Xuất khẩu cá tra: Lo ngại rào cản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giám sát chất lượng chặt chẽ hơn

Cuối tháng 1/2014, với lý do không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Nga đã có lệnh tạm ngưng nhập khẩu một số mặt hàng thủy sản từ Việt Nam, trong đó có cá tra. Theo thông cáo từ cơ quan giám sát nông nghiệp Nga Rosselkhoznadzor, quyết định này được đưa ra dựa trên kết quả kiểm tra của thanh tra Nga tại Việt Nam hồi tháng 12/2013 cho thấy một số cơ sở “không kiểm soát việc áp dụng kháng khuẩn” và “sử dụng chế phẩm kích thích tố”. Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho biết: “Lệnh tạm ngưng nhập khẩu được áp dụng đối với 5 doanh nghiệp trong nước, trong đó có 4 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và 1 doanh nghiệp xuất khẩu tôm”. Với việc tạm ngưng nhập khẩu cá tra vào Nga, các doanh nghiệp liên quan sẽ phải cải tiến và sửa chữa lỗi vi phạm trước khi đáp ứng đầy đủ các thủ tục để được nhập khẩu trở lại vào thị trường này.

VASEP dự báo năm 2014 ngành cá tra có thể sẽ khó khăn hơn, sản lượng nguyên liệu sẽ giảm mạnh hơn năm 2013, ước đạt khoảng 800.000 – 850.000 tấn, dự báo xuất khẩu sẽ chỉ ở mức 1,6 tỷ USD, giảm khoảng 5% so với năm 2013.

Theo Dự luật ngân sách trợ cấp cho các nông trại vừa được Thượng viện Mỹ thông qua thì chức năng giám sát cá da trơn sẽ được chuyển từ Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (DOC). Trước đây, việc kiểm tra sản phẩm cá da trơn của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ thường được FDA thực hiện kiểm tra xác suất và không cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi dự luật mới có hiệu lực thì việc kiểm tra sẽ do DOC tiến hành từ quy trình sản xuất đến việc đóng gói, xuất khẩu và chỉ được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn cũng như được phép xuất khẩu vào Mỹ nếu bảo đảm tiêu chuẩn quy định ngang đồng các tiêu chuẩn của mặt hàng này sản xuất tại Mỹ.

Giải pháp phát triển bền vững

Ông Trương Đình Hòe cho rằng, năm 2014, vấn đề lớn nhất của ngành cá tra là sự phát triển nhanh và tự phát dẫn đến tình trạng giá bán sụt giảm mạnh. Sự trì trệ kéo dài này dẫn đến “hiệu ứng domino” là người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bị thua lỗ, thiếu vốn để tiếp tục duy trì sản xuất khiến người nuôi bỏ ao, doanh nghiệp tìm mọi cách bán hàng ra để gỡ vốn, càng làm cho thị trường và giá cá mất ổn định.

Để thúc đẩy ngành hàng cá tra, ông Hòe cho biết: VASEP đã nhiều lần góp ý, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước các giải pháp tháo gỡ và phải cần sớm tập trung thực hiện các giải pháp này. Theo đó, phải ban hành quy chế cấp và kiểm soát hạn ngạch sản lượng (quota) nuôi cá tra phù hợp với nhu cầu thị trường;  quy chế kiểm soát chất lượng thức ăn nuôi cá tra. Sớm có các chương trình nâng cao chất lượng và tiêm văcxin phòng bệnh cá tra giống; chương trình quốc gia nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra phile đông lạnh xuất khẩu, không lạm dụng hóa chất tăng trọng, minh bạch về mạ băng, hàm lượng thủy phần dưới 83%, trước hết áp dụng cho các thị trường EU, Mỹ và thị trường mới nổi Trung Quốc. Ngoài ra, cho phép áp dụng thí điểm cơ chế xuất khẩu phile đông lạnh cá tra qua đầu mối dịch vụ thống nhất sang thị trường EU, kết hợp với tổ chức bán đấu giá trên sàn điện tử ở cảng Zeebrugge; có quy định việc thu phụ phí phát triển và bảo vệ thị trường ngành cá tra.

Duy Minh
Nguồn: Báo Công thương