Việt kiều được mua nhà: Không tác động nhiều đến thị trường BĐS!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó phòng Quản lý Nhà (Cục QL nhà Bộ Xây dựng) trao đổi với Tiền phong.

Theo Dự thảo sửa đổi, đối tượng Việt kiều được mua nhà đã được làm rõ, gồm 2 nhóm (theo Luật Quốc tịch VN) là: Công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú và làm ăn sinh sống ở nước ngoài.

Với công dân Việt Nam ở nước ngoài (có hộ chiếu Việt Nam, hoặc có hộ chiếu nước ngoài nhưng còn quốc tịch Việt Nam), Bộ Xây dựng đề nghị có chính sách như người Việt ở trong nước, khi về nước sẽ được mua và sở hữu số lượng nhà không hạn chế.

Đối tượng là người gốc Việt, cũng được quyền mua nhà ở, đất ở như người trong nước và không bị hạn chế số lượng, nhưng phải thuộc một trong 4 nhóm đối tượng quy định tại điều 126 Luật Nhà ở (người về đầu tư lâu dài ở Việt Nam, người có công với cách mạng, nhà khoa học, chuyên gia hoặc người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam).

Ngoài ra, dự thảo quy định, những người gốc Việt không thuộc nhóm đối tượng quy định tại điều 126 Luật nhà ở, khi về Việt Nam được phép cư trú từ 6 tháng trở lên cũng được mua nhà, nhưng bị hạn chế số lượng (chỉ được sở hữu 1 nhà ở). Khi làm thủ tục, người mua là Việt kiều nộp hồ sơ tại các địa phương, như các cá nhân trong nước.

Người nước ngoài có thể được mua căn hộ tại Việt Nam

Tin từ Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này vừa báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách đối với việc cho người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam.

Theo đó, đối tượng được mua sẽ là cá nhân, tổ chức nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, làm việc, sinh sống từ 12 tháng trở lên.

Những đối tượng này chỉ được mua với số lượng là một căn hộ chung cư. Nếu được chấp thuận, Bộ Xây dựng sẽ chính thức gửi tờ trình để Thủ tướng phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, với quy định mới, số lượng Việt kiều về nước mua nhà sẽ tăng lên do các quy định về đối tượng rất cụ thể, không còn “vướng” như trước. Tuy nhiên, chính sách này cũng không làm ảnh hưởng và tác động mạnh đối với thị trường bất động sản.

Nhu cầu mua nhà của Việt kiều là lớn, nhưng ước tính so với nguồn cung khoảng 35 triệu m2 nhà/năm hiện nay thì nhu cầu đó sẽ không có tác động gì lớn.

Cũng theo tính toán của Bộ Xây dựng, trong số gần 3 triệu Việt kiều, số đủ điều kiện và có nhu cầu về nước mua nhà sinh sống chưa thật nhiều, nên sẽ không gây ra “làn sóng” ồ ạt tác động vào thị trường bất động sản.

“Những trường hợp Việt kiều mua nhà thời gian qua nằm rải rác tại các tỉnh phía Nam, các khu công nghiệp, chứ cũng không tập trung vào TP HCM. Và với giá bất động sản hiện nay, chắc chắn Việt kiều sẽ không đổ dồn mua nhà tại Hà Nội và TP HCM”-Ông Khởi nhận định.

Cũng theo ông Khởi, thị trường cũng có bị tác động, nhưng theo chiều hướng tích cực là chủ yếu. Ngoài ra, thị trường có thể sẽ bị tác động cục bộ, ở một vài dự án mà thôi. Đồng thời, với lượng mua không quá lớn so với nguồn cung, giá bất động sẽ không bị đẩy lên.

“Khi về nước, được mua và sở hữu bất động sản, Việt kiều sẽ góp phần làm hạ nhiệt thị trường nhà đất cho thuê hiện nay. Giá thuê bất động sản sẽ giảm xuống. Đồng thời, giá thuê và giá bán bất động sản sẽ được cân đối lại, do nhu cầu thuê giảm đi”- Ông Khởi phân tích.

Nguồn: Báo Tiền phong điện tử