Về quyền lực nhà nước của nhân dân trong Hiến pháp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong quá trình lập pháp của QH nước ta. Hiến pháp năm 1946, nội dung này được khẳng định ngay tại Điều 1: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Hiến pháp năm 1959 ghi nhận tại Điều 4: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân”. Điều 6 Hiến pháp năm 1980: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Về nội dung này, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản giữ nguyên như quy định của Hiến pháp hiện hành, khẳng định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Tính quyền lực thuộc về nhân dân được biểu hiện bằng việc nhân dân bầu ra QH, HĐND, và QH, HĐND khi thực hiện nhiệm vụ của mình là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực hiện quyền của mình là quyền được nhân dân trao cho, là thay mặt nhân dân để thực hiện quyền lực nhà nước. Quyền lực này được thực hiện dưới hình thức dân chủ đại diện. Các quyết sách của QH (đối với cả nước), của HĐND (đối với từng địa phương) phản ánh trung thực ý chí, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, phù hợp với lòng dân là dân chủ được mở rộng, là quyền lực của nhân dân được thực thi.

Quyền lực thuộc về nhân dân còn thể hiện ở chỗ đại biểu QH, đại biểu HĐND do nhân dân bầu ra, thông qua việc bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; và nếu trong nhiệm kỳ đại biểu nào không làm tròn nhiệm vụ mà nhân dân giao cho, không còn được dân tín nhiệm thì sẽ bị bãi nhiệm. Tất cả các bản Hiến pháp của nước ta đều ghi nhận tinh thần này, cụ thể, tại Điều 20 Hiến pháp năm 1946 đã ghi rõ: “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra… ”; Điều 5 Hiến pháp năm 1959 quy định: “Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có thể bị cử tri bãi miễn trước khi hết nhiệm kỳ nếu tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Điều 7 cơ bản giữ nguyên quy định của Hiến pháp hiện hành: “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”. Luật Tổ chức Quốc hội (tại Điều 56) và Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (tại Điều 46) đều ghi nhận, khi đại biểu QH, đại biểu HĐND không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị QH, HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm. Luật quy định việc bãi nhiệm ĐBQH được thực hiện theo đề nghị của cơ quan MTTQ, hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu. Quy định này đã thể hiện tính quyền lực của nhân dân trong việc lựa chọn người đại diện cho mình. Tuy nhiên tôi thấy cần được làm rõ rằng, việc bãi nhiệm là của cử tri, nếu cơ quan MTTQ có đưa ra yêu cầu bãi nhiệm thì cũng phải trên cơ sở đề nghị của cử tri, của nhân dân. Ngoài ra, trên một phương diện khác, việc tiếp nhận, ghi nhận, nhận biết được mức độ tín nhiệm của nhân dân đối với một đại biểu QH, đại biểu HĐND nào đó cũng cần được quy định chặt chẽ, mà gần như trên thực tế chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng cho việc này.

Ngoài việc thực hiện quyền lực nhà nước thông qua cơ quan đại diện nói trên, nhân dân còn thực hiện quyền lực của mình một cách trực tiếp. Hiến pháp năm 1946 thể hiện rõ tinh thần này ở Điều 21: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”. Để đưa ra các quyết sách xây dựng, kiến thiết đất nước, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân đã trao quyền cho những người đại biểu của mình, nhưng những vấn đề hệ trọng đến vận mệnh quốc gia, những việc trọng đại của đất nước cần được người dân trực tiếp bày tỏ chính kiến. Đất nước mạnh phải có luật pháp mạnh. Luật pháp mạnh thể hiện ở sự hoàn thiện, sự phù hợp của nó và phản ánh trung thực ý chí của nhân dân trong đó. Hiến pháp là đạo luật cơ bản trong hệ thống pháp luật của Nhà nước nên khi ban hành cần có được chính kiến của nhân dân, thể hiện được ý chí của nhân dân. Việc các cơ quan nhà nước tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hiện nay là hoàn toàn phù hợp, được nhân dân đồng tình tiếp nhận, hưởng ứng và dư luận quan tâm. Tuy nhiên, để phản ánh được đầy đủ, chính xác ý chí, nguyện vọng và đồng thời là niềm tin của nhân dân vào Hiến pháp, cần nghiên cứu để nhân dân phúc quyết về Hiến pháp, như tinh thần của Hiến pháp nước ta năm 1946.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được xây dựng theo tinh thần “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”, đây là một bổ sung mới rất quan trọng mà Hiến pháp hiện hành chưa ghi nhận. Mặc dù vậy, nếu chỉ dừng lại ở thẩm quyền của QH, nếu chỉ giao thẩm quyền này cho QH thì có thể làm hạn chế đến thực quyền của nhân dân. Có thể sẽ có những quyết định trong Hiến pháp không phản ánh được đông đảo ý chí của nhân dân. Không phải không có lý khi Hiến pháp năm 1946 được xây dựng trong bối cảnh đất nước mới được khai sinh, thù trong, giặc ngoài còn đó, dân trí còn chưa cao mà Hiến pháp ghi nhận quyền phúc quyết của nhân dân là một sự nhìn nhận tầm vóc của nhân dân, sự thượng tôn quyền lực của nhân dân đối với đất nước.

Ngoài việc quy định cho nhân dân phúc quyết về Hiến pháp như đã trình bày, cũng cần có quy định để lấy ý kiến nhân dân về những vấn đề quan trọng của đất nước. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại Điều 30 có ghi: “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Về nội hàm của nó, được hiểu Nhà nước sẽ tổ chức trưng cầu ý dân, lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, những vấn đề mà Nhà nước cho là quan trọng, phải hỏi ý kiến của dân. Đây là một nội dung rất quan trọng, nhằm phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Tuy nhiên nội dung này được đưa vào Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, để khẳng định nó là một quyền cơ bản của công dân nên trong chừng mực nào đó, nội hàm nói trên bị mờ nhạt đi. Ở điểm này cần khẳng định việc Nhà nước sẽ tổ chức trưng cầu ý dân đối với những việc mà Nhà nước thấy cần, hoặc những việc do luật định. Trưng cầu ý dân là một cơ chế hiến định. Trong hệ thống pháp luật phải có Luật Trưng cầu ý dân, quy định rõ những việc phải lấy ý kiến nhân dân chứ không phải nội dung gì QH thấy cần thì mới hỏi dân. Mỗi khi Nhà nước đã đưa ra hỏi ý kiến nhân dân thì dân sẽ trả lời, sẽ biểu quyết, và thực chất đây là trách nhiệm của công dân.

Về quyền bãi nhiệm đại biểu QH, đại biểu HĐND của cử tri trình bày trên đây đã được Hiến pháp ghi nhận. Điều cần được nghiên cứu và làm rõ thêm là khẳng định việc cử tri thực hiện quyền bãi nhiệm. Cử tri là người bầu ra đại biểu nên khi đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri nữa thì cử tri phải bãi nhiệm họ.

Xu hướng phát triển của xã hội văn minh phù hợp với sự nâng cao dân trí, cần nghiên cứu tăng thêm quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua hình thức dân chủ trực tiếp. Ngoài việc trao cho nhân dân quyền phúc quyết về Hiến pháp, việc tổ chức trưng cầu ý dân và việc cử tri bãi nhiệm đại biểu do mình bầu ra đã trình bày trên đây, tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định để nhân dân tham gia xây dựng bộ máy nhà nước. Như việc trực tiếp bầu một số chức danh chủ chốt là người đứng đầu của bộ máy hành chính nhà nước, thay vì giao cho đại biểu đại diện bầu như hiện nay.

Nguyễn Thiện Hùng – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa
 Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân