Vì sao USD trên thị trường tự do vẫn cao?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng vàng thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam: “Thông thường, khi giá vàng và giá dầu mỏ tăng cao (hiện đã vượt mức 140 USD/thùng), đồng USD sẽ mất giá do kinh tế Mỹ yếu đi bởi Mỹ là quốc gia tiêu thụ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới”. Nhưng thời điểm này, tại thị trường trong nước, giá 100 USD đã tương đương, bám đuổi sát giá một lượng vàng, mặc dù vàng là nguồn dự trữ chủ yếu và được nhiều người dân lựa chọn. Hiện tại, xu hướng quay sang dự trữ đồng USD trong dân đã tăng mạnh.   Theo công bố mới nhất, lạm phát kinh tế tháng 6 so với cuối năm 2007 đã lên tới trên 18,4%; so với cùng kỳ năm trước, con số này đã là 26,8%. Từ con số lạm phát khá cao này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã bị kéo lên theo, 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ, CPI đã tăng 20,34%. Trong lúc, lãi suất huy động tiền gửi ngân hàng cao nhất đến thời điểm này cũng chỉ đạt trên 19%/năm, như vậy nếu tính toán, gửi tiết kiệm bằng tiền đồng sau khi trừ trượt giá sẽ lỗ!   Một nguyên nhân khác cũng khiến tỷ giá USD trên thị trường tự do trở lên sôi động hơn bao giờ hết, là khoảng 2 tháng gần đây, do tỷ giá quy đổi  mà các ngân hàng thương mại được phép áp dụng thấp hơn nhiều so với giá bên ngoài đã khiến một số ngân hàng lách bằng cách thu mức phí quản lý từ 100 – 280 đồng/USD mỗi khi chủ tài khoản tiết kiệm bằng đồng USD muốn đổi lấy tiền Việt.   Chị Hoa, một khách hàng của ACB phàn nàn: “Khi tỷ giá quy đổi của Ngân hàng đã thấp hơn từ 1 – 2,5 ngàn đồng/USD so với thị trường chợ tự do, rút tiết kiệm và đổi 1.000 USD ngay tại ngân hàng, tôi đã mất 250 ngàn đồng. Như vậy thì chả ai dại gì không mang ra tiệm vàng mà đổi”. Trong lúc, tại các thị trường lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi nơi có hàng ngàn cửa hàng vàng bạc.   “Khi bất cứ tiệm vàng nào cũng sẵn sàng mua bán một cách khá nhanh chóng với khách hàng có nhu cầu mà hiện tỷ lệ cửa hàng được cấp phép làm đại lý, có chức năng mua, bán USD còn rất ít. Số còn lại hầu như chưa thể quản lý thì hoạt động mua bán USD bên ngoài ngân hàng nóng như thời gian qua là điều tất yếu”, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý nhận định.   Trước sức nóng của thị trường USD tự do, Chính phủ đã phải cho công bố con số dự trữ ngân khố quốc gia là 20,7 tỷ USD, sẵn sàng bán ra để bình ổn thị trường. Ngân hàng Nhà nước thì cho phép giãn biên độ tăng giảm trong giao dịch ngoại tệ lên 2% và cấm các ngân hàng thương mại thu phí quản lý với đồng USD.   Theo phân tích của một tiến sỹ thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho thấy: Những tháng gần đây, cùng với việc nỗ lực kiềm chế lạm phát, Chính phủ cũng đang có nhiều biện pháp để hạn chế nhập siêu. Cán cân thanh toán bằng đồng USD đã trở về gần mức cân bằng, tháng 6, nhập siêu của cả nước đã giảm hơn một nửa so với tháng trước, dừng lại ở mức 1,3 tỷ USD.   Bên cạnh đó, một lượng USD rất lớn từ thị trường tự do sau khi được người dân mua gom đã được gửi vào ngân hàng. Như vậy có thể khẳng định: Nhiều ngân hàng thương mại, nhất là những ngân hàng có thị phần bán lẻ lớn sẽ không thiếu USD. Thế nhưng thực tế cho thấy, một số kẽ hở trong quản lý tiền tệ và yếu tố tâm lý của người dân chính là những nguyên nhân đẩy giá đồng USD lên cao.

Nguồn: Báo Công an nhân dân điện tử