Việt Nam sau một năm hội nhập: Mạnh và yếu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua


(VOV)_
Sau một năm gia nhập WTO, nền kinh tế VN tăng trưởng cao hơn dự kiến, đạt từ 8-8,5%, là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Kinh tế VN phát triển đúng hướng, thể hiện sự tăng trưởng ở các ngành quan trọng như công nghiệp-thương mại-dịch vụ. Cơ cấu kinh tế chuyển theo hướng tích cực, tỉ trọng GDP của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 41,31% lên 41,48%, dịch vụ tăng từ 38,25% lên 38,44%, nông-lâm-thủy sản từ 20,45% giảm xuống còn 20,08%. Cải cách chính sách theo hướng không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giảm sự bảo hộ đối với doanh nghiệp Nhà nước. Do VN cải thiện chính sách đầu tư, môi trường kinh doanh, mở cửa thị trường theo cam kết WTO, đến tháng 12/2007, vốn FDI đăng ký đạt 15 tỉ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước, bằng gần 20 năm trước đây. Một điều đáng nói nữa là, kinh tế tư nhân đóp góp 35% vào sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Điều này chứng tỏ chính sách của chúng ta đã phát huy tác dụng, kích thích và tạo điều kiện để người dân yên tâm bỏ tiền túi ra đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc nới lỏng quy định pháp lý, năm 2007, nguồn vốn mà các doanh nghiệp VN đầu tư ra nước ngoài tăng khá mạnh, dự đoán đạt 350-360 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2006, và còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Các doanh nghiệp VN không chỉ đầu tư trực tiếp vào những nền kinh tế còn chậm phát triển như: Lào, Campuchia, mà đã bắt đầu biết bắt tay liên doanh, liên kết với những tập đoàn kinh tế lớn ở các nước phát triển. VN cũng đang đẩy nhanh cải cách để được công nhận là nền kinh tế thị trường, trước năm mà WTO ấn hạn là năm 2018. Điều này không chỉ có lợi trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, giảm chi phí cho doanh nghiệp, mà còn nâng cao hình ảnh một đất nước dám cam kết mạnh mẽ hội nhập để phát triển. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng bộc lộ rõ điểm yếu cố hữu khi gia nhập WTO. Đó là, mặc dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng thể chế còn yếu và cơ chế pháp lý cũng cần phải tiếp tục được hoàn thiện. Chế tài thực hiện pháp lý cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét, bất cập về kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ. Việc quản lý kinh tế vĩ mô còn lúng túng như việc kiềm chế tốc độ leo thang của giá cả trong thời gian vừa qua…

Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng, Chánh văn phòng UBQG về hợp tác kinh tế quốc tế: Cam kết thương mại, 5 vấn đề cần quan tâm.

Theo cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, VN sẽ giảm mức thuế bình quân từ 17,4% xuống còn 13,4% trong vòng từ 5-7 năm. Mức thuế hàng nông sản giảm từ mức hiện hành là 23,5% xuống còn 20,9% và mức thuế bình quân hàng phi nông sản giảm từ 16,8% xuống còn 12,6%; hàng công nghiệp giảm từ 16,8% xuống còn 12,6%. VN còn bảo lưu áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng như: đường, thuốc lá, muối… Xem xét tác động về cam kết giảm thuế có thể thấy, về mặt tổng thể, chúng ta giảm thuế nhập khẩu, tức là giảm sự bảo hộ đối với một số mặt hàng, sẽ thúc đẩy việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển hiệu quả hơn, tăng chuyên môn hoá, tăng sản xuất quy mô lớn, phát huy tốt hơn lợi thế so sánh về lao động, tài nguyên, thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Sau khi vào WTO, nhóm hàng công nghiệp chế biến duy trì tốc độ tăng trưởng cao và giá trị xuất khẩu lớn như: dệt may, da giày, hàng điện tử và linh kiện điện tử, sản xuất gỗ… Các mặt hàng nông sản như cà phê, hạt tiêu, rau quả, hạt điều, than đá, thuỷ sản, gạo… kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao. Về thị trường dịch vụ, VN cam kết mở cửa 110 phân ngành thuộc 11 ngành dịch vụ theo cam kết WTO. Tuy nhiên, Việt Nam chưa cho phép công ty nước ngoài hiện diện tại Việt Nam, ngoại trừ chi nhánh. Điều này tránh cho nền kinh tế VN không bị tác động lớn trong thời gian trước mắt.

Trong số mặt hàng xuất khẩu thì dệt may và da giày chịu tác động trực tiếp của cam kết khi chúng ta vào WTO. Tuy nhiên, do quản lý tốt công tác giám sát xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ, tránh sự kiện phá giá, nên các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc nhập khẩu dệt may và da giày. Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2006, da giày tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2006. Về cam kết thương mại, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề sau: Thứ nhất do nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu, các mặt hàng nhập khẩu là nhiên liệu đầu vào cho nền sản xuất sẽ tăng mạnh, ví dụ như ô tô, thức ăn gia súc, máy móc thiết bị phụ tùng, gỗ… Thứ hai, do dịch bệnh trong chăn nuôi, tốc độ tăng của ngành nông lâm-nghiệp-thủy sản bị giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ ba, xuất khẩu dầu thô bị giảm chỉ đạt 9.985 ngàn tấn, giảm 9,9% về lượng. Thứ tư, do giá cả ở hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều tăng. Thứ năm, tác động giảm thuế theo cam kết WTO.

Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Doanh nghiệp bộc lộ điểm yếu.

