Xuất gạo sang châu Phi – Định hướng đi kèm phân khúc sản phẩm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cuối tháng 3-2013, Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về thương mại gạo với Ghi-nê, theo đó Việt Nam sẽ cung cấp cho Ghi-nê 300 nghìn tấn gạo mỗi năm, thời gian hiệu lực từ ngày 1-4-2013 đến 31-12-2015. Cùng với bản ghi nhớ này, từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã ký được khoảng 500 nghìn tấn gạo xuất khẩu vào châu Phi. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đặc biệt trong hoàn cảnh giá xuất khẩu gạo đang xuống thấp do thị trường gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Thị trường tiềm năng

Thống kê của Vụ Châu Phi – Tây Nam Á – Bộ Công Thương cho thấy, năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu mặt hàng gạo sang 30/55 nước châu Phi với tổng kim ngạch đạt 763,3 triệu USD, tăng 2% so với năm 2011. Gạo tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu số một của nước ta tại khu vực này, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi và chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới.

Những thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam ở châu Phi gồm có Bờ Biển Ngà (203,4 triệu USD), Ghana (149,6 triệu USD), Senegal (66 triệu USD), Angola (54,6 triệu USD), Cameroon (43,9 triệu USD…

Mặc dù châu Phi là một thị trường nhập khẩu gạo lớn, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của gạo Việt Nam là khâu thanh toán.

Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua gạo trả chậm từ 30 – 90 ngày, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở L/C (do chi phí cao).

Trở ngại thứ hai là doanh nghiệp hai bên thiếu thông tin. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam thường phải xuất khẩu qua các trung gian quốc tế. Điều này làm “đội” giá, giảm tính cạnh tranh và thương hiệu gạo Việt Nam không được người tiêu dùng châu Phi biết đến. Năm 2012, Việt Nam xuất hơn 1,2 triệu tấn sang khu vực này thì chỉ có 400 nghìn tấn là bán trực tiếp và rất chật vật.

Để giảm bớt khâu trung gian, cuối tháng 3-2013, Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về thương mại gạo với Ghi-nê, theo đó Việt Nam sẽ cung cấp cho Ghi-nê 300 nghìn tấn gạo mỗi năm. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, với việc ký kết bản ghi nhớ này, đến nay, Việt Nam đã ký thỏa thuận thương mại để bán gạo trực tiếp tới hai nước châu Phi là Cộng hòa Ghi-nê và Cộng hoà Sierra Leone. Hầu hết các nước châu Phi đang tiêu thụ loại gạo 25% tấm. Đây là thế mạnh của xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy lượng gạo ký với Ghi-nê không lớn nhưng đã góp phần mở thêm thị trường mới, tháo gỡ khó khăn cho đầu ra đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của chúng ta, đồng thời giúp xác định vị thế, thương hiệu mặt hàng gạo của Việt Nam tại châu Phi.

Tăng hỗ trợ xuất khẩu gạo vào châu Phi

Theo Reuter, tuần qua, tình hình xuất khẩu gạo liên tục gặp khó nên giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua đã giảm từ mức 385-400 USD/tấn trong tuần trước đó xuống 385 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn). Giá gạo 25% tấm giảm từ mức 370 USD/tấn xuống mức 360 USD/tấn, nhưng vẫn không có thông tin nào về một thỏa thuận đáng kể được ký. Các doanh nghiệp đang phải chật vật cạnh tranh, tìm thị trường. Châu Phi hiện mới chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo hằng năm của Việt Nam, do vậy nếu không mở rộng thị trường này thì xuất khẩu gạo của chúng ta sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên, tại khu vực thị trường này, gạo Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của gạo giá rẻ Ấn Độ và Thái Lan (chủ yếu là gạo tồn kho). Trong hoàn cảnh này, theo khuyến cáo của các chuyên gia, Việt Nam không thể cạnh tranh với Ấn Độ về gạo phẩm cấp thấp do giá vận tải của chúng ta cao hơn vì ở xa hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải hướng đến các sản phẩm gạo mà Ấn Độ không có. Doanh nghiệp cũng không được quan niệm là châu Phi chỉ mua gạo giá rẻ, bởi Việt Nam đã cạnh tranh và xuất khẩu hiệu quả các loại gạo cao cấp. Ngoài loại gạo 25% tấm, hiện các nước Tây Phi còn có nhu cầu rất lớn về gạo thơm, gạo 5% tấm của ta do gạo cùng loại của Thái Lan rất đắt, trong khi giá gạo của ta cạnh tranh hơn. Đây chính là phân khúc sản phẩm ta nên chú ý hơn thời gian tới.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào châu Phi, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại tại Bờ Biển Ngà, Senegal, Cameroun, Ghana, Nigeria, Algeria… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tiếp xúc trực tiếp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức Cuộc gặp bên mua/bên bán về gạo tại TP Hồ Chí Minh nhằm tìm giải pháp tăng cường xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi.

Ngoài ra, trong hai năm 2011 và 2012, Bộ Công Thương đã gửi thư đến Bộ Thương mại các nước châu Phi có nhu cầu nhập khẩu gạo để đề xuất đàm phán và ký Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo nhằm giúp gạo Việt Nam có đầu ra ổn định, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp mặt hàng này, đồng thời tránh được sự cạnh tranh từ gạo của các nước xuất khẩu khác…

Để tháo gỡ khó khăn trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu, tháng 1-2013, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức Cuộc gặp giữa các ngân hàng Việt Nam, Lào, Campuchia và châu Phi tại Hà Nội. Đây là dịp để ngân hàng các bên tăng cường khả năng hợp tác, xác định nhu cầu của doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu một cách hiệu quả hơn.

Châu Phi hiện là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, với nhu cầu khoảng hơn chín triệu tấn gạo/năm và lượng gạo nhập khẩu 6,4 – 6,5 triệu tấn/năm. Nhu cầu lớn, thị trường rộng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu gạo của mình.

Theo Nhân dân