VND/USD tụt giảm:Toàn hệ thống ngân hàng “bối rối”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Diễn biến tỷ giá

Trên thị trường giao dịch chính thức, kể từ đầu năm mới 2008 đến nay, tỷ giá VND/USD xuống dưới mức 16.000 VND/USD.

Cuối tuần trước, ngày 4/1/2008, tỷ giá mua vào của các NHTM chỉ còn 15.985-15.987 VND/USD, tỷ giá bán ra của các NHTM cũng chỉ còn 15.992-15.995 VND/USD. Đến ngày 7/1/2008, tỷ giá mua vào của các NHTM vẫn dừng ở mức 15.985-15.987 VND/USD, duy chỉ có tỷ giá bán tăng nhẹ.
 
Tỷ giá bán của Vietcombank là 16.000 VND/USD. Tuy nhiên, mức tăng nhẹ tỷ giá bán của Vietcombank chưa vững chắc vì đến cuối giờ chiều ngày 7/1/2008, các thị trường tài chính lớn trên toàn cầu mới bắt đầu mở cửa giao dịch trở lại. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức tỷ giá thấp nhất kể từ tháng cuối quý III năm 2006 đến nay. Bởi vì thời điểm cuối năm 2006, tỷ giá vẫn còn ở mức mua vào 16.045 VND/USD và bán ra 16.055 VND/USD. Như vậy, so với thời điểm cuối năm 2006, đến nay tỷ giá đã giảm tới 60-70 VND/USD, tưng ứng với mức giảm 0,45%.

Trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tỷ giá do NHNN Việt Nam công bố cũng giảm, ngày 5/1/2008 chỉ còn 16.108 VND/USD, giảm 2VND so với ngày 4/1/2007; đến ngày 7/1/2008 giảm tiếp 1VND, xuống còn 16.107 VND/USD. Như vậy tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ của các NHTM thấp hơn và bằng với giới hạn tối thiểu biên độ -0,75% theo quy định so với mức tỷ giá do NHNN Việt Nam công bố. Đây là hiện tượng hiếm thấy trên thị trường ngoại tệ ở nước ta từ trước đến nay. Bởi vì thông thường tỷ giá bán của NHTM cao hơn tỷ giá do NHNN công bố hàng ngày.

Cũng do diễn biến nói trên nên thậm chí có chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam thay vì chỉ hưởng chênh lệch tỷ giá thì còn thu thêm phụ phí 0,4% trên số tiền USD khách hàng đổi nếu số tiền đó từ 10.000USD trở lên.

Trên thị trường tự do, cụ thể là tỷ giá mua bán tại các cửa hàng vàng bạc tư nhân, ở Hà Nội tập trung là phố Hà Trung, tỷ giá mua bán ngoại tệ cũng giảm xuống dưới 16.000 đồng. Cụ thể giá mua trong các ngày từ 4/1 đến 7/1/2008 chỉ còn 19.585–19.588 VND/USD và bán ra cũng chỉ còn 15.595 VND/USD. Đây cũng là mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua trên thị trường tự do về mua bán ngoại tệ.

Các nguyên nhân dẫn đến diễn biến về tỷ giá USD và thị trường ngoại tệ:

1. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào và tăng mạnh. Càng về cuối năm và gần đến dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý cung ngoại tệ càng lớn. Đó là tiền kiều hối của Việt kiều, của người Việt Nam đi làm ăn và định cư hay kết hôn ở nước ngoài, người đi xuất khẩu lao động… gửi về cho thân nhân trong nước chi tiêu cuối năm và dịp Tết. Một số nguồn tin trong giới ngân hàng ước tính kiều hối chuyển về của năm 2007 đã đạt con số 8 tỷ USD, nhiều NHTM có kinh nghiệm và truyền thống trong lĩnh vực này đạt tới con số 1 tỷ USD mỗi ngân hàng.
 
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thời điểm này cũng tăng mạnh. Đặc biệt là thời điểm này giá lạnh, tuyết rơi mạnh tại châu Âu và Bắc Mỹ, Đông Bắc á, nên khách du lịch từ các xứ lạnh đến Việt Nam càng đông, thời gian nghỉ dài. Đây cũng là loại khách có mức chi tiêu lớn tại Việt Nam. Thậm chí một số hãng du lịch thuê trọn gói cả chuyến máy bay đưa các đoàn khách số lượng đông và ổn định thường kỳ từ Thuỵ Điển, Cộng hoà Liên bang Nga… tới nghỉ ở Việt Nam đến 2 tuần. Các nguồn vốn khác đầu tư trên thị trường chứng khoán, nguồn thu xuất khẩu…

Lần đầu tiên Việt Nam miễn thị thực cho Việt kiều về nước. Thời điểm này người Việt Nam ở nước ngoài và Việt kiều về nước bắt đầu gia tăng và sẽ tăng mạnh từ nay đến Tết Mậu Tý, mang theo một số lượng ngoại tệ tiền mặt rất lớn.

Một số quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam rất khó mua được đồng Việt Nam để thực hiện kế hoạch đầu tư của mình tại các doanh nghiệp cổ phần trong nước. Một số tập đoàn ngân hàng lớn trên thế giới trở thành cổ đông chiến lược, với số vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ vào một số NHTM cổ phần trong nước, cần chuyển đổi USD sang đồng Việt Nam. Thậm chí Eximbank đăng ký bán 225 triệu USD cho NHNN từ nguồn tập đoàn Ngân hàng Sumitomo của Nhật Bản mua cổ phần trở thành cổ đông chiến lược, nhưng cũng rất khó khăn.