Khi hội nhập, các doanh nghiệp VN cũng dần bộc lộ những điểm yếu, mà điểm yếu nhất là các doanh nghiệp chưa tạo được một khả năng chơi trên một sân chơi hiện đại, văn minh. Thể hiện: Một là, doanh nghiệp VN vẫn chú trọng đầu tư ngắn hạn nhiều hơn là có tầm nhìn dài hạn. Trong hai năm lại đây, doanh nghiệp VN đã tạo ra một khoản lợi nhuận khổng lồ, nhưng phần nhiều là từ các hoạt động ngắn hạn và có thể còn mang tính đầu cơ. Thứ hai, đã là kinh tế thị trường, kinh tế cạnh tranh, toàn cầu hiện nay là cả một mạng sản xuất, cả một chuỗi giá trị khổng lồ, bên cạnh biết cạnh tranh, các doanh nghiệp phải biết liên kết, điều này mới chỉ một số ít doanh nghiệp làm được. Chúng tôi mới làm điều tra nghiên cứu về các doanh nghiệp VN xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giày da, chế biến thuỷ sản… sang thị trường EU thì thấy, họ vẫn duy trì khả năng cạnh tranh dựa trên những mặt hàng truyền thống mà VN có lợi thế sử dụng nhiều tài nguyên và lao động. Cạnh tranh kiểu này phần lớn dựa vào giá. Đã dựa vào giá thì dễ mắc phải hàng rào thương mại như chống bán phá giá. Hay dựa vào tài nguyên dễ mắc phải hàng rào như vệ sinh ATTP. Vậy nên, doanh nghiệp VN, một mặt vẫn đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng truyền thống dựa trên lợi thế sẵn có, nhưng phải biết bắt tay ngay vào việc cạnh tranh không dựa trên giá, mà phải dựa trên chất lượng.

Để sử dụng lượng vốn FDI có hiệu quả phải xem xét 4 nhóm nhân tố cơ bản: Thứ nhất, thị trường kinh tế vĩ mô, tức là tốc độ tăng trưởng, dung lượng của thị trường cũng như vấn đề liên quan đến giá cả, lạm pháp, ổn định tài chính. Nhóm thứ hai là những điều kiện sẵn có của một quốc gia, như tài nguyên, hệ thống đường sá, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Thứ ba là nền thể chế, liên quan đến cách vận hành bộ máy hành chính, quy trình hành chính, làm sao giảm được chi phí cho doanh nghiệp. Thứ tư, là mức độ mở cửa.

Phương Hữu Việt, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam: 3 vấn đề cần hoàn thiện

Sau khi gia nhập WTO, VN có những thay đổi sau. Thứ nhất, trong mọi hoạt động VN đều chủ động hướng tới việc tuân thủ luật lệ của WTO và tập quán quốc tế. Thứ hai, các doanh nghiệp và người dân đều hướng tới ứng xử trong một thế giới hội nhập và mang tính toàn cầu. Khi hội nhập, các doanh nghiệp VN cũng bộc lộ những điểm yếu, đó là chưa có tầm nhìn xa, ít thông tin. Các doanh nghiệp VN còn ít kinh nghiệm, kiến thức. Theo tôi, có 3 vấn đề mà chúng ta cần hoàn thiện: Thứ nhất, là tính chuyên nghiệp. Doanh nghiệp phải biết tự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, phải biết nâng tầm bộ máy doanh nghiệp, cả nhà đầu tư, hội đồng quản trị, nhà quản trị đến đội ngũ cán bộ công nhân viên; Thứ hai, là đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước phải nâng tầm lên; Thứ ba, phải xây dựng được hệ thống pháp lý đồng bộ, mang tính thực tế và mang tính áp dụng cao, đồng thời, bộ máy công chức cũng phải nâng cao nhận thức, cũng như tư duy và cách làm việc trong nền kinh tế thị trường.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng công nghiệp và thương mại VN: Thực hiện nghĩa vụ của một thành viên mới.

VN đã sửa đổi hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật để những văn bản quy phạm pháp luật đó tương thích với thông lệ quốc tế. Mặc dù mới vào WTO được một năm, VN đã có những cam kết mạnh mẽ thực hiện nghĩa vụ của một thành viên mới trong vấn đề mở cửa thị trường trong nước. Khi mới hội nhập, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng phải phù hợp với cam kết. Vào WTO, doanh nghiệp VN có nhiều cơ hội để xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của mình, từng bước xâm nhập thị trường quốc tế. Những kết quả đạt được trong năm qua chứng tỏ, doanh nghiệp VN đã có nhiều cố gắng, nỗ lực. Nhà nước đã ban hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, đồng thời có những văn bản hướng dẫn thi hành hai luật này. Theo nhận định của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, hai luật này đã đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư. VN cũng đang từng bước thực hiện cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, thương mại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tại diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo, hội nghị quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá môi trường kinh doanh tại VN nói chung đã có thay đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, VN vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới là việc mở cửa thị trường tài chính, cấp phép cho các ngân hàng nước ngoài có đủ điều kiện hoạt động tại VN, hay mở cửa thị trường phân phối, làm sao vừa đảm bảo thực hiện cam kết, vừa đảm bảo cho doanh nghiệp phân phối trong nước đủ sức lớn mạnh. Đối với những lĩnh vực mà chúng ta chưa có cam kết thì cần có văn bản hướng dẫn để cho doanh nghiệp nước ngoài biết thực hiện./.

Báo TNVN