Vốn FDI vào nông nghiệp vẫn èo uột
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm nay cả nước có 390 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký khoảng 3,228 tỉ đô la Mỹ thì nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp và thủy hải sản chỉ có 3 dự án với số vốn đăng ký khiêm tốn ở mức 5,18 triệu đô la Mỹ.

Nếu tính luôn 2 dự án FDI đang hoạt động trong lĩnh vực này tăng thêm vốn, thì tổng vốn FDI vào lĩnh vực này trong 4 tháng đầu năm nay đạt 11,88 triệu đô la Mỹ – một con số quá nhỏ bé so với tổng vốn đầu tư mới và tăng thêm của doanh nghiệp FDI trong 4 tháng đầu năm nay là 4,855 tỉ đô la Mỹ.

Đáng lưu ý, tỉ lệ đầu tư FDI vào nông nghiệp trong bốn tháng đầu năm đạt chưa đến 0,3% tổng vốn FDI, thể hiện mức suy giảm mạnh so với tỉ lệ 1,5% từ trước đến nay. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tổng số dự án FDI được cấp phép trong lĩnh vực nông – lâm -thủy sản từ trước đến nay là 501 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 3,367 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 1,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Các dự án nông nghiệp sử dụng vốn FDI không chỉ có tỷ lệ thấp về tổng số vốn đầu tư mà còn nhỏ về quy mô. Cụ thể, tổng giá trị mức đầu tư cho một dự án FDI nông nghiệp chưa đạt một nửa so với tổng mức đầu tư bình quân cho một dự án FDI thông thường. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi.

Điều này có vẻ như vô lý khi mà nông nghiệp vẫn được đánh giá là lĩnh vực nhiều tiềm năng ở Việt Nam với xuất khẩu gạo chiếm vị trí số 1 thế giới, xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và xuất khẩu cao su lớn thứ 3 thế giới,… Các sản phẩm cá tra và cá da trơn của Việt Nam hiện được xuất khẩu sang nhiều quốc gia.

Thêm vào đó, hiện hơn 70% dân số Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn, và 50% dân số sống bằng nghề nông. Điều này rất thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài những lợi thế trên, nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng được triển khai.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh. Đây là khó khăn lớn nhất và rủi ro cao nhất mà hoạt động đầu tư vào nông nghiệp khó có thể đoán trước được.

Không những vậy, đầu tư FDI vào nông nghiệp còn có nhiều hạn chế khác như lợi nhuận thu được tương đối thấp, thời gian thu hồi vốn chậm và kéo dài. Thêm vào đó, quy mô của hoạt động sản xuất nông nghiệp nước ta hiện còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung, dàn trải… Đây chính là nút thắt lớn nhất trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Những điểm hạn chế khác được giới phân tích nêu ra là do chủ trương, kế hoạch cho công tác xúc tiến thu hút vốn FDI vào nông nghiệp còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu tính định hướng và kế hoạch, chiến lược cụ thể. Nguồn lực, kinh phí cho hoạt động xúc tiến thu hút vốn đầu tư và quảng bá sản phẩm còn thiếu và yếu.

Bên cạnh đó, một đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, các nhà đầu tư hiện đang chuyển hướng sang xuất, nhập khẩu và phân phối sản phẩm nông nghiệp chứ không đầu tư vào hoạt động sản xuất như trước. Đây là hướng đi thiếu bền vững trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và lành mạnh hóa thị trường kinh doanh nông sản.

Nhiều chuyên gia nhận định, tăng cường hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cho nông nghiệp là hết sức cần thiết. Trước hết, Chính phủ cần đưa ra những chính sách điều tiết thích hợp nhằm khuyến khích đầu tư FDI vào nông nghiệp như chính sách đầu tư xây dựng, cải thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng mô hình hợp tác công tư, mô hình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và thu phí dịch vụ…

Bên cạnh đó, theo giới phân tích cần đưa ra các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thích hợp nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp, nhất là khu vực FDI.

Ngoài ra, Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng cải thiện cơ chế về tín dụng, lãi suất, đất đai… cũng như mở rộng phạm vi chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo hướng cho phép áp dụng hình thức người nông dân góp vốn bằng đất hoặc cho doanh nghiệp FDI thuê đất để cùng sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online