Vốn FDI: kỳ vọng tăng về chất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khu tổ hợp công nghệ cao thứ hai của Samsung tại Việt Nam (SEVT) vừa được khởi công tại khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên với khoản đầu tư giai đoạn đầu 2 tỉ USD. Ông JK Shin, tổng giám đốc tập đoàn Samsung Electronics, khẳng định, trong tương lai đây là nhà máy chủ lực sản xuất hơn 100 triệu điện thoại và 1,5 triệu máy ảnh/năm. Cùng với nhà máy tại Bắc Ninh (SEV), SEVT sẽ nâng tổng công suất sản xuất điện thoại tại Việt Nam lên 250 triệu sản phẩm/năm, trở thành trọng điểm sản xuất thiết bị di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu.

Năm 2012, khu SEV xuất xưởng hơn 100 triệu thiết bị với doanh số 12,7 tỉ USD, chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. “Việc tăng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng smartphone đang tăng lên nhanh chóng, và hiện Samsung đang nắm giữ thị phần số một toàn cầu”, theo ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Vina. Nếu dự án sản xuất và lắp ráp bộ vi xử lý và mạch tích hợp và các thiết bị khác quy mô 1,2 tỉ USD được mở rộng tại SEVT, sẽ nâng tổng vốn đầu tư vào hai khu tổ hợp sản xuất của Samsung tại Việt Nam lên 4,7 tỉ USD.

Vốn FDI đổ vào sản xuất

Tuy nhiên tầm quan trọng của những dự án vào Việt Nam như Samsung không chỉ được nhận định ở quy mô vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trường xuất khẩu; mà là tính quyết định ở cứ điểm sản xuất toàn cầu và khả năng thu hút nhà cung cấp mới, thúc đẩy làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc. Nếu như nhà máy SEV hiện sử dụng 30.000 lao động, thì gần 80 công ty vệ tinh của SEV cũng thu hút khoảng 70.000 lao động.

Bên cạnh Samsung, quý 1 vừa qua cục Đầu tư nước ngoài còn ghi nhận các dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn tăng vốn lên 2,8 tỉ USD; khu phức hợp VSIP Bình Hoà đầu tư gần 120 triệu USD; Terumo sản xuất thiết bị y tế 98 triệu USD… Nhiều dự án thời gian qua gia tăng quy mô và đặc biệt chú trọng vào công nghiệp sản xuất chế biến – chế tạo là xu hướng rõ nhất của vốn FDI từ năm 2011 – chiếm đến hơn 65% vốn FDI năm 2012 và 92% tổng vốn FDI trong quý 1 này.

Chưa kể nhiều dự án gia tăng quy mô vốn đầu tư ngày càng lớn để đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam như nhà máy sản xuất màn hình điện thoại di động của Wintex từ 870 triệu lên 1,12 tỉ USD; nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone với 574 triệu USD hay Lixil với 441 triệu USD; Panasonic với nhà máy mới sản xuất máy giặt…

Ông Hideaki Kato, giám đốc điều hành tập đoàn Sojitz của Nhật, cho biết từ dự án đầu tiên vào Việt Nam năm 1986, đến nay Sojitz đã không ngừng gia tăng quy mô và tham gia vào 20 liên doanh tại Việt Nam từ sản xuất cơ khí, hoá chất, hạ tầng, cho đến cầu cảng, thực phẩm… và kéo theo nhiều công ty Nhật khác vào Việt Nam. Còn theo ông Phan Thành Phi, trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, sự ra đời của liên doanh Sojitz – Kyodo với nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hoạt động gần đây, đã bổ sung vào danh sách nhiều tập đoàn hàng đầu của Nhật đến Long An như Sumitomo, Sapporo…

Nâng đỡ cán cân thương mại

Tỉnh Bình Dương hồi giữa tháng đã trao giấy phép cho 29 dự án FDI với gần 500 triệu USD cũng chủ yếu đổ vào sản xuất từ sản phẩm công nghệ, bao bì giấy, linh kiện thiết bị điện cho đến thực phẩm chế biến… Là một trong năm địa bàn thu hút vốn FDI lớn nhất nước với gần 20 tỉ USD, đến nay thì lĩnh vực công nghiệp tỷ trọng đến 93% tổng số dự án và 71% vốn đầu tư.

Trong khi ông Đỗ Hữu Lâm, chủ tịch tỉnh Long An, cho biết, các dự án FDI từ Nhật vào Long An tăng nhanh trong những năm gần đây với 52 dự án, trong tổng số 456 dự án cũng chủ yếu đầu tư vào khu vực sản xuất chế biến. Không chỉ ở Long An, tại hầu hết các tỉnh thành, thu hút FDI từ các doanh nghiệp Nhật đều tăng mạnh trong vòng hai năm qua, duy trì ở mức 55 – 65% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Nhiều công ty Nhật tăng vốn và quy mô sản xuất tại Việt Nam như Panasonic, Canon, Fuji Xerox, Bridgestone, Nipro Pharma, Kyocera, Nippon, Pioneer…

Dòng vốn FDI vào Việt Nam những năm qua sút giảm liên tục, từ mức 64 tỉ USD năm 2008 xuống 21,5 tỉ USD năm 2009, đến năm 2012 còn ở mức 16 tỉ USD. Tuy nhiên, các dự án cũ tăng vốn và vốn giải ngân tăng đều đã giúp ổn định dòng vốn FDI tại Việt Nam. Chỉ tính trong năm 2012, vốn mới tăng thêm 8,6 tỉ USD thì nguồn vốn tăng thêm của các dự án cũ cũng đạt đến 7,7 tỉ USD, tăng đến 2,3 lần mức năm 2011. Tổng kim ngạch xuất khẩu của khối FDI năm 2012 tăng đến 33% so với năm 2011, và chiếm đến 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tương tự, số liệu trong quý 1 cho thấy, trong khi dòng vốn mới chỉ tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ thì vốn giải ngân tăng 7,1% và vốn từ các dự án cũ tăng thêm 3,1 tỉ USD, gấp đến 3,7 lần cùng kỳ năm 2012. Theo đó kim ngạch xuất khẩu của khối FDI cũng đạt hơn 19 tỉ USD, tăng 25,6% và tiếp tục nắm giữ 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Quy mô sản xuất và xuất khẩu của khối FDI trong những năm qua gia tăng liên tục, đã nâng đỡ cán cân thương mại Việt Nam vốn bị suy giảm mạnh từ khu vực sản xuất trong nước.

Tuyết Ân
Nguồn: Báo Điện tử Sài gòn Tiếp thị