Việt Nam không “bỏ trứng một giỏ” trong giao thương 2018
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam trong một ấn phẩm vừa phát hành, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tính đến tháng 10/2018, Mỹ và Trung Quốc gộp lại đóng góp đến 36% thu nhập từ xuất khẩu của Việt Nam, và gần một phần ba số chi nhập khẩu.

Trọng số Mỹ – Trung

Báo cáo cũng lưu ý, mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng Trung Quốc mới là nguồn nhập khẩu lớn nhất.

Việt Nam có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ, đạt gần 29 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2018, nhưng chịu thâm hụt lớn tương ứng với Trung Quốc, lên đến gần 20 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Mỹ chủ yếu là hàng tiêu dùng, như may mặc, giày da, điện thoại, đồ nội thất và thủy hải sản.

Ngược lại, Việt Nam là một phần trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc và chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc đầu vào trung gian phục vụ sản xuất tại Trung Quốc. Trung Quốc cũng là thị trường quan trọng của Việt Nam về xuất khẩu nông sản như rau, quả, gạo, thủy hải sản và sắn.

Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc cũng gắn liền với các chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm máy móc và thiết bị, vải may mặc, phụ kiện giày da, điện thoại, linh kiện máy tính và hàng tiêu dùng.

Nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo cũng cho rằng, căng thẳng thương mại leo thang có thể đem lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Một mặt, Việt Nam có thể đóng vai trò nhà cung cấp thay thế một số mặt hàng của Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ. Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam cũng được coi là điểm đến mới của các nhà đầu tư đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Nhưng mặt khác, nếu nhu cầu mua hàng Trung Quốc giảm xuống, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, vì Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Hơn nữa, hàng hóa Trung Quốc có thể tràn ngập Việt Nam, gây ảnh hưởng đến các hoạt động chế tạo, chế biến trong nước.

Liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, chuyên gia WB khuyến nghị Việt Nam cần củng cố khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực cạnh tranh, xử lý ngăn ngừa khả năng gây méo mó về thương mại và đẩy mạnh hội nhập khu vực.

Không bỏ trứng một giỏ

Các tác giả báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam đạt kết quả tốt về xuất khẩu trên cơ sở đa dạng hóa giỏ các mặt hàng xuất khẩu một cách ngoạn mục trong tám năm qua.

Các mặt hàng chế tạo, chế biến xuất khẩu đến nay đóng góp khoảng 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng so với 65% năm 2010 nhờ tăng trưởng năng động ở khu vực doanh nghiệp nước ngoài theo định hướng xuất khẩu.

Tỷ trọng các mặt hàng chế tạo, chế biến xuất khẩu giá trị cao như điện thoại, máy tính, máy ảnh, hàng điện tử và linh kiện tăng từ 5% trong năm 2010 lên đến khoảng 35% trong năm 2018.

Tương ứng, tỷ trọng thương phẩm thô giảm mạnh, trong đó tỷ trọng xuất khẩu dầu thô giảm từ gần 7% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 xuống còn khoảng 1,3% vào tháng 10/2018.

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn là quốc gia có chuỗi cung ứng chưa phát triển, còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô nhập khẩu, thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ.

Đó là các vấn đề cần giải quyết nhằm nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và duy trì bền vững năng lực cạnh tranh xuất khẩu khi mức lương chắc chắn sẽ tăng lên.

Cũng theo chuyên gia của WB, Việt Nam thành công trong việc duy trì được thị trường xuất khẩu đa dạng. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đến 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tiếp theo là Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Giao thương giữa Việt Nam và Mỹ cơ bản vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi những chính sách thương mại gần đây. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 14% từ tháng 1 đến tháng 10/2018 so cùng kỳ năm trước, còn nhập khẩu từ Mỹ và Việt Nam tăng 40,4%, đứng đầu là các mặt hàng nông phẩm như đậu tương, lúa mỳ, bông, thức ăn chăn nuôi, cũng như máy tính, máy móc và thiết bị… chiếm 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Thị trường xuất khẩu đa dạng giúp Việt Nam duy trì được những thành tích về xuất khẩu đồng thời giảm thiểu được rủi ro kinh tế do những biến động kinh tế bên ngoài.

Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có hai hiệp định thương mại lớn dự kiến sẽ có hiệu lực trong thời gian tới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU EVFTA).

Những hiệp định mới nêu trên sẽ tạo cơ hội để Việt Nam nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu và có thêm các nguồn đầu tư nước ngoài mới.