VCCI góp ý dự thảo thay thế Nghị định 51, Nghị định 04 về hoá đơn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trả lời Công văn số 5395/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ – CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, VCCI cho rằng, dự thảo cơ bản đã đảm bảo được các đề xuất chính sách về hoá đơn dự kiến sẽ ban hành và tạo được thuận lợi về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bảo bảo tính hợp lý của các chính sách được đề xuất, VCCI nhận định, trước tiên dự thảo cần phải làm rõ hơn nữa thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và khả năng ứng dụng CNTT ở Việt Nam để có cơ sở áp dụng hóa đơn điện tử. Đặc biệt là đánh giá về hạ tầng CNTT của cơ quan thuế và doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.

Lộ trình và chi phí áp dụng chưa phù hợp

Theo mục tiêu của dự thảo, “đến năm 2020, cơ bản thực hiện hóa đơn điện tử với khoảng 90% số doanh nghiệp hoặc 90% lượng hàng hóa được mua bán (lưu thông) bằng hóa đơn điện tử”. Cũng theo tờ trình của dự thảo, đến năm 2016, Việt Nam có 656 doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử, tăng gấp đôi so với năm 2015. VCCI đặt câu hỏi, hiện nay Việt Nam có khoảng 612 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nghĩa là số doanh nghiệp đang sử dụng hoá đơn điện tử mới chỉ chiếm 10%, vậy trong 4 năm nữa mục tiêu “có 90% doanh nghiệp sẽ sử dụng hoá đơn điện tử liệu có khả thi?”.

Hiện tại, dự thảo đã có quy định về tạo cơ chế cho doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử vào thực tế. Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ được thông tin về chi phí sử dụng và tính ổn định của việc sử dụng hoá đơn điện tử.

VCCI nhấn mạnh: doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là đối tượng chịu điều chỉnh chính của quy định này, để sử dụng hoá đơn điện tử, họ phải đầu tư cơ sở hạ tầng nhất định, nguồn nhân lực để vận hành hệ thống này. Đây sẽ là một khoản chi phí không hề nhỏ đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, dự thảo phải đảm bảo tính khả thi cũng như quá trình thuận lợi hoá cho nhóm doanh nghiệp nêu trên.

Dự thảo vẫn thiếu những thông tin, chi tiết thuyết phục

VCCI đánh giá, dự thảo chưa cung cấp chi tiết các điều kiện đặt ra với nhóm đối tượng sử dụng hoá đơn và các đối tượng cung cấp dịch vụ (dịch vụ truyền dẫn, dịch vụ cung cấp phần mềm in hoá đơn). Trong khi đây là một nội dung rất quan trọng, tác động trực tiếp tới đối tượng sử dụng hoá đơn; các đối tượng có hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực cung cấp dịch vụ thay vì chỉ nêu các đề mục.

Liên quan đến đối tượng bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử/hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế từ ngày 1/1/2018, VCCI nhận định quy định tại dự thảo đang thiếu tính hợp lý và khả thi. Dự thảo xác định các nhóm đối tượng phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế gồm các nhóm đối tượng: Các doanh nghiệp mới thành lập (không bao gồm các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử); Các doanh nghiệp, tổ chức đang mua hóa đơn của cơ quan thuế gồm: doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; doanh nghiệp có rủi ro theo thông báo của cơ quan thuế và tổ chức, doanh nghiệp khác thuộc đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 01/01/2018.

VCCI cho rằng, tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 32/2011/TT-BTC[1] để được sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện nhất định (nhân lực, cơ sở vật chất; …). Theo đó,không phải doanh nghiệp nào cũng được sử dụng hóa đơn điện tử. Với tính chất này yêu cầu các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp, tổ chức đang mua hóa đơn của cơ quan thuế trong đó có nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để được sử dụng hóa đơn điện tử. Hiện tại, việc xác định doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử dựa vào “khả năng” các doanh nghiệp có thể sử dụng được hóa đơn này hay không? Tuy nhiên, các đối tượng được xác định phải sử dụng hóa đơn điện tử/hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan nhà nước lại không được đánh giá theo khả năng có hay không mà được phân loại theo một số hình thức (địa bàn hoạt động, mức vốn điều lệ; hình thức tổ chức; …). Điều này chỉ đúng trong trường hợp, suy đoán tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam đều có khả năng sử dụng hóa đơn điện tử, Vì vậy, VCCI kiến nghị yêu cầu này cần được đánh giá kỹ càng và thận trọng hơn trong dự thảo. VCCI cũng lưu ý, nếu bất kì hoạt động kinh doanh nào gắn điều kiện cho chủ thể cung cấp/ thực hiện hoạt động, được hiểu là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và cần phải được tham chiếu với Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 (sửa đổi, bổ sung năm 2016) Luật đầu tư năm 2014 và nếu nằm ngoài danh mục không được phép áp đặt điều kiện kinh doanh cho các ngành, nghề đó. Trong một số đề xuất chính sách tại dự thảo, có một số ngành, nghề được xem là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên cần đánh giá lại tính thống nhất với Luật đầu tư 2014. 

Theo Ngọc Hà (Báo DĐ DN)