Vì sao vẫn giữ cơ chế cho vay theo trần lãi suất?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo những quyết định mới, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện cho vay VND với lãi suất tối đa không quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước; riêng với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở là không quá 165%.

Với lãi suất cơ bản qua lần điều chỉnh này, 10%/năm có hiệu lực từ ngày 5/12, trần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng là 15%/năm, của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở là 16,5%/năm. Điều này cũng đã được nêu cụ thể trong Quyết định số 2948/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành chiều qua.

Như vậy, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng vẫn chưa thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thỏa thuận như một số đề xuất gần đây.

Trong văn bản của Văn phòng Chính phủ ngày 2/12 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ có đề cập đến việc Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dẫn cho phép các tổ chức tín dụng cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với những dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao. Việc hướng dẫn và cơ chế thỏa thuận này như thế nào và có một cơ chế cho vay mới hay không?

Trao đổi với VnEconomy tối qua (3/12), với quan điểm cá nhân (liên quan đến quy chế phát ngôn), một quan chức của Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần hiểu rõ hơn ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong văn bản ngày 2/12.

Cụ thể, văn bản nêu rằng “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cho phép các tổ chức tín dụng cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với những dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao”. “Tôi xin lưu ý rằng đó là thỏa thuận đối với những dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao thôi”, ông nhấn mạnh.

Điều đó có nghĩa: với những dự án hiệu quả, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với ngân hàng để vay với lãi suất thấp hơn, đồng nghĩa với việc thấp hơn mức trần 150% lãi suất cơ bản, và thực tế cơ chế hiện nay vẫn tạo điều kiện để có sự thỏa thuận cho những dự án đó.

“Thực tế những doanh nghiệp có dự án tốt vẫn được vay với lãi suất thấp hơn nhiều so với những mức trần vừa qua. Mặt khác, trong khuôn khổ 150% lãi suất cơ bản, cơ chế còn tạo điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay giữa các ngân hàng đối với những dự án đó, bởi các ngân hàng đều muốn dự án vay vốn tốt về phía mình”, ông giải thích thêm.

Còn một cơ chế lãi suất thỏa thuận cho tất cả các dự án, nhu cầu vay vốn Ngân hàng Nhà nước vẫn đang nghiên cứu. Nhưng cơ chế này khó triển khai bởi hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay phải tuân thủ theo pháp luật; trong khi đó, Điều 476 của Bộ luật dân sự quy định rõ lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố từng thời kỳ.

Một lo ngại khác được đề cập đến là nếu áp cơ chế thỏa thuận cho tất cả các nhu cầu vay vốn, nguồn vốn của các ngân hàng thương mại có thể lại “bung” sang tín dụng tiêu dùng, trong khi đó nguồn vốn đang cần tập trung cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến lo ngại trên, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức đầu tuần này, một số chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại cơ chế trần lãi suất cho vay hiện nay để tránh cản trở sự phát triển của lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, một thực tế khó khăn đang thể hiện ở hầu hết các ngân hàng từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, ý kiến từ một số lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng, với nghiệp vụ cho vay doanh nghiệp Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục thực hiện theo cơ chế lãi suất trần hiện nay; riêng với tín dụng tiêu dùng cơ chế này vẫn áp dụng nhưng có nới rộng. Và theo ý kiến của ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (EAB), có thể nới lên một tỷ lệ cao hơn, như 200% lãi suất cơ bản, bởi tín dụng tiêu dùng thường có rủi ro cao hơn.

Liên quan đến tác động của những đợt điều chỉnh lãi suất vừa qua, vị quan chức trên cũng cho biết, từ cuối tháng 10 trở lại đây, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã có chuyển biến khả quan, nguồn vốn đang chảy mạnh hơn vào nền kinh tế. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục theo dõi, thống kê và có thông tin cụ thể theo định kỳ.

Tuy nhiên, một điểm mà ông lưu ý là do khó khăn chung của nền kinh tế, về thị trường tiêu dùng, xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp chưa đẩy mạnh vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Và trong khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, lãi suất vay vốn chỉ là một yếu tố, bên cạnh đó là những biến động trong và ngoài nước…

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam