Xăng dầu tăng giá: Áp lực đè nặng lên nhiều ngành
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước tình hình giá xăng dầu tiếp tục tăng thêm vào ngày 20/11, dịch vụ sẽ lại được dịp tăng thêm, nhất là vào thời điểm cuối năm này.

DN vận tải hành khách rục rịch tăng giá

Ngay ngày 20/11 – khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng thêm, các DN ngành vận tải đều cho rằng gặp nhiều áp lực, khó khăn trong hoạt động.

Ông Võ Ba, TGĐ Hãng Taxi Tương lai – Future cho biết: “Xăng dầu đã điều chỉnh giá liên tiếp 2 lần, nhưng các DN taxi vẫn giữ giá cước. Do vậy, hoạt động của các hãng đều rất căng thẳng, nếu không tăng thì khó hoạt động, nhưng tăng thế nào cho hợp lý, không mất khách hàng là vấn đề “đau đầu”. Các DN taxi đang tính toán và cân nhắc mức cước trong thời gian sắp tới”.

Ngành vận tải hành khách cũng đang rục rịch tăng giá. Ông Nguyễn Ngọc Thừa, GĐ Bến xe Miền Đông- cho biết: “Tuy chưa có DN nào thông báo điều chỉnh giá vé ngay trong ngày 20.11, nhưng trong vài ngày tới, có thể sẽ có DN đề nghị tăng giá. Một vài DN đang rục rịch điều chỉnh giá vé một số tuyến đường, chẳng hạn như tuyến TPHCM – Đà Lạt từ 100.000 đồng lên 120.000 đồng/vé”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lự, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TPHCM: “Nền kinh tế khó khăn trong năm nay đã khiến lưu lượng hàng vận chuyển giảm nhiều, khiến ngành vận tải hàng hoá cạnh tranh gay gắt và phải giảm giá cước vận chuyển. Nhiều DN vận chuyển hàng không lợi nhuận nhưng vẫn nhận hợp đồng để duy trì hoạt động. Thế nên, giá xăng dầu tăng các đợt trước, DN vận tải hàng hoá chẳng những không tăng giá mà còn cạnh tranh nhau giảm giá, song song với việc tăng tải trọng mỗi chuyến hàng. Nay xăng dầu lại tăng giá, sẽ khiến DN không còn nguồn phí để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa xe. Điều này ảnh hưởng nhiều đến an toàn giao thông”.

Khó khăn chồng chất

Đối với các DN sản xuất, kinh doanh, giá xăng dầu tăng, đồng nghĩa với lo ngại ảnh hưởng đến giá hàng hoá, dịch vụ, nhất là thời điểm nhạy cảm cuối năm. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) cho biết, bình quân, cứ 1 tấn thép thành phẩm tiêu hao khoảng 40kg dầu madút, trong khi từ giờ đến cuối năm, các DN trong hiệp hội còn sản xuất khoảng 700.000 tấn, sẽ phải chi thêm khoảng 14 tỉ đồng. Hiện giá thép sau 2 đợt giảm liên tiếp trong tháng 10 đang dần nhích lên.

Ông Chu Văn Thước, Phó GĐ Cty phân lân nung chảy Văn Điển cho biết, không chỉ bị ảnh hưởng phí vận tải, mặt hàng phân lân nung chảy của Cty gặp khó khăn nhất là giá than đã tăng theo lộ trình, từ 1.12.2009 sẽ đạt bằng 90% giá than XK.

Tương tự, ông Đào Ngọc Bình – GĐ Cty ximăng Hoàng Thạch- phân bua, giá ximăng chỉ có giảm để cạnh tranh, nhưng giá than cục hiện đã tăng 40.000đ/kg, lại thêm giá xăng dầu “thả nổi” theo thị trường thì DN dù đã tiết kiệm chi phí vẫn khó chống đỡ.

Khảo sát của phóng viên Báo Lao Động tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Tân Xuân và Tam Bình (TPHCM), mặc dù tác động của giá xăng dầu lên hàng hoá bán sỉ bình quân mỗi chuyến hàng khoảng 50.000 – 100.000 đồng, nhưng do tác động dây chuyền và có yếu tố “té nước theo mưa”, nên hàng hoá, dịch vụ bán đến tay NTD đều đã nhích lên.

Các DN vận tải sẽ tăng giá vào cuối năm 2009

Ngày 25.11 trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Ôtô VN cho biết hiện các DN chưa tăng giá cước vận tải dù so với đầu quý II giá xăng đã tăng hơn 455 và giá dầu tăng trên 40%. Nguyên nhân là các DN đang tính toán điều chỉnh giá cước một lần chứ không điều chỉnh  lắt nhắt.

Từ đầu năm 2010, lương cơ bản sẽ tăng 22,5%, giá thuế trước bạ ôtô sẽ tăng từ 5-10% vì vậy chắc chắn có ảnh hưởng kéo theo đến chi phí giá thành vận tải. Các DN đang tính toán cụ thể và khả năng sẽ điều chỉnh cước vào tháng 12.2009 hoặc đầu năm 2010. Theo dự đoán mức điều chỉnh phải từ 20% trở lên. 

Theo Lao động