Xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cho lĩnh vực hàng không sẽ giúp giảm gánh nặng về chi phí và các khoản lỗ trên đường bay nội địa của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Hãng hàng không cổ phần Pacific Airlines trong bối cảnh giá dầu thế giới không ngừng tăng lên.

Theo Giám đốc điều hành của Pacific Airlines, ông Lương Hoài Nam, hãng hàng không giá rẻ này và cả Vietnam Airlines đã nhiều lần kiến nghị Bộ tài chính giảm thuế nhập khẩu xăng dầu trong lĩnh vực hàng không vì hiện nay Chính phủ đã miễn thuế nhập khẩu xăng dầu dùng cho các phương tiện vận chuyển trên mặt đất.

Tuy nhiên Bộ tài chính vẫn chưa có quyết định trong khi Chính phủ và các cơ quan liên quan yêu cầu các hãng không được tăng giá vé và phụ phí, khống chế mức giá trần là 1,7 triệu đồng cho các đường bay nội địa.

Ông Nam nói: “Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải muốn các hãng hàng không thu giá vé và các phụ phí không được vượt quá giá trần hiện nay.” Theo ông Nam, đầu tháng 3-2008 các hãng hàng không chỉ được phép tăng giá trần thêm 200.000 từ mức cũ là 1,5 triệu đồng được áp dụng từ năm 2001 khi giá dầu thế giới còn ở mức khoảng 35 đô la Mỹ/ thùng nhưng giá dầu hiện nay đã vượt ngưỡng 126 đô la Mỹ/thùng.

Hiện nay chi phí nhiên liệu chiếm 55% của tổng chi phí chuyến bay, tăng 30% so với các năm trước đây và vượt luôn chi phí thuê và mua máy bay, ông Nam nói.

Trong ba tháng đầu năm nay, giá nhiên liệu máy bay (Jet A1) tăng hơn 22% so với giá trong kế hoạch của Vietnam Airlines, tương đương với hơn 2.200 tỉ đồng và tăng gần 410 tỉ đồng so với kế hoạch. Nếu thuế nhập khẩu xăng dầu không giảm thì hãng phải chi thêm khoảng 40 tỉ đồng cho chi phí nhiên liệu trong các tháng tới.

Dự kiến cả năm 2008, Vietnam Airlines sẽ phải gánh chịu thêm một khoản chi phí do giá nhiên liệu bay tăng là 2.200 tỉ đồng. Kế hoạch sản xuất kinh doanh của hãng còn bị ảnh hưởng bởi việc tăng chi phí phục vụ mặt đất tại các cụm cảng hàng không. Do đó, cạnh tranh giữa các hãng hàng không ngày càng quyết liệt trên cả đường bay quốc tế và nội địa.

Các chuyên gia cho rằng việc giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu trong tình hình hiện nay là một trong những giải pháp khả thi giúp các đơn vị khắc phục khó khăn.

Trong khi chờ quyết định của Bộ Tài chính thì Pacific Airlines đã thông báo sẽ hoãn vô thời hạn việc khai thác đường bay TPHCM – Đà Lạt và TPHCM-Buôn Mê Thuột, dự kiến bắt đầu trong tháng 8 tới.

Vietnam Airlines cũng đã đề ra các biện pháp cắt giảm chi phí theo phương hướng tăng thu, giảm chi, tiết kiệm nhằm bảo đảm các cân đối và duy trì tăng trưởng bền vững. Các biện pháp tập trung vào việc tái cơ cấu mạng đường bay trong nước và quốc tế, áp dụng giá vé linh hoạt để phấn đấu vượt 6% kế hoạch doanh thu năm 2008.

Lãnh đạo của Vietnam Airlines còn xem xét đẩy mạnh tiết kiệm nhiên liệu bay, cắt giảm và dãn tiến độ đối với các dự án đầu tư, giảm từ 10 đến 20% chi phí thường xuyên trên tất cả các khoản mục trừ các chi phí trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, tạm dừng tuyển dụng lao động mới trừ lao động có yêu cầu chuyên môn sâu phục vụ cho nhu cầu dài hạn.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online