Xây cầu, PMU 6 chi khống hơn 100 tỷ đồng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia giai đoạn 1 và giai đoạn 2.

Trong báo cáo nêu rõ, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 4 đã phát hiện nhiều sai phạm về tài chính liên quan đến hàng loạt dự án sử dụng tiền ngân sách để cải tạo mạng lưới giao thông quốc gia tại Ban Quản lý dự án 6 (PMU 6) – Bộ Giao thông Vận tải.

Cụ thể, dự án 1, PMU 6 tiến hành xây dựng 148 cầu tại 38 tỉnh thành để thay thế cầu cũ xuống cấp. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 6.900 tỷ đồng, phần vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là hơn 5.700 tỷ đồng, vốn đối ứng trong nước là hơn 1.200 tỷ đồng.

Các công trình hầu hết được khởi công từ năm 2005 và đã hoàn thành năm 2016.

Dự án 2, PMU6 xây dựng, thay thế 75 cầu yếu và đường dẫu 2 đầu cầu trên 29 quốc lộ thuộc 24 tỉnh thành trên cả nước, với tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó số tiền đầu tư vay của phía Nhật Bản là hơn 4.000 tỷ đồng.

Các công trình đã được khởi công từ quý 3/2013 với 52 cầu yếu, đến nay 51 cầu đã hoàn thành; 23 cầu bổ sung đã được khởi công trong quý I/2017 đến nay vẫn đang được thực hiện.

Qua thời gian kiểm toán từ ngày 23/3 – 19/5/2017, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 4 đã phát hiện chênh lệch chi phí đầu tư tại dự án 1 là hơn 21,6 tỷ đồng; chênh lệch chi phí đầu tư tại dự án 2 là gần 80 tỷ đồng. 

Tổng mức chênh lệch chi phí đầu tư với giá trị sau kiểm toán thực tế của cả hai tổng dự án xây mới, thay thế hơn 223 cây cầu là hơn 101,6 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, nguyên nhân chênh lệch giữa giá trị được kiểm toán với số kiểm toán của cả hai dự án trên là do tính sai khối lượng công trình trị giá hơn 3,5 tỷ đồng, sai đơn giá công trình gần 5 tỷ đồng và các sai khác là hơn 93 tỷ đồng.

“Trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trên thuộc về Ban Quản lý dự án 6, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công”, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 4 khẳng định.

Sau kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý về tài chính hơn 125 tỷ đồng tại Ban Quản lý dự án 6, trong đó buộc thu hồi nộp ngân sách Nhà nước gần 23,8 tỷ đồng (số tiền thanh toán cho các ban giải phóng mặt bằng lớn hơn giá trị nghiệm thu); giảm thanh toán đối với các dự án số tiền từ Ngân sách hơn 27 tỷ đồng và buộc xử lý khác số tiền hơn 74 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan kiểm toán trước 31/3/2018. 

Đồng thời, cơ quan này có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước, kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước tại Ban Quản lý dự án 6 thuộc Bộ Giao thông Vận tải.