Xuất khẩu gạo “luẩn quẩn”, vì đâu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo vị chuyên gia trên, sự non kém về bản lĩnh, kinh nghiệm của “người đi biển” cộng với việc thiếu định hướng vĩ mô khiến cho “con tàu” này thời gian qua có lúc bị… tròng trành, mất phương hướng. Một số bộ, ngành chưa thẳng thắn trong việc nhận trách nhiệm về công tác thông tin, dự báo thị trường lúa gạo, dẫn đến thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, do không đưa ra được dự báo chính xác, nên với việc tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo đúng vào thời điểm giá gạo thế giới lên đến hơn 1.000 USD/tấn, chỉ trong vòng 4 tháng, Việt Nam đã mất khoảng nửa tỷ USD đối với mặt hàng lúa gạo.

Bên cạnh đó, cơ chế xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục theo chiều hướng có lợi cho một nhóm đối tượng (thể hiện ở phân bổ chỉ tiêu hợp đồng cho đơn vị cung ứng), chưa quan tâm đến lợi ích của người sản xuất. Theo tính toán, chi phí để nông dân sản xuất ra 1 kg thóc ít nhất là 3.400 đồng và có thể lên tới 5.300 đồng nếu điều kiện sản xuất không thuận lợi, song giá thu mua lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ từ 4.200 đến 4.500 đồng/kg.

Hạt lúa từ khi thu hoạch trên ruộng đến khi thành gạo xuất khẩu phải qua nhiều công đoạn chế biến, đó là thu mua lúa – vận chuyển về các nhà máy xay xát, cung ứng gạo nguyên liệu cho các nhà máy đánh bóng thành gạo thành phẩm, vận chuyển gạo thành phẩm lên cảng để giao hàng xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không tham gia trực tiếp vào quá trình đó, mà chỉ tham gia một trong số các công đoạn, làm gia tăng các khâu trung gian, khiến giá thành sản phẩm bị đội lên.

Hơn nữa, từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam được ưu đãi về thuế xuất khẩu. Chính cơ chế thông thoáng này đã không tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp khai thác thị trường chất lượng cao. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp hầu như chỉ chú trọng đến vài thị trường truyền thống cấp thấp như Philippines, Indonesia, Malaysia, trong khi gạo Việt Nam đã có mặt tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là đã được nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ chấp thuận. Vì vậy, mặc dù xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, song gạo Việt Nam không có vai trò trong việc điều tiết giá cả trên thị trường thế giới.

GS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết, hệ thống phân phối và thu mua lúa gạo còn tồn tại quá nhiều bất cập. Hầu hết các doanh nghiệp thu mua qua thương lái, thương lái lại thu mua từ các chủ vựa, mà chủ vựa chủ yếu thu mua gạo “tay ngang” từ nông dân, không phân loại, chọn lọc, nên chất lượng gạo thấp.

Đồng tình với những quan điểm trên, giám đốc một doanh nghiệp xay xát ở An Giang cho biết, theo yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở của ông đã nhiều lần phải dùng gạo nguyên liệu cao cấp chế biến thành gạo cấp thấp, trong khi cùng gạo nguyên liệu đó, có thể dễ dàng chế biến thành gạo cao cấp, để bán được giá cao hơn.

Còn theo TS. Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hệ thống nông nghiệp, do chạy theo số lượng xuất khẩu, nên việc nâng cao chất lượng gạo chưa được chú trọng. Điều này khiến gạo Việt Nam thua xa về chất lượng và giá cả so với gạo của nhiều nước trên thế giới. Cũng là gạo 5% tấm, nhưng gạo Thái Lan đồng đều về độ dài, bóng và chỉ tiêu tạp chất chưa đầy 1,5%, trong khi gạo Việt Nam ở mức 3%. Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, hiện giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 750-780 USD/tấn, trong khi giá gạo loại này của Việt Nam chỉ ở mức 620-630 USD/tấn.

Theo TS. Thế Anh, việc thu thuế xuất khẩu gạo là chủ trương đúng đắn để điều tiết chênh lệch giữa giá xuất khẩu và giá thị trường nội địa. Hơn nữa, đây còn là một biện pháp nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Theo đó, nếu Việt Nam chuyển sang xuất gạo cao cấp là chủ yếu thì việc chạm ngưỡng trị giá xuất khẩu 3 tỷ USD hàng năm sẽ không phải là điều quá xa vời. Bên cạnh đó, để khẳng định vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, một trong những biện pháp quan trọng là cần điều chỉnh xuất khẩu gạo bằng định tính thay cho định lượng như hiện nay.

Nguồn: Báo Đầu tư