Xuất khẩu của Việt Nam: Cần sớm thoát cảnh đào mỏ và gia công
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Kim ngạch xuất khẩu năm 2007 của cả nước đạt 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2006, vượt 3,1% so với kế hoạch Chính phủ đặt ra là 17,4% (tương đương 46,76 tỷ USD).

Các mặt hàng XK chủ lực vẫn tăng trưởng mạnh, 10 mặt hàng và nhóm hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD là thủy sản, gạo, cà phê, cao su, dầu thô, dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ và nhóm sản phẩm cơ khí. Trong đó, ngoài 4 mặt hàng lớn truyền thống là dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản kim ngạch mỗi mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, thì 2 mặt hàng điện tử và sản phẩm gỗ cũng đã đạt trên 2 tỷ USD.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có khối lượng giảm so với năm 2006 như: dầu thô đạt 15,2 triệu tấn, thấp hơn cùng kỳ 7,4%; hạt tiêu 100 ngàn tấn, thấp hơn cùng kỳ 14,3%; gạo 4,5 triệu tấn, thấp hơn cùng kỳ 3,1%.

Những mặt hàng chủ lực có lượng xuất khẩu tăng khá so với năm 2006 gồm: gạo tăng 16%; cà phê tăng 50%; hạt tiêu tăng 73%; nhân điều (30,8%); hàng dệt may (32%); điện tử và linh kiện máy tính (28,8%); sản phẩm gỗ 21,1%; sản phẩm nhựa 45,8%; dây điện và cáp điện tăng 27,7%…Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực do giá thế giới tăng mạnh nên về mặt trị giá tăng khá so với năm 2006 như: cà phê tăng 50% trong khi lượng xuất khẩu chỉ tăng 22,3%; hạt tiêu tăng 73,3% trong khi lượng giảm 14,7%… Nhóm sản phẩm cơ khí đạt tốc độ tăng trưởng cao 120% so với năm 2006, đem lại kim ngạch trên 2,2 tỷ USD năm 2007.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên phân tích, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô. Nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và giá trị xuất khẩu lớn là nhóm hàng công nghiệp và chế biến như: thủy sản, dệt may, giầy dép, hàng điện tử và linh kiện điện tử, sản phẩm gỗ… Nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là cà phê, hạt tiêu, sản phẩm nhựa. Tuy nhiên, nhóm hàng đặt mục tiêu giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay là nhóm hàng nguyên liệu và khoáng sản nhưng thực tế vẫn tăng trưởng.

Tuy nhiên, hoạt động XK vẫn còn nhiều hạn chế: quy mô xuất khẩu vẫn còn nhỏ bé, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới (xuất khẩu bình quân đầu người của Xingapo là 60.600 USD/người, Malaixia 5.890 USD/người, Thái Lan 1.860 USD/người, Philipin546 USD/người và Việt Nam 473 USD/người).

Mặt khác, xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng chưa vững chắc và rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài như sự biến động giá cả trên thị trường thế giới hay sự xuất hiện của các rào cản thương mại mới của nước ngoài.

Thứ trưởng cho rằng, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chưa hợp lý, thể hiện trên cả ba phương diện: Thứ nhất, là chủng loại hàng hóa còn đơn điệu, chậm xuất hiện những mặt hàng xuất khẩu mới có đóng góp kim ngạch đáng kể. Thứ hai, các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng còn thấp, vẫn phụ thuộc vào các mặt hàng: khoáng sản (dầu thô, than đá), nông, lâm, thủy, hải sản; trong khi các mặt hàng công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử và linh kiện máy tính.. chủ yếu vẫn còn mang tính chất gia công. Thứ ba, quá trình chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu còn chậm, cơ cấu hàng xuất khẩu thời gian qua chủ yếu chuyển dịch theo chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu, xuất khẩu chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có mà chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh, hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu lớn. Thêm nữa, thị trường xuất khẩu không đồng đều, trong khi thị trường Asean, EU, Mỹ tăng khá cao thì một số thị trường quan trọng khác tăng chậm hoặc giảm như Trung Quốc, Nhật Bản và Ôxtrâylia.

Nhận xét về tình hình xuất khẩu của VN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trương Văn Đoan đánh giá, năm 2007 xuất khẩu của VN đã tăng trưởng (tăng 26%) và không bị phụ thuộc vào mặt hàng dầu thô. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu của nước ta chưa hiện đại, chủ yếu là đào mỏ (dầu thô, than…) và gia công (dệt may, giày dép…), sức cạnh tranh không cao, công tác xúc tiến thương mại làm chưa hiệu quả… Trong thời gian tới, cần có giải pháp khắc phục các điểm yếu trên.

Năm 2008, là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010). Bộ Công Thương phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 58,6 tỷ USD, tăng 22% so với 2007. Trong đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt 10,6 tỷ USD, thủy sản đạt 4,2 USD, gạo đạt 1,5 tỷ USD, cà phê đạt 1,8 tỷ USD; nhóm khoáng sản đạt 9,7 tỷ USD gồm dầu thô (9 tỷ USD) và than đá 0,7 tỷ USD; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 28 tỷ USD, trong đó, hàng dệt may 9,5 tỷ USD, giày dép 9,5 tỷ USD, hàng điện tử và linh kiện máy tính 3,5 tỷ USD; các nhóm hàng hóa khác phấn đấu đạt 10 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Bộ Công Thương phải đề ra các giải pháp cụ thể phấn đấu hoàn thành mục tiêu. Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu. Cần lưu ý phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới có tiềm năng tăng trưởng như đóng tàu, chế tạo cơ khí. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giảm nhập siêu cũng là một nhiệm vụ rất lớn của Bộ Công Thương, do vậy cần phát triển sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu. Về thị trường xuất khẩu, Phó Thủ tướng lưu ý, cần chú trọng đến thị trường Trung Quốc, phải coi đây là thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng để góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Nguồn: Báo Hà Nội mới