Việt Nam cần giải quyết những nguy cơ đối với lĩnh vực tài chính
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura cho rằng, việc thắt chặt chính sách được thông qua nhằm kìm hãm lạm phát tăng cao trong năm 2011 đã làm tăng trưởng kinh tế chậm lại. Chính phủ đã nới lỏng một chút chính sách tiền tệ vào đầu năm 2012, và ra tín hiệu rằng sẽ tiếp tục nới lỏng nếu lạm phát có xu hướng đi xuống. Trên thực tế, lạm phát năm nay được dự báo có đi xuống nhưng sau đó sẽ tăng trở lại trong năm tiếp theo. Tăng trưởng GDP được dự báo sẽ vẫn ở mức thấp. Vì vậy, ngoài việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cũng cần giải quyết những nguy cơ đối với lĩnh vực tài chính. Theo ông Tomoyuki Kimura, tốc độ tăng trưởng và ổn định kinh tế của VN như thế nào phụ thuộc rất lớn vào chính sách tiền tệ. Nguyên nhân cốt lõi của việc lạm phát cao của Việt Nam chính là do sự thiếu hiệu quả của nền kinh tế đặc biệt là ở sự thiếu minh bạch, hiệu quả của khối doanh nghiệp Nhà nước cũng như là sự thiếu minh bạch đối với thị trường tài chính. Nếu như Chính phủ không giải quyết được những nguyên nhân cốt lõi của vấn đề lạm phát cao của Việt Nam thì khó có thể đạt được tăng trưởng bền vững và duy trì lạm phát ở mức thấp.

Ông Tomoyuki Kimura cũng khẳng định sự tin tưởng vào những giải pháp của Chính phủ Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế 2011-2015 đã vạch ra. Tuy nhiên, cũng cho rằng, vấn đề thực thi những giải pháp đó như thế nào mới là vấn đề cốt lõi của những con số.

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam cũng được ADB đánh giá cao. Theo bà Chu Hồng Minh, phụ trách khu vực tài chính ADB Việt Nam cho rằng, tái cơ cấu lĩnh vực tài chính là một lĩnh vực phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, không chỉ trong hệ thống ngân hàng mà còn cả ngoài hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy cần phải xây dựng được một khung thể chế, quy định cho việc cải cách, tái cơ cấu tài chính, ví như vấn đề phát triển tín dụng nhỏ chẳng hạn.

Theo đánh giá của ông Dominic Mellor – chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB, thì trong hiện tại, sự ổn định về tài chính vẫn còn bếp bênh do chính sách hạ các mức lãi suất quá nhanh. Trong 1-2 năm trở lại đây lãi suất của người gửi tiền đồng vào ngân hàng so với mức lạm phát thực ra là bị âm. Chính vì vậy, nếu như hạ lãi suất quá nhanh rất dễ dẫn đến tâm lý người dân không tin tưởng vào đồng nội tệ mà sử dụng vàng hay ngoại tệ để bảo đảm cho tài sản. Do vậy, VN cần duy trì lãi suất thực dương ít nhất từ 1-2%. Ông Dominic Mellor khuyến cáo, lãi suất ngân hàng/lãi suất thương mại hiện nay không nên tính toán dựa trên mức lạm phát của ngày hôm nay, mặc dù là mức lạm phát hiện nay đang là 14% nếu so sánh với giá cả cùng kỳ tháng trước. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy được là lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống – và nếu như nó giảm được xuống mức 1 con số thì tôi nghĩ rằng mức trần lãi suất của ngân hàng 11-12% trong năm nay là phù hợp… Nếu như tình hình lạm phát trong năm nay không đạt được mức 1 con số mà ở mức cao thì rõ ràng lãi suất của ngân hàng cần phải được nâng lên phù hợp để đảm bảo mức lãi suất thực dương của người gửi tiền ít nhất từ 1-2%…

Ông Dominic Mellor cũng đưa ra một số thông điệp đối với kinh tế Việt Nam: thứ nhất, triển vọng ngắn hạn sẽ có rủi ro nếu Chính phủ hạ các mức lãi suất với tốc độ quá nhanh, không đảm bảo bình ổn thị trường ngoại hối. Người dân vẫn có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào vàng và đồng ngoại hối. Như vậy, trong ngắn hạn phải làm sao đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Nhưng trong dài hạn phải phát triển hệ thống tài chính hiệu quả và đa dạng hóa – thay vì hiện nay đa số thị phần do ngân hàng thuộc nhà nước nắm giữ. Thứá hai, Chính phủ cũng cần thông tin nhiều hơn về tiến trình cải cách của mình. Tăng cường tính minh bạch về tình hình tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng chính là những tín hiệu rõ nét về việc Chính phủ cam kết thực hiện cải cách, nỗ lực ổn định và phát triển kinh tế.

Nguyên Long
 Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân