Vốn FDI đổ dồn vào dệt nhuộm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong tháng 11 này, đã có gần chục DN nước ngoài đến đặt vấn đề về việc lập liên doanh sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và một số DN trực thuộc Vinatex.

Đó là những công ty, tập đoàn lớn chuyên sản xuất xơ, sợi, dệt nhuộm, đến từ các quốc gia có ngành dệt may phát triển, như Texhong (Trung Quốc), Toray International và Mitsui (Nhật Bản), Lenzing (Áo), Công ty TNHH Dệt may Sunrise (Trung Quốc)…

Như vậy, những dự đoán của các chuyên gia trong ngành này về khả năng hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào đầu tư nguyên liệu nhằm tận hưởng ưu đãi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang từng bước được cụ thể hóa.

Liên doanh dệt nhuộm đầu tiên đã được thành lập vào ngày 5/11 là Công ty cổ phần Dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise (Thien Nam Sunrise Textile JSC). Đây là liên doanh giữa Công ty TNHH Dệt may Sunrise (Trung Quốc) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam có trụ sở tại Bình Dương.

Sau khi thành lập Công ty cổ phần Dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise, hai bên sẽ tiến hành đầu tư Dự án sản xuất vải dệt thoi tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định), với công suất 1 triệu mét/tháng và vải dệt kim công suất 300 tấn/tháng, tổng vốn đầu tư 24 triệu USD.

Dự kiến, Dự án sẽ được khởi công vào đầu năm tới và đi vào hoạt động trong năm 2014. Đáng lưu ý là, toàn bộ dây chuyền công nghệ, thiết bị của Nhà máy sẽ được chuyển giao từ Công ty Sunrise.

Trong khi đó, Texhong, một trong 10 DN có sức cạnh tranh lớn nhất trong ngành dệt sợi tại Trung Quốc, cũng vừa làm việc với Vinatex để bàn việc xây dựng nhà máy thứ ba tại Việt Nam, có thể dưới hình thức 100% vốn nước ngoài, hoặc liên doanh cùng phía Việt Nam. Trước đó, Texhong đã có 2 nhà máy xơ sợi tại Việt Nam (đặt tại Đồng Nai và Quảng Ninh).

Làm việc với Vinatex cuối tuần qua, Toray Internaltional và Mitsui (Nhật Bản) đã đưa ra 2 phương án đầu tư: hoặc cùng Vinatex thực hiện đầu tư mới dự án sản xuất nguyên phụ liệu, hoặc mở rộng những dự án đầu tư hiện có. Dự kiến, các dự án đầu tư của hai tập đoàn này với Vinatex và các DN thành viên sẽ được triển khai ngay trong năm 2013 để có thể ra mắt sản phẩm vào năm 2015.

Còn Tập đoàn Lenzing (Áo) lại đề nghị cùng Vinatex thực hiện dự án đầu tư hệ thống nhà máy tích hợp sản xuất bột gỗ và sản xuất xơ viscose chất lượng cao tại Việt Nam.

Theo ông Michael E. Mayer, Giám đốc Bộ phận nguyên phụ liệu của Lenzing, Việt Nam là địa điểm lý tưởng và có đủ điều kiện để áp dụng mô hình sản xuất theo chiều dọc mà Lenzing đã và đang thực hiện tại Áo trong 75 năm qua.

“Nếu thành công, sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho Lenzing, mà còn mang lại cơ hội sử dụng xơ nhân tạo chất lượng cao, với giá thành hợp lý cho các DN kéo sợi và dệt của Việt Nam”, ông Michael E. Mayer nhấn mạnh.

Đâu là lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam đặt vấn đề liên kết đầu tư nguyên phụ liệu tại thời điểm này? Theo ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Vinatex, động lực chính xuất phát từ việc Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán TPP và FTA với EU. Nếu đàm phán thành công, TPP sẽ có hiệu lực vào năm 2015, khi đó, xuất khẩu dệt may có sử dụng nguyên phụ liệu trong nước sẽ được hưởng thuế suất 0%. Đó là lý do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các dự án nguyên liệu.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với việc được hưởng lợi từ Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) tại thị trường châu Âu (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2014), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) và việc đàm phán TPP, ngành dệt may đang có có cơ hội lớn để mở rộng thị trường. Cơ hội này sẽ được phát huy tốt hơn, khi ngày càng tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử