Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng về lượng nhưng giảm mạnh về giá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2012 đã đi được nửa chặng đường với mức tăng trên 22% so với cùng kỳ năm trước là một kết quả đáng khích lệ. Tăng trưởng xuất khẩu có sự đóng góp lớn của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến và chủ yếu do sự đóng góp của các mặt hàng thuộc khối doanh nghiệp FDI sản xuất như: điện thoại các loại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Xuất khẩu của nhóm hàng này là điểm nổi bật trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam với mức tăng trưởng cao nhất, trên 30% (đạt hơn 33 tỷ USD) và đóng góp lớn nhất – hơn 7,8 tỷ USD vào gia tăng kim ngạch xuất khẩu chung.

Xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong 6 tháng qua đạt 10,4 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng gần 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 2,4% so với tỷ trọng năm 2011, nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu giảm, một số mặt hàng giảm sâu như cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt điều… Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Diệp Kỉnh Tần, năm nay tất cả giá các mặt hàng đều xuống thấp, như gạo, cao su, và một số sản phẩm khác giá giảm từ 20-30%, nhưng điều đáng mừng là, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng về lượng nên chúng ta có thể lấy lượng bù giá.

Mặc dù lượng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều tăng (trừ gạo), nhưng do giá xuất khẩu giảm đã làm cho kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông sản giảm 916 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, ước đạt 5,65 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ở nhóm này chỉ có xuất khẩu dầu thô tăng, còn lại các mặt hàng như than đá, tái xuất xăng dầu, quặng và các sản phẩm từ quặng lượng xuất khẩu đều giảm. Riêng mặt hàng than đá giá xuất khẩu giảm đã làm giảm 61 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.

Xét về thị trường, so với cùng kỳ năm trước, ước xuất khẩu sang khu vực thị trường các nước châu Á có mức tăng trưởng cao nhất, tăng hơn 30%, cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Trong đó, tăng cao nhất là thị trường các nước Tây Á tăng 62%, tiếp đến là thị trường các nước Đông Á tăng 33% và thị trường các nước Đông Nam Á tăng gần 23%. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính 6 tháng đầu năm xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước thuộc khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á đạt khoảng 4,3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2011.

Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu mà Chính phủ giao là 109,5 tỷ USD, thì trong 6 tháng cuối năm phải xuất khẩu bình quân 9,4 tỷ USD/tháng. Đây là chỉ tiêu khá cao trong tình hình kinh tế thế giới chậm được cải thiện như hiện nay, các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU vẫn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp. Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương Phan Thị Diệu Hà cho rằng, việc xuất khẩu một số mặt hàng truyền thống như dệt may, đồ gỗ, thủy sản… sang thị trường EU giảm, nhưng có mặt một số mặt hàng mới có triển vọng tăng như hàng công nghệ cao: linh kiện điện tử, điện thoại. Vì vậy, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, bù lại mức sụt giảm trong 6 tháng qua.

Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm khai thông thị trường xuất khẩu. Bộ Công thương chủ động phối hợp với Bộ Tài chính triển khai có hiệu quả Nghị định số 75/2011 ngày 30.8.2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu…

Anh Tú
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân