doanh thu do không bán được điện, họ còn đang là các chủ nợ lớn của EVN nữa.

Theo một số chuyên gia ngành điện, sự không rõ ràng trong hợp đồng giữa EVN với TKV và PVN là kết quả của sự làm ăn xuê xoa giữa nơi mua, nơi bán trong một thị trường điện còn thiếu rõ ràng như hiện tại. Trong mấy năm gần đây, do quy hoạch điện theo tổng sơ đồ VI chỉ thực hiện được 74%, chuyện thiếu điện diễn ra nghiêm trọng nên nhiều nhà máy của PVN và TKV bị ép tiến độ, huy động sản lượng ngay từ quy trình chạy thử, trước cả khi các hợp đồng mua bán điện được ký kết. Ví dụ như ở Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 (thuộc PV Power) hiện đã chạy thử từ tháng 2 năm nay và phát chính thức lên lưới điện quốc gia hôm 13-8 nhưng chưa có hợp đồng mua – bán điện dài hạn với EVN.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online