Vốn đổ vào nhà máy chế biến rau quả
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một lượng vốn đầu tư lớn tiếp tục đổ vào nhà máy chế biến rau quả, nâng cao năng lực chế biến của ngành để cán mốc mục tiêu xuất khẩu 8 – 10 tỷ USD vào năm 2030.

Doanh nghiệp lớn dẫn dắt thị trường

Xu hướng đầu tư vào chế biến rau, củ, quả gắn với vùng sản xuất nguyên liệu quy mô lớn tại Việt Nam đang nở rộ trong vòng 5 năm trở lại đây, với những doanh nghiệp dẫn dắt thị trường như Doveco, Vina T&T Group, Nafoods, Lavifood…, hình thành những nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu quy mô lớn trong khu vực.

Động thái này đã đưa năng lực chế biến và xuất khẩu rau quả của Việt Nam không ngừng tăng lên, cao điểm vào năm 2018 với kim ngạch xuất khẩu vượt 3,8 tỷ USD.

Hai năm gần đây, do tác động của dịch bệnh Covid-19 cùng với việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm xuống mức 3,76 tỷ USD (năm 2019) và 3,27 tỷ USD (năm 2020).

Tuy nhiên, sự sụt giảm này không ảnh hưởng tới xu hướng đầu tư. Trái lại, ngành sản xuất và chế biến rau quả vẫn đang được các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, rót một lượng vốn lớn nhằm đẩy mạnh phát triển, tận dụng dư địa của thị trường nội địa và thế giới đang gia tăng.

Nguồn vốn đổ vào ngành sản xuất này được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, bởi Đề án Phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 – 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 3/20201 với tham vọng đưa rau quả sớm gia nhập các ngành hàng có giá trị xuất khẩu chạm mốc 8 – 10 tỷ USD/năm. Trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên, công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020…

Để có được mức tăng trưởng xuất khẩu này, cần có thêm nhiều dự án lớn, đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực chế biến rau quả.

Cụ thể, Đề án đặt mục tiêu, giai đoạn 2021 – 2025, thu hút đầu tư mới 20 – 25 cơ sở chế biến quy mô lớn và vừa tại các vùng sản xuất rau quả tập trung; giai đoạn 2026 – 2030, căn cứ tình hình thị trường và khả năng tổ chức sản xuất nguyên liệu để tiếp tục đầu tư khoảng 30 – 35 cơ sở chế biến.

Bên cạnh đó, Đề án nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu rau quả và từ phế phụ phẩm sau chế biến; phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân trên 10%/năm…

Chế biến sâu để nâng giá trị

Ba năm qua, ngành rau quả đón thêm 8 nhà máy chế biến mới, với tổng vốn đầu tư lên tới 6.152 tỷ đồng. Năm 2020, hai nhà máy lớn tại Sơn La, gồm Nhà máy Chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods, tổng vốn 200 tỷ đồng và Nhà máy Chế biến quả, đồ uống nước hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Sơn La, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng (giai đoạn I) đã được khánh thành.

Trước đó, năm 2019, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã đưa vào hoạt động Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Gia Lai có công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Ở khu vực phía Nam, Nhà máy Chế biến rau củ Tanifood tại Tây Ninh của Lavifood cũng được khánh thành với tổng vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, rau, củ, quả chiếm diện tích ít hơn một số loại cây trồng khác, nhưng mang lại giá trị xuất khẩu lớn.

Tuy nhiên, số lượng nhà máy chế biến sâu vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển của ngành. Hiện cả nước chỉ có khoảng 160 nhà máy chế biến rau quả các loại, riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có khoảng 5 – 6 cơ sở. Trong số 27 triệu tấn rau, quả sản xuất ra mỗi năm, chỉ có trên 1 triệu tấn được đưa vào chế biến.

Để nâng giá trị sản phẩm rau, củ, quả, con đường duy nhất là phải thông qua khâu chế biến. Cùng với việc đón lõng nhu cầu thị trường xuất khẩu và cú hích từ Đề án Phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 – 2030, thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo kế hoạch, Tập đoàn TH sẽ nâng mức đầu tư toàn Dự án Nhà máy chế biến quả, đồ uống nước hoa quả công nghệ cao tại Sơn La lên 3.500 tỷ đồng.

Ngay trong năm nay, Dự án Trung tâm chế biến rau, quả Doveco tại Sơn La sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động với năng lực thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn sản phẩm rau quả các loại như: chanh dây, xoài, dứa, chuối, bơ, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương và nhiều loại rau, quả khác của tỉnh Sơn La.

Ngoài ra, Dự án Nhà máy Haphofood chế biến rau củ quả tại Hải Phòng do Công ty TNHH Haphofood (Lavifood sở hữu 100% vốn) được khởi công từ năm 2019 cũng sẽ sớm được đưa vào hoạt động trong thời gian tới để tăng lực cho xuất khẩu rau quả. Nhà máy này có 6 dây chuyền sản xuất hiện đại được nhập khẩu hoàn toàn từ châu Âu. Toàn bộ quy trình sản xuất khép kín với những quy định nghiêm ngặt và tự động hóa chiếm 80%. Phần còn lại của quy trình là bán tự động và thủ công ở các khâu như: lựa chọn trái cây, cắt gọt vỏ, tạo hình.

Tập đoàn Nafoods cũng đã ký thỏa thuận với UBND tỉnh Tây Ninh để đầu tư 3.000 tỷ đồng xây dựng vùng cây ăn trái xuất khẩu tại tỉnh này. Sau khi vùng nguyên liệu trái cây đáp ứng tối thiểu 150 tấn/ngày, Nafoods sẽ đầu tư xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất, chế biến tại Tây Ninh để tạo ra kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt tối thiểu 100 triệu USD/năm.