Xóa trần lãi suất tiền gửi – Doanh nghiệp vẫn rất khó khăn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Cái còng” lãi suất
      Kể từ ngày 19.5.2008, cơ chế lãi suất mới chính thức có hiệu lực. Các Ngân hàng thương mại được phép tự ấn định lãi suất kinh doanh không vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Với lãi suất cơ bản hiện nay là 12%/năm, trần lãi suất là 18%/năm. Như vậy, ngân hàng được chủ động hơn trong huy động vốn và doanh nghiệp cũng sẽ có nhiều cơ hội vay vốn hơn. Tuy nhiên, lãi suất trần là một chuyện, lãi suất thực tế cho vay lại là chuyện khác bởi lãi suất huy động đã tăng thêm 2%-3% thì lãi suất cho vay chắc chắn sẽ bị đẩy lên. Hiện một số ngân hàng đã lách quy định về lãi suất trần bằng cách gia tăng thu các khoản phí đi kèm khiến lãi suất đi vay của nhiều doanh nghiệp thực tế bị đẩy lên gần 20%/năm.
      Lạm phát gia tăng, giá hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ cũng tăng. Sản xuất kinh doanh khó khăn, sức tiêu thụ trên thị trường kém…, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được lợi nhuận 20% – 30% để bảo đảm trả lãi ngân hàng và chi trả các khoản chi phí khác. 
      Với mức lãi suất cao như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp có vốn vay ngân hàng từ 50%/tổng vốn trở lên đều như mắc cạn. Nhiều doanh nghiệp cho hay, với chi phí cao như hiện nay, doanh nghiệp phải tăng giá bán lên 40% – 50% mới có lãi. Nhưng thực tế, không khách hàng nào chấp nhận mức tăng đó. Do vậy, với bình quân lãi suất vay vốn là 18%/năm thì doanh nghiệp cũng đã lỗ vốn, chưa kể đến rất nhiều khoản khác. 
      Doanh nghiệp vẫn mạo hiểm vay vốn
      Với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì mức trần lãi vay 18%/năm là rất cao. Mặc dù vậy, không ít doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách tiếp cận nguồn vốn vay để duy trì sản xuất kinh doanh dù biết giá thành cao và năng lực kinh doanh sẽ tụt giảm. Những doanh nghiệp này cho biết, trong tình hình hiện nay, họ chỉ cần lợi nhuận đạt số dương, sản xuất không bị đình trệ và công nhân không bị mất việc làm. Thậm chí là lỗ cũng còn hơn không vay được tiền.
      … nhưng tiếp cận vốn không dễ
      Cách đây một năm, lãi suất cho vay chỉ 0,7% – 0,8%/tháng, các ngân hàng đến tận công ty năn nỉ cho vay. Bây giờ, dù lãi suất cho vay đã lên đến 1,5%/tháng nhưng không phải doanh nghiệp muốn là cũng có thể vay được vốn. 
      Nhiều ngân hàng cho biết, do các chính sách huy động tiền gửi mang tính ngắn hạn nên để tránh rủi ro, ngân hàng chỉ ưu tiên giải ngân vốn vay đối với nhóm khách hàng thân tín, lâu năm, có tài sản bảo đảm, hoặc những khách hàng hoạt động kinh doanh với vòng vốn luân chuyển ngắn hạn, hạn chế cho vay tín chấp, không cho vay đối với với những ngành sản xuất cần vốn lớn, dài hạn, hoặc những ngành hàng đang bị ảnh hưởng mạnh bởi tình hình lạm phát… Như vậy, cánh cửa nguồn vốn vay tuy đã được mở nhưng lại không rộng. Nhiều doanh nghiệp hy vọng cuộc khủng hoảng vốn sẽ sớm qua đi, nhưng trong trường hợp lãi suất cho vay cao và kéo dài hơn khả năng chịu đựng của doanh nghiệp thì nguy cơ một số sẽ phải từ bỏ thương trường hoặc phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh khác hiệu quả hơn sẽ là điều không tránh khỏi.
      Nhiều doanh nghiệp có vẻ như đã nản với việc gõ cửa các ngân hàng và có vay thì cũng chỉ vay cho những hoạt động kinh doanh mang tính ngắn hạn chứ không vay vì mục đích đầu tư dự án, bởi sẽ không thể kỳ vọng vào một cơ chế lãi suất thay đổi liên tục để đổ vốn cho đầu tư dự án thường kéo dài từ 3-5 năm. Bởi, ngay cả đối với những dự án có điều kiện triển khai nhanh và đã nắm sẵn đầu ra của sản phẩm thì việc vay vốn ngân hàng lúc này cũng là rất mạo hiểm. Để có thể chủ động nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Mục đích cuối cùng vẫn là làm sao để doanh nghiệp không bị đình trệ vì bất kỳ lý do gì. 
      Lạm phát tăng cao, việc tăng lãi suất cho vay là điều tất yếu. Nếu cứ giữ mãi lãi suất thấp sẽ đẩy khó cho ngân hàng, đồng thời, thiếu vốn thì ngân hàng cũng không thể cho doanh nghiệp vay được. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được thả không phải lúc nào cũng có lợi cho doanh nghiệp. Tình trạng hiện nay là minh chứng rất rõ. Đây là thời điểm khó khăn với tất cả các doanh nghiệp. Bài toán kinh doanh đầu vào – đầu ra đều rất bấp bênh và khó dự báo. Việc NHNN kiểm soát tốt thị trường tiền tệ và ra quy chế đối với việc tính phí cho vay đối với các ngân hàng là việc cần làm ngay. Nhưng, cái chính vẫn là ổn định nền kinh tế. Liệu sau tháng 6, thị trường có đi vào ổn định hay không? Doanh nghiệp có qua cơn bĩ cực? Câu trả lời sẽ luôn là những bất ngờ lớn.
      Nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp nên cầm cự, tiết kiệm tối đa để tồn tại chứ không nên nghĩ đến việc sinh lời. Về mặt lý thuyết, khi lãi suất ngân hàng tăng kèm theo lạm phát tăng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải chọn những phương án kinh doanh tối ưu, không nên kinh doanh tràn lan. Nói cách khác, doanh nghiệp vẫn có thể bảo toàn được vốn nếu tăng nhanh vòng chu chuyển vốn và sản phẩm, đa dạng hóa nguồn tiêu thụ. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, không có tiềm lực mạnh về vốn, thị trường sẽ rất khó khăn. Về nguyên tắc an toàn, các doanh nghiệp đều phải có nguồn dự trữ vốn cố định riêng và cân nhắc khi sử dụng tỷ lệ vốn vay. Thế nhưng, ở Việt Nam, khi các ngân hàng hào phóng cho vay, nhiều doanh nghiệp thoải mái vay đến 70% vốn chủ sở hữu. Và đến khi tiền tệ bị thắt chặt thì cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp đều lâm vào thế kẹt. 
      Còn về phía các Ngân hàng thương mại, đánh giá một cách công bằng, với tỷ lệ lạm phát như hiện nay thì mức trần lãi suất cho vay là 18% ngân hàng vẫn có thể bị lỗ. Việc lách trần tính phí cũng sẽ để lại rủi ro bởi cho vay với lãi suất cao tất rủi ro cũng sẽ cao. Lãi suất thực âm cũng dễ dẫn đến nguy cơ các ngân hàng không thu hút được tiền gửi. Các chuyên gia tài chính cho rằng, biện pháp vẹn toàn nhất cho cả ngân hàng và doanh nghiệp lúc này là NHNN nên tính lãi suất cho tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các Ngân hàng thương mại.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân