VND “mạnh” lên trước USD: “Sốc” hay từ từ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, ở thời điểm hết sức nhạy cảm hiện nay, nếu chọn bước đi không phù hợp, rất có thể chúng ta sẽ “sai một ly đi một dặm”.

“Ủ lâu” nên “sốt cao”

Trước hết, nếu căn cứ vào tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của VND so với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày thì có thể thấy, trong năm 2006, VND vẫn còn mất giá 229 đồng so với USD (tương ứng với 1,44%), còn năm 2007 hầu như đứng yên (chỉ mất giá 13 đồng, tương ứng với 0,08%).

Thế nhưng, từ đầu năm trở lại đây, câu chuyện tỷ giá đã rẽ theo hướng khác, bởi từ ngày 31/12/2007 đến ngày 20/3 vừa qua, VND đã tăng giá nhảy vọt tới 124 đồng so với USD, tương ứng với 0,77%. Đặc biệt, nếu như trong 17 ngày đầu tháng 3 VND chỉ lên giá 26 đồng, thì liên tục trong 3 ngày 18, 19 và 20 đã có “ba bước gia tốc ngoạn mục” 5; 10 và 15 VND.

Như vậy, trong bối cảnh nguồn ngoại tệ tiếp tục ùn ùn đổ vào thị trường nước ta qua nhiều kênh khác nhau, cho dù với hai lần nới rộng biên độ dao động tỷ giá từ +/-0,5% lên +/-0,75% vào đầu năm và lên tiếp +/-1% kể từ ngày 10/3 vừa qua và với tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố ở hai thời điểm này là 16.112 đồng và 16.025 đồng, nhưng “sân chơi” của các ngân hàng thương mại vẫn tỏ ra quá hẹp, bởi phạm vi “du di” chỉ là 15.991-16.233 đồng và 15.865- 16.185 đồng.

Còn trong những ngày gần đây, khi mà giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ tự do chỉ khoảng 15.500 VND/USD, thậm chí thấp hơn, thì tỷ giá của ngân hàng vẫn không thể “đuổi kịp” giá thị trường bằng cách gia tốc tỷ giá giao dịch thêm nữa.

Đây chính là lý do khiến Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cũng như hàng loạt ý kiến các chuyên gia cho rằng, cần nới rộng biên độ dao động tỷ giá lên 3-4%, thậm chí 5%, nhằm khắc phục tình trạng các ngân hàng thương mại đối phó với việc vi phạm biên độ cho phép bằng chiêu “thu phí”, hoặc “phù phép” bằng cách chuyển sang mua/bán các loại ngoại tệ khác.

Sức chịu đựng của nền kinh tế?

Tất cả những điều nói trên cũng có nghĩa là, để “đuổi kịp” thị trường, bên cạnh việc tiếp tục tăng tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, phải đồng thời nới rộng biên độ dao động tỷ giá.

Thế nhưng, có nhiều khả năng “liều thuốc” đó quá mạnh đối với nền kinh tế nước ta hiện nay. Nhận định này dựa trên những căn cứ chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, nó giống như chiếc phanh khổng lồ khiến “đoàn tàu xuất khẩu” của nước ta không chỉ đã chạy chậm lại do đã “đuối sức”, mà sẽ phải khựng lại. Các số liệu từ cuộc giao ban “nóng” của Bộ Công Thương cách đây vài ngày cho thấy những dấu hiệu ban đầu đã rất rõ ràng.

Đó là, để đạt được mục tiêu xuất khẩu gần 60 tỷ USD trong năm nay thì bình quân mỗi tháng phải đạt kim ngạch 5 tỷ USD, nhưng ước thực hiện cả quý này mới đạt hơn 13 tỷ USD.

Điều này có nghĩa là, “đoàn tàu xuất khẩu” đã càng ngày càng chạy chậm lại. Do vậy, một khi biên độ dao động tỷ giá được nới quá rộng như đã có những ý kiến đề xuất, có lẽ các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không còn sức để “kêu cứu” như trong những ngày vừa qua, bởi tác dụng kiềm chế xuất khẩu của nó còn lớn hơn hẳn.

Thứ hai, trong khi đó, ngược lại, “đoàn tàu nhập khẩu” đã gia tốc mạnh và đẩy nhập siêu lên kỷ lục mới.

Cụ thể, các số liệu cũng từ cuộc giao ban “nóng” nói trên cho thấy, nếu như kim ngạch nhập khẩu trong tháng 1 chỉ mới là 5 tỷ USD; tháng 2 tăng đại nhảy vọt lên 8,2 tỷ USD và tháng 3 cũng đạt 7,3 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch lên 20,5 tỷ USD, tăng “đại nhảy vọt” 68,7% và cao gấp hơn ba lần tốc độ tăng xuất khẩu, còn tỷ lệ nhập siêu cũng tăng đại nhảy vọt lên 56,2%. Chắc chắn, việc nhập khẩu tăng đột biến như vậy chỉ có thể là kết quả tác động “kép” của ba yếu tố.

Trước hết, đó là hai tác nhân quen thuộc đã xuất hiện từ năm 2007 là nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của nền kinh tế tiếp tục tăng cao và giá vẫn còn tiếp tục sốt nóng cũng đã khiến tốc độ nhập khẩu trong năm này tăng đột biến 39,6%.

Tiếp theo, tác nhân còn lại và cũng là tác nhân mới chính là tỷ giá giao dịch và biên độ dao động tỷ giá lớn hơn nói trên đều khiến cho giá hàng nhập khẩu “mềm” hơn, cho nên đã tạo ra nguồn động lực rất mạnh khiến nhập khẩu và nhập siêu tăng đột biến.

Thứ ba, cũng từ hai xu thế phát triển theo hai hướng khác nhau như vậy, việc nền kinh tế giảm tốc càng mạnh chỉ là hệ quả tất yếu.

Bởi lẽ, việc “đoàn tàu xuất khẩu” chạy chậm lại, thậm chí có thể khựng lại, thì điều này đồng nghĩa với hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải “dẹp tiệm” và việc “đoàn tàu nhập khẩu” tiếp tục gia tốc mạnh cũng đồng nghĩa với hàng loạt doanh nghiệp sản xuất các loại hàng hoá phục vụ thị trường trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải “dẹp tiệm”.

Điều này cũng có nghĩa là, một khi biên độ dao động tỷ giá được nới quá rộng, đây chắc chắn sẽ là tác nhân chủ yếu khiến chúng ta không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, cho dù tăng giá VND là xu thế tất yếu, nhưng công việc hệ trọng này đòi hỏi phải được tiến hành một cách từ từ từng bước một để nền kinh tế đủ thời gian thích nghi dần.

Ngược lại, nếu nóng vội áp dụng kịch bản “sốc”, tình trạng đổ vỡ hàng loạt sẽ tránh khỏi và những hệ quả kinh tế – xã hội là hết sức khó lường.

Đây cũng chính là lời khuyên của cựu Chủ tịch Ngân hàng HSBC, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ngành Ngân hàng của Asia Banker, ông David Eldon đối với chúng ta: “Để thị trường vận hành tốt, không thể có chuyện ngày một ngày hai với những biện pháp nhanh chóng”.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam