VCCI góp ý dự thảo sửa đổi Luật thể dục, thể thao
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo góp ý của VCCI Dự thảo vẫn còn những điểm bất hợp lý trong quy định về hành nghề đại diện trung gian (khoản 20, Điều 1 bổ sung khoản 3 Điều 48 Luật thể dục, thể thao 2006) và Điều kiện hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao (khoản 22 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 55 Luật thể dục, thể thao 2006).

Giải trình chưa đủ rõ ràng

Tại khoản 20 Điều 1 Dự thảo bổ sung quy định về đại diện trung gian trong hoạt động ký kết hợp đồng chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp. Theo đó “đại diện trung gian được hưởng hoa hồng theo quy định của pháp luật và được cấp phép hành nghề theo quy định của Liên đoàn thể thao quốc gia, Liên đoàn thể thao quốc tế của môn thể thao đó”.

VCCI nhận định, Quy định tại Dự thảo như trên có thể được hiểu, để được làm đại diện trung gian phải có giấy phép hành nghề. Đây được xem là một hình thức của giấy phép kinh doanh (vì hoạt động đại diện trung gian có phát sinh lợi nhuận, được xem là hoạt động kinh doanh).

VCCI cũng đã chỉ ra những điểm thiếu thuyết phục về quy trình, thủ tục cấp phép tại quy định này. Theo đó, các tổ chức là các hội đoàn không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến điều kiện của chủ thế để được cấp giấy phép kinh doanh. Về mặt pháp lý, ngay cả khi tổ chức này được Nhà nước uỷ quyền để cấp giấp phép liên quan (theo xu hướng xã hội hoá dịch vụ công) thì việc uỷ quyền chỉ là chuyển giao thẩm quyền cấp, còn các điều kiện cấp phép, quy định thủ tục cấp phép vẫn phải do cơ quan có thẩm quyền quy định. Cũng theo VCCI, việc uỷ quyền cũng phải theo các điều kiện, trình tự nhất định chứ không thể là uỷ quyền đương nhiên như trong quy định này.

Ngoài ra, VCCI cũng chú ý, nếu các tổ chức này không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam thì việc uỷ quyền càng phải được quy định rõ ràng.

Theo nội dung Tờ trình, việc bổ sung quy định về người trung gian là nhằm “ đảm bảo quyền lợi cho các vận động viên và quản lý những cá nhân hành nghề môi giới chuyển nhượng”, VCCI đánh giá giải trình này chưa đủ rõ ràng và hoàn toàn không đủ thuyết phục để chứng minh lợi ích của các vận động viên có thể bị rủi ro tới mức cần phải bảo vệ bằng giấy phép.

Cũng theo VCCI, Tờ trình mặc dù có số lượng là 6 trang nhưng chưa chứng minh được lợi ích này quan trọng tới mức cần coi là lợi ích công cộng, cần bảo vệ mà không có biện pháp nào khác để kiểm soát chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cá nhân hành nghề trung gian ngoài giấy phép kinh doanh.

Đánh giá về mặt logic, VCCI cho rằng bản thân hợp đồng chuyển nhượng vận động viên là các hợp đồng dân sự thông thường, quyền và lợi ích của các bên được bảo đảm bằng các thỏa thuận của hợp đồng và/hoặc pháp luật về thương mại, dân sự liên quan, hoàn toàn không cần thiết phải được bảo đảm bằng chuyên môn hay chất lượng của hoạt động môi giới hay chủ thể thực hiện hoạt động môi giới.

Quy định bị trùng lặp

VCCI đánh giá, quy định điều kiện kiện doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao là trùng lặp hoàn toàn không cần thiết. Theo đó, Dự thảo quy định “Có nguồn tài chính bảo đảm hoạt động thể thao”. Đây là quy định nhắc lại quy định của Luật thể dục, thể thao 2006.

VCCI lập luận rằng, trên thực tế khi thực thi Luật thể dục thể thao 2006 cho thấy quy định này là không cần thiết từ cả hai phía. Đối với doanh nghiệp, việc đảm bảo nguồn tài chính là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp hoạt động trên thị trường và về phía cơ quan quản lý Nhà nước, việc doanh nghiệp nào đó không đảm bảo được nguồn tài chính cho hoạt động không tạo ra nguy cơ nào nghiêm trọng tác động tới các lợi ích công nào.

Mặt khác, Luật trao quyền quy định chi tiết các điều kiện hoạt động cho Chính phủ, quy định này có thể có nguy cơ được hướng dẫn theo hướng đặt ra một mức vốn cụ thể nào đó buộc doanh nghiệp phải đáp ứng trước khi hoạt động, trong khi đây không phải là ngành, nghề có tính đặc thù để yêu cầu về vốn.

Do đó, để đảm bảo tính hợp lý, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ điều kiện “có nguồn tài chính bảo đảm hoạt động kinh doanh” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 55 Luật thể dục, thể thao 2006 (được sửa đổi). 

Theo Ngọc Hà(Báo DĐ DN)