2. Cung tăng mạnh trong khi đó cầu ngoại tệ thấp. NHNN hạn chế mua ngoại tệ vào vì mua vào nhiều tưng ứng phải cung ứng một khối lượng lớn đồng Việt Nam ra lưu thông, gây áp lực lạm phát. Bên cạnh đó số lượng ngoại tệ rất lớn mua vào năm 2007 đã làm cho quỹ dự trữ ngoại tệ “quá dồi dào” rồi!

3. Cục dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm mạnh lãi suất chủ đạo đồng đô la, từ mức 5,25%/năm thời điểm đầu năm 2007. Qua 3 đợt cắt giảm, từ giữa thnág 12/2007 đến nay lãi suất chủ đạo USD chỉ còn 4,25%/năm. Do đó lãi suất huy động vốn USD của các NHTM trong nước cũng phải giảm xuống dưới mức 4%/năm, giảm gần 1%/năm so với thời điểm cao nhất. Nhiều người gửi USD cảm thấy thiệt vì tỷ giá giảm mạnh trong khi đó lãi suất gửi USD thấp chỉ bằng dưới 40% so với gửi tiết kiệm đồng Việt Nam cùng kỳ hạn. Bởi vậy nhiều người có nguồn USD đã bán đi lấy đồng Việt Nam gửi tiết kiệm. Các doanh nghiệp cũng bán USD không để gửi trên tài khoản. Bên cạnh đó do lãi suất vay vốn USD thấp, chỉ bằng dưới 1/2 lãi suất vay vốn nội tệ. Do đó nhiều doanh nghiệp vay USD sau đó bán đi lấy VND sử dụng. Tất cả các nguyên nhân đó càng làm cho cung ngoại tệ tăng mạnh.

4. Đô la Mỹ tiếp tục suy yếu trên thị trường thế giới. Tỷ giá giao dịch trên một số thị trường hối đoái chủ chốt của thế giới thời điểm 10 giờ ngày 7/1/2008 giờ Hà Nội, trên thị trường quốc tế, 1 yên Nhật đổi được 0,0092USD; 1 euro đổi được 1,4733USD, 1 bảng Anh đổi được 1,9707USD… Vàng tăng giá mạnh, cũng thời điểm trên giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế vẫn ở mức 861 USD/ounce, mặc dù giảm nhẹ so với mức 862,9 USD/ounce của ngày 5/1/2008 và giảm đáng kể so với mức 869 USD/ounce một ngày trước đó, nhưng vẫn cao nhất trong vòng 28 năm qua. Tình hình đó tác động ngay đến thị trường trong nước. Đặc biệt là một số người bán USD để mua vàng vào, càng tác động lên cung ngoại tệ.

Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tý và cả thời gian ngắn sau Tết tỷ giá VND/USD tiếp tục có xu hướng giảm. Thậm chí nhiều chuyên gia ngân hàng dự báo tỷ giá mua vào trên thị trường chính thức và thị trường tự do xuống dưới 15.580 VND/USD và tỷ giá bán xuống dưới 15.590 VND/USD, hoặc xuống thấp hơn.

Tác động hai chiều của diễn biến tỷ giá:

Diễn biến nói trên đang có những ảnh hưởng hai chiều đến nền kinh tế Việt Nam. Tác động thiếu tích cực đến xuất khẩu, bởi vì các doanh nghiệp có nguồn thu xuất khẩu bằng USD sẽ bị thiệt hại khi chuyển đổi sang đồng Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như nguồn thu xuất khẩu bằng euro, yên Nhật, bảng Anh và một số loại ngoại tệ khác thì được lợi. Song nguồn thu từ USD vẫn chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó thì  nhập khẩu và vay nợ nước ngoài bằng USD thì lại được hưởng lợi. 

Việt Nam là quốc gia nhập siêu và vay nợ nước ngoài. Vì vậy tác động hai chiều của diễn biến thị trường ngoại tệ nói trên là rõ ràng. Dự báo, Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp can thiệp mạnh mẽ nào, vì cũng đang “khó xử” với vấn đề trên. Bởi vì, nếu không mua USD vào, thì không bảo đảm được yêu cầu trên đất nước Việt Nam chỉ sử dụng đồng tiền Việt Nam, không đóng được vai trò người mua bán cuối cùng trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Đặc biệt là không mua USD vào thì tỷ giá xuống quá thấp, lại ảnh hưởng tới xuất khẩu. Ngược lại mua vào thì phải cung ứng khối lượng lớn đồng Việt Nam ra lưu thông, lại gây áp lực lên lạm phát.

Đối với các NHTM cũng đang trong tình trạng “đau đầu”. Bởi vì nhiều khách hàng truyền thống, khách hàng có uy tín, có kim ngạch xuất khẩu lớn thường gắn bó bán ngoại tệ, chiết khấu bộ chứng từ, thanh toán quốc tế, vay vốn, gửi tiền… tại ngân hàng mình, nay không mua thì dễ bị khách hàng bỏ đi sang ngân hàng khác. Trong thời buổi cạnh tranh hiện nay dễ mất khách hàng “ngon” như chơi. Còn mua vào, dù bằng giới hạn tối thiểu -0,75% so với biên độ tỷ giá do NHNN công bố thì cũng lỗ như chơi.

Đồng thời mua vào không bán cho ai được thì lại vượt trạng thái ngoại hối do NHNN công bố vì không được vượt quá 30% vốn chủ sở hữu. Nên NHTM cũng ở trong tình trạng “bối rối” trước bối cảnh thị trường ngoại tệ hiện nay.

Do đó dự báo thời gian tới tỷ giá tiếp tục giảm là hoàn toàn có cơ sở. Đây là vấn đề còn khá “lúng túng” trong điều hành chính sách vĩ mô, cần được tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực có điều kiện tương tự.

Nguồn: VNN