Xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp cho Tập đoàn kinh tế Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 12/8 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho bản Dự thảo Nghị định về hình thành, tổ chức, hoạt động và giám sát đối với tập đoàn kinh tế (TĐKT) nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các Bộ, ngành liên quan xây dựng.

Nhằm giải quyết các vướng mắc, yêu cầu phát sinh qua quá trình thí điểm thành lập TĐKT nhà nước, Dự thảo Nghị định này được kết cấu thành 6 chương, 24 điều với các qui định về: Đối tượng phạm vi điều chỉnh; danh mục ngành nghề kinh doanh chính của TĐKT nhà nước; vốn điều lệ của công ty mẹ, quản lý trong nội bộ TĐKT nhà nước, đại diện chủ sở hữu; quản lý, giám sát đối với TĐKTVN….

Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận và kiến tham gia đóng góp cho Dự thảo Nghị định. Nổi lên trong số này là các tham luận về: Hình thành và phát triển các TĐKT nhà nước trong thời gian qua; cơ chế hoạt động tài chính công ty mẹ của TĐKT nhà nước; các vấn đề về quản lý; hình thành , quản trị và nhân lực…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để các TĐKT nhà nước có thể hình thành và phát triển vững về chất thì bên cạnh khung pháp lý và cơ chế quản lý phù hợp còn đòi hỏi những vấn đề liên quan đến quản trị; trong đó lựa chọn mô hình cấu trúc tổ chức, hệ thống quản lý – giám sát các nguồn lực là rất quan trọng; nhất là khi các TĐKT nhà nước đóng vai trò chi phối và tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế đất nước.

Ông Tuấn cho rằng: Việc xây dựng cơ chế quản lý cũng như việc hình thành quản trị TĐKT nhà nước ở nước ta đòi hỏi sự nỗ lực và cách tiếp cận từ nhiều phía; xem xét từ góc độ quản lý, quản trị đến các khía cách như: chống độc quyền, cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Bá Nghĩa, Phó Ban Tổ chức cán bộ thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông nêu rõ: Việc hình thành các TĐKT nhà nước là giải pháp hết sức quan trọng trong bối cảnh nước ta tham gia hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Thế nhưng đã qua hơn 2 năm kể từ ngày TĐKT đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà đến nay nhiều vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh hoạt động của TĐKT nhà nước vẫn còn chưa được ban hành; thậm chí, những tiêu chí cần thiết để có thể hình thành tập đoàn này vẫn còn chưa được xác lập.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, việc sớm ban hành các văn bản pháp qui là cần thiết; song các vấn đề tồn tại mang tính đặc thù riêng biệt của loại hình doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn cần được quan tâm giải quyết; nhất là các vấn đề liên quan quan đến điều chỉnh mối quan hệ bên trong mỗi tập đoàn, trong các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, tài chính, thông tin, nhân sự, tài sản , trách nhiệm… Ông Nghĩa nói:” Quan trọng nhất là phải xác định và phân biệt một cách rõ ràng hơn nữa vai trò của quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu”.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Đinh Văn Ân, hình thành và quản trị TĐKT nhà nước ở Việt Nam cũng như đổi mới khung pháp lý và cơ chế quản lý đối với TĐKT nhà nước là một vấn đề phức tạp. Do vậy, Bộ KHĐT sẽ lấy ý kiến nhiều hơn nữa các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế và một số tổng công ty để hoàn thiện Dự thảo nghị định và sẽ trình lên Chính phủ vào tháng 9 tới./.

Nguồn: TTXVN