Vận dụng nhuần nhuyễn cơ chế thị trường có kế hoạch 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Động lực phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện khát vọng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ở Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng chính là vận dụng nhuần nhuyễn cơ chế thị trường có kế hoạch.

Con đường đổi mới ở nước ta

Kể từ năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã khởi xướng đổi mới chuyển sang kinh tế thị trường: Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; chuyển nền kinh tế vận hành từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; mở cửa nền kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới; dân chủ hóa mọi mặt kinh tế xã hội.

Kinh tế thị trường là sản phẩm của nhân loại theo quy luật giá trị, cung cầu, cạnh tranh nhằm phân bổ hiệu quả mọi nguồn lực khan hiếm trong quá trình sản xuất và tiêu dùng. Các nước tư bản theo kinh tế thị trường đã phát triển nhanh. Nhưng thực tiễn đã cho thấy, kinh tế thị trường có khuyết tật do cạnh tranh, vô chính phủ đã dẫn đến khủng hoảng, điển hình là khủng hoảng kinh tế ở nước Anh năm 1825 và các nước tư bản năm 1890, 1930 và những năm gần đây là khủng hoảng về tài chính, tiền tệ. 

Để khắc phục khiếm khuyết của thị trường, các nước tư bản đã sử dụng mô hình quản lý nhà nước để điều chỉnh phân bổ nguồn lực có kế hoạch lấy chỉ tiêu GDP đầu người làm kế hoạch phát triển dài hạn và hàng năm.

Như vậy, mô hình kế hoạch hóa tập trung, kinh tế thị trường tự do đều đã điều chỉnh theo mô hình kinh tế hỗn hợp: Kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Ngày nay cơ chế thị trường có kế hoạch đang là xu thế của thế giới và ở nước ta.

Khi chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta phải sử dụng cơ chế kế hoạch để phân bổ cân đối mọi nguồn lực nền kinh tế. Cơ chế kế hoạch là do Chính phủ điều hành nền kinh tế bằng hệ thống luật pháp, chính sách. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung là do Chính phủ điều hành. Còn cơ chế kế hoạch thị trường là mở rộng dân chủ mà mọi người dân, mọi doanh nghiệp đều tham gia hành động theo mục tiêu chung của Nhà nước là tăng trưởng, hiệu quả và công bằng từ phân bố nguồn lực đến tiêu dùng sản phẩm.

Kinh tế thị trường gắn với sự quản lý của Nhà nước là nền kinh tế hỗn hợp. Sự gắn kết thị trường và kế hoạch là sự gắn kết giữa khách quan và chủ quan. Khi con người nhận thức được quy luật để quản lý nền kinh tế một cách cân đối, hiệu quả. 

Điều đó đòi hỏi Nhà nước phải có một hệ thống tổ chức bộ máy nhận thức được quy luật vận động của thị trường để xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch từ Trung ương đến địa phương bảo đảm phân bổ nguồn lực đất đai, tài sản, vốn liếng và lao động cân đối có hiệu quả.

Từ kế hoạch đến thị trường theo cơ chế thị trường có kế hoạch vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là con đường đổi mới ở nước ta.

Doanh nghiệp là hạt nhân

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo cơ chế thị trường có kế hoạch là nền kinh tế nhiều thành phần (nhiều hình thức sở hữu) có sự quản lý của Nhà nước theo cơ chế thị trường có kế hoạch, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cơ chế thị trường có kế hoạch đòi hỏi một nền kinh tế thị trường có cơ cấu sở hữu cân đối giữa sở hữu tư nhân, sở hữu công cộng và sở hữu cổ phần để tạo ra giá trị tổng sản phẩm cân đối của 3 hình thức sở hữu. Trong đó kinh tế quốc doanh là chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực, kinh tế cổ phần là gắn kết phát triển. Hiện kinh tế tư nhân và cổ phần ở nước ta chưa tương xứng để tạo động lực tăng trưởng nhanh, bền vững, kinh tế quốc doanh hiệu quả thấp do trình độ quản trị chưa tương xứng đòi hỏi phải nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước với ba hình thức sở hữu.

Cơ chế thị trường có kế hoạch là sự nhận thức của con người vận dụng quy luật giá trị, quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh để quản lý nền kinh tế. Đây là sự kết hợp giữa khách quan và chủ quan. Kinh tế thị trường vận động theo quy luật khách quan, kế hoạch là công cụ quản lý nền kinh tế chủ quan của con người. Do đó, sự quản lý của Nhà nước theo kế hoạch phải dựa trên sự nhận thức về quy luật để hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm do một cơ quan chuyên môn có trình độ. Cơ quan chuyên môn đó phải tập hợp các chuyên gia giỏi để giúp Chính phủ hoạch định pháp luật, chính sách và các công cụ quản lý nền kinh tế thị trường có kế hoạch mà doanh nghiệp là hạt nhân.

Doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần là ba thành phần kinh tế cốt lõi của nền kinh tế. Vấn đề quản trị doanh nghiệp là khâu then chốt để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Do đó, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng giám đốc doanh nghiệp có năng lực quản lý là tài sản quốc gia như các nguồn lực khan hiếm về đất đai, vốn và lao động mà quản lý vĩ mô và quản trị vi mô được phân phối như sự đóng góp về vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh.

Cơ chế kế hoạch là công cụ của Chính phủ phối hợp với thị trường để phân bổ nguồn lực khan hiếm của quốc gia bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng và hiệu quả. Như vậy việc phân bổ nguồn lực vừa do cơ chế thị trường tự phát vừa do cơ chế kế hoạch của Chính phủ điều chỉnh. Đây là sự phối hợp chặt chẽ giữa khách quan và chủ quan.

Nước ta có nguồn lực về đất đai, tài sản và lao động vô cùng lớn. Với diện tích 330.363km2 đất liền với hơn 1 triệu km2 biển đảo, có nhiều đảo ven bờ, xa bờ như Phú Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa, Thổ Chu… Vùng biển nhiều tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt, các loại hải sản quí và các loại sản phẩm khác. Biển mênh mông đang được sử dụng để nuôi trồng hải sản có giá trị. Đất liền, biển và đảo tạo thành một quần thể bao gồm nhiều kỳ quan hiếm có về du lịch và phát triển kinh tế. Cảng biển rất thuận lợi cho giao thông đường biển giao lưu trong nước và các nước trong khu vực và thế giới. Đất liền được kiến tạo lâu đời và trong lòng đất có nhiều khoáng sản khác nhau như than, kẽm, bạc, vàng… Đồng bằng chạy dọc từ Bắc vào Nam do phù sa sông Hồng, sông Mê Kông tạo dựng hai vựa lúa và hàng trăm con sông bồi đắp. Trung du, miền núi là một dãi lãnh thổ tạo dựng rừng vàng.

Cần phân chia lãnh thổ Việt Nam theo ba dải từ Bắc vào Nam: dải đồng bằng, dải ven biển, dải trung du, miền núi để quy hoạch phát triển kinh tế trong dài hạn theo các chiến lược về biển, đồng bằng và lâm nghiệp bền vững. Hiện tại, chúng ta đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030 để đạt GDP đầu người 8.000USD/đầu người vào năm 2030 và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Động lực phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện khát vọng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ở Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chính là vận dụng nhuần nhuyễn cơ chế thị trường có kế hoạch.