Xuất khẩu 2009: Cạnh tranh bằng hàng giá thấp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thạc sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng, cho rằng phải ít nhất đến hết quý II/2009, tình hình mới bớt căng thẳng nếu các nền tài chính lớn mạnh tay trong việc đưa ra và thực hiện các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng, khôi phục kinh tế. Vì thế, xuất khẩu của nước ta chắc chắn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.

Bài toán tỉ giá và lãi suất

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng: Đối với ngành xuất khẩu, năm 2009 sẽ là năm phải giải được bài toán kép. Đó là bài toán về chính sách tỉ giá, bài toán về việc duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, sự cân đối giữa xuất khẩu- nhập khẩu…

Trong năm 2008, nhiều DN xuất khẩu than rằng một trong những nguyên nhân khiến đối tác cắt giảm lượng hàng nhập do hàng VN không có khả năng cạnh tranh về giá. Việc giữ tỉ giá cố định đã làm hàng hóa xuất khẩu bị “đội” giá hơn so với mặt bằng chung của thị trường, khiến sức cạnh tranh kém.

Những tháng gần đây, chính sách tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt hơn song trong thời gian tới, để hỗ trợ xuất khẩu, cần tiếp tục linh hoạt hơn nữa về tỉ giá. Tuy nhiên, nếu đưa tỉ giá lên quá cao, nhập khẩu sẽ bị thiệt thòi. Vì thế, bài toán kép này đòi hỏi sự linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước.

Cùng quan điểm này, theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, điều chỉnh tỉ giá theo hướng có lợi cho xuất khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhập khẩu. Vì thế, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2009, điều quan trọng nhất là vấn đề vốn vay.

Gần đây đã có một số chính sách ưu đãi về lãi suất vốn vay. Tuy nhiên, chủ trương này cần phải thực hiện quyết liệt và sâu rộng hơn để DN có thể đưa ra mức giá sản phẩm cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Linh hoạt nguồn hàng để thích ứng

Chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2009 là 13% so với năm 2008, tương đương 71 tỉ USD. Bên cạnh những nhóm hàng có chỉ tiêu xuất khẩu cao hơn năm 2008 như dệt may (11,5 tỉ USD), giày dép (5,1 tỉ USD), gạo (1,95 tỉ USD), cà phê (2,1 tỉ USD)… cũng có rất nhiều nhóm hàng giảm chỉ tiêu xuất khẩu, trong đó có những nhóm hàng tác động đến số đông DN là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.

Đây là nhóm hàng bị ảnh hưởng về cơ cấu sản lượng và giá thấp nên dự báo, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,23 tỉ USD, giảm 628 triệu USD (khoảng 4,8% so với năm 2008).

Các chuyên gia kinh tế đánh giá: Khả năng dự báo diễn biến, nhu cầu của các thị trường sẽ quyết định “được – thua” cho xuất khẩu trong năm 2009 nên việc dự báo phải có những bước đột phá.

Bên cạnh đó, các DN cần phải nỗ lực mở rộng, khai thác thêm các thị trường xuất khẩu mới như: Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh… Đó là những thị trường ít chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính và có nhu cầu tiêu thụ tương đối lớn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng: DN vẫn có cách “trú bão” bằng cách mở thêm các thị trường lớn như: Brazil, Úc… Đây là những thị trường có lợi thế về nguồn tài nguyên, khoáng sản tương đối dồi dào, nền kinh tế tương đối ổn định và sức mua khá lớn.

Một trong những yếu tố có lợi cần được các DN xuất khẩu quan tâm chính là đẩy mạnh sản xuất hàng giá thấp. Tiến sĩ Nguyễn Quang A phân tích: Khủng hoảng kinh tế khiến người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng nên thị trường hàng cao cấp chắc chắn bị ảnh hưởng nặng nề.

Thay vào đó, các DN cần có hàng giá thấp để phù hợp với nhiều đối tượng, nhất là các sản phẩm thiết yếu như giày dép, quần áo, thực phẩm chế biến…

Dù khó khăn như thế nào thì mọi người vẫn phải ăn, phải mặc, vì vậy độ co dãn nhu cầu của những mặt hàng này là không lớn. Nếu nắm bắt được xu hướng này, các DN xuất khẩu vẫn tìm được lối ra.

Theo Mai Vân
Nguồn: Báo điện tử Người Lao động