Xác định rõ thẩm quyền quyết định chính sách dân tộc 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Với việc xem xét, thông qua 2 nghị quyết riêng về lĩnh vực dân tộc trong một nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa XIV đã ghi những dấu ấn mang tính lịch sử, được đồng bào các dân tộc ghi nhận và đánh giá cao. Tuy vậy, nhìn vào thực tế ban hành và thực thi các chính sách dân tộc thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Quốc hội Khóa XV cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực này; trong đó, cần xác định rõ thẩm quyền quyết định chính sách dân tộc giữa Quốc hội và Chính phủ.

Quốc hội quyết định chính sách dân tộc ở tầm nào?

Cùng với Nghị quyết số 24 ngày 12.3.2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân tộc, Kết luận số 65 ngày 30.10.2019 của Bộ Chính trị, Nghị định số 05 của Chính phủ về công tác dân tộc, Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được Quốc hội Khóa XIV thông qua đã tạo ra sự đồng bộ, thống nhất, toàn diện về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc. Hai Nghị quyết này đã cụ thể hóa quy định Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước tại Khoản 5 Điều 70, Hiến pháp năm 2013; là căn cứ để Nhà nước tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Tuy nhiên, từ thực tế xây dựng báo cáo đánh giá chính sách dân tộc giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng chính sách dân tộc giai đoạn 2021 – 2030 phục vụ Đại hội XIII của Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho biết, còn có những điểm chưa tốt cả trong việc ban hành và thực hiện chính sách dân tộc.

Trước hết, về phía Quốc hội, tính đến năm 2019, Quốc hội đã ban hành 86 luật với 218 điều khoản có quy định liên quan đến chính sách dân tộc. Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy mới chỉ có 15 luật có quy định cụ thể, còn lại 71 luật đều mới chỉ quy định chung chung, có tính bao trùm, định hướng và khái quát lớn, chưa quy định chính sách cụ thể. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chỉ có 38/86 luật và 3/20 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Chính phủ cụ thể hóa trong các chính sách.

Về việc thực hiện của Chính phủ, theo báo cáo, đến năm 2018, Chính phủ có 118 văn bản chính sách dân tộc. Qua rà soát cụ thể, ông Quàng Văn Hương cho rằng, đây là 118 văn bản chính sách chứ không phải là chính sách. Thực tế, nếu cộng với 24 văn bản sửa đổi, bổ sung thì tổng cộng có đến 142 văn bản bao gồm cả những quyết định cá biệt như quyết định hỗ trợ gạo cho một huyện cũng được tính là một chính sách. Về phạm vi, đối tượng, trong các chính sách có rất nhiều đối tượng, nhiều vùng khác nhau gây hiểu nhầm là có nhiều chính sách dân tộc.

Thế nhưng thực tế, có 54 văn bản quy định chính sách đối với dân tộc thiểu số, trong đó có 27 văn bản quy định cho vùng dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số, còn lại 27 văn bản quy định cho nhiều đối tượng, trong đó có dân tộc thiểu số. Còn lại 64 văn bản áp dụng chung cho toàn quốc hoặc nhiều vùng, trong đó có đối tượng dân tộc thiểu số. Nhiều chính sách không liên quan đến đối tượng dân thiểu số như các nghị định về khuyến công, khuyến nông, phát triển thủy sản, bảo hiểm nông nghiệp, phát triển ngành nghề cũng được tính là một chính sách dân tộc.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng, tại phiên thảo luận tổ về công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, việc thể chế hóa và tổ chức thi hành luật chưa đồng bộ với các nghị quyết đã được Quốc hội ban hành. Một số thành viên Hội đồng Dân tộc cũng phản ánh thực tế Chính phủ ít lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc khi ban hành các chính sách liên quan đến chính sách dân tộc. Một nguyên nhân nữa là hiện nay chưa có văn bản pháp quy nào quy định rõ ràng, cụ thể, xác định rõ nội dung, danh mục, hình thức các chính sách dân tộc sẽ do Quốc hội hay Chính phủ quy định, trách nhiệm của Chính phủ và quy trình trong việc đề xuất, xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Hiến pháp quy định: Chính sách dân tộc của Nhà nước do Quốc hội quyết định. Nhưng Quốc hội quyết định chính sách dân tộc ở tầm nào và giao Chính phủ quy định cụ thể các chính sách ở tầm nào thì đến nay vẫn chưa có sự phân định rõ ràng, chưa có cơ chế phối hợp giữa hai bên.

Chủ động thẩm tra, giám sát thực hiện chính sách dân tộc

Với Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 được Quốc hội ban hành trong nhiệm kỳ Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội tin tưởng, sẽ cơ bản khắc phục được các hạn chế, bất cập trong việc ban hành chính sách dân tộc của giai đoạn trước, nhất là tình trạng chồng chéo, chung chung, dàn trải, vừa thừa, vừa thiếu. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, nội dung của 2 nghị quyết này mới chỉ định hướng giải pháp lớn về chính sách dân tộc trong giai đoạn đến năm 2030; thực tiễn vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc chưa được đề cập cụ thể. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn, trong nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội và Chính phủ phải quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện chính sách dân tộc.

Từ những bất cập trong giai đoạn vừa qua, ông Quàng Văn Hương đề nghị, phải có cơ chế phối hợp thống nhất, rõ ràng trong việc quyết định chính sách dân tộc theo hướng: Quốc hội xem xét, quyết định những chính sách lớn, chính sách khung trên cơ sở Chính phủ trình; còn chính sách cụ thể thì cần phân cấp để Chính phủ quyết định, Thủ tướng Chính phủ quy định. “Phải xác định rất rõ vấn đề này để các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban được giao nhiệm vụ thẩm tra các chính sách có căn cứ vấn đề nào thuộc thẩm quyền Quốc hội, vấn đề nào thuộc thẩm quyền Chính phủ ban hành. Phải rõ vai trò quyết định chính sách dân tộc”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Cùng với việc thực hiện Nghị quyết 120, cần tiếp tục thể chế hóa các nội dung còn lại của Nghị quyết số 88. Bởi Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 88 có tới 8 nội dung lớn thì Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết 120 mới chỉ được 1 nội dung, còn 7 nội dung khác chưa được cụ thể hóa. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bổ sung một quy định rất quan trọng về trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc tham gia thẩm tra chính sách dân tộc trong các dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra. Do đó, trong nhiệm kỳ tới, Hội đồng Dân tộc cần thực hiện nghiêm quy định này, chủ động thẩm tra, phản biện các nội dung có liên quan đến chính sách dân tộc trong các dự án, dự thảo trình Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cũng cần lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc trước khi ban hành chính sách dân tộc… để Hội đồng Dân tộc giúp Quốc hội giám sát việc ban hành cũng như thực thi chính sách, góp phần bảo đảm hiệu quả của chính sách dân tộc.