Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh – “kẻ cười, người khóc”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng qua, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 8 tỷ USD, bằng gần 70% so với cùng kỳ năm 2011. Xét theo lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, với 258 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,5 tỷ USD, chiếm 68,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Về địa bàn đầu tư, Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất, Đồng Nai đứng thứ 2 và Hải Phòng đứng thứ 3 với gần 900 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Dù đạt kết quả tích cực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, song Giám đốc Sở Công thương TP Hải Phòng Phạm Văn Phương cho biết, xét theo cơ cấu ngành và theo các thành phần kinh tế thì khu vực FDI hiện mới đóng góp trên 50% tổng vốn đầu tư của thành phố. Do đó, thành phố vẫn có nhu cầu tiếp tục đẩy mạnh thu hút các dự án FDI để tranh thủ các nguồn lực về vốn, công nghệ, thiết bị, kỹ năng quản lý.

Trái ngược với sự vui mừng của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh Vũ Đức Quyết cho biết, tỉnh này đang rơi vào tình cảnh bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… do các dự án FDI tăng quá nhanh trên địa bàn. Trong 7 tháng qua, sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp FDI chiếm trên 80% và dự kiến hết năm 2012 sẽ chiếm trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh, ước tính đến năm 2015 sẽ tăng lên đến 95% và xuất khẩu chiếm hơn 99%. Trong khi đó, các chương trình mục tiêu, cân đối ngân sách hàng năm cho tỉnh để đầu tư cho hạ tầng cơ sở được tính trên đầu dân số theo điều tra, với khoảng hơn 1 triệu dân. Lượng lao động tăng nhanh tập trung vào các khu công nghiệp kéo theo nhu cầu đầu tư hạ tầng xã hội tăng nhanh, địa phương không đáp ứng được về nhà ở, y tế, trường học… Mặt khác, vốn FDI tăng nhanh cũng phá vỡ sự cân đối giữa sản xuất trong nước với sản xuất của các doanh nghiệp này. Không những thế, doanh nghiệp FDI có xu hướng chuyển sang doanh nghiệp chế xuất thì tỉnh sẽ mất nguồn thu về thuế, gây khó khăn cho sự tự cân đối thu chi ngân sách của tỉnh. Cũng theo ông Vũ Đức Quyết, điều đáng lo ngại hơn, đó là doanh nghiệp trong nước không đu theo, không chen được chân vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI.

Điều quan ngại này của tỉnh Bắc Ninh là có căn cứ. Bởi theo Khảo sát thường niên lần thứ hai về doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam, được thực hiện tại gần 2.000 doanh nghiệp, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đầu năm 2012 cho thấy, doanh nghiệp FDI nhập khẩu tới gần 60% hàng hóa, dịch vụ trung gian, tỷ lệ mua trong nước rất nhỏ chỉ 2% từ doanh nghiệp tư nhân trong nước. Sự thiếu liên kết giữa doanh nghiệp FDI với khu vực kinh tế tư nhân trong nước rất đáng lo ngại, hạn chế cơ hội doanh nghiệp trong nước tận dụng lợi thế về công nghệ và cải thiện năng suất. Nút thắt chính là do chúng ta chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ, dù đã được bàn thảo rất nhiều trong những năm qua. Để giúp cho doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đầu tư nước ngoài  Phan Hữu Thắng cho rằng, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hai hướng gồm do doanh nghiệp trong nước tự thực hiện hoặc thu hút doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Có thể thấy, sự quá tải về hạ tầng, nguồn nhân lực, mất cân đối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI của tỉnh Bắc Ninh là sự cảnh báo cho các tỉnh đi sau, cần thận trọng hơn, cân nhắc kỹ càng hơn để có các dự án FDI có chất lượng, không tham chạy theo số lượng. Gần đây nhất, việc tỉnh Long An và Tây Ninh thu hồi đất từ các dự án quy hoạch treo, trả lại cho nông dân sản xuất, chắc hẳn có nguyên nhân từ sự kỳ vọng quá nhiều vào thu hút các dự án FDI để rồi lãng phí đất đai, tài nguyên. Bởi vậy, để nguồn vốn đầu tư này có thể giúp kinh tế Việt Nam trở thành một bộ phận hữu cơ trong chuối giá trị toàn cầu thì trước hết cần có chính sách và lộ trình thích hợp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.

Anh Tú
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân