Xuất khẩu gạo sang châu Phi: Bất lợi vì phải qua trung gian
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của nước ta sang hầu hết các thị trường lớn ở châu Phi đều có sự tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang một số nước châu Phi như Senegal bị giảm mạnh do phải đối mặt với cuộc cạnh tranh của gạo giá rẻ Ấn Độ và Pakistan. Nhiều quốc gia ở châu Phi vẫn còn lượng gạo tồn kho khá lớn. Bên cạnh đó, nhiều nước sản xuất lúa năm nay thông báo được mùa trong khi Chính phủ các quốc gia châu Phi đang đẩy mạnh triển khai chương trình tự túc lương thực.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), mức tiêu thụ gạo của châu Phi ước khoảng từ 24-24,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2011-2013. Trong khi đó, việc trồng lúa mới chiếm 10% diện tích đất canh tác và cung cấp 15% sản lượng lương thực của châu Phi. Hàng năm châu Phi phải nhập khẩu từ 8 -10 triệu tấn gạo, trị giá từ 8 – 9 tỷ USD. Số liệu thống kê từ Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cho thấy, trong số 55 nước châu Phi thì gạo Việt Nam hiện đã có mặt tại 31 quốc gia. Năm 2011, các DN Việt Nam đã thu về được tổng giá trị trên 707 triệu USD từ xuất khẩu gạo sang châu Phi, tăng 26,7% so với năm 2010 và chiếm khoảng 21% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, theo nhận định của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, xuất khẩu gạo Việt Nam sang châu Phi chủ yếu qua trung gian là các thương nhân châu Âu và Libăng, nên giá gạo bị đẩy lên cao. Điều này đã tạo ra những khó  khăn nhất định cho hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta sang thị trường quan trọng và đầy tiềm năng này. Ngoài thiệt hại về giá cả thì việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cũng bị hạn chế.

Châu Phi là thị trường mới và chứa đựng nhiều rủi ro cho các DN xuất khẩu của Việt Nam. Thông tin về các đối tác nhập khẩu gạo tại các nước châu Phi không nhiều nên trước mắt  các DN Việt Nam phải lựa chọn hình thức xuất khẩu qua khâu trung gian. Ngoài ra, Việt Nam và các nước châu Phi chưa có những thỏa thuận hợp tác về ngân hàng dẫn tới việc DN làm thủ tục mở L/C phức tạp, thời gian chuyển tiền kéo dài, chi phí ngân hàng trung gian cao. Trong khi đó, các DN trung gian quốc tế có lợi thế về vốn và hệ thống phân phối ở hầu khắp châu Phi, nên dễ dàng trong việc giải quyết những khó khăn này, nhất là khâu thanh toán.

Tuy nhiên, về mặt lâu dài, các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam cần phải có những chiến lược thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng này. Chỉ khi phát triển thương hiệu gạo Việt Nam và xuất khẩu gạo trực tiếp sang các nước châu Phi các DN xuất khẩu Việt Nam mới có nhiều cơ hội cạnh tranh với các đối thủ đến từ Thái Lan, Ấn Độ…

Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ DN xuất khẩu vào khu vực này. Trong đó, nổi bật là công tác thông tin thị trường, tổ chức các cuộc gặp bên mua/bên bán về gạo giữa các DN xuất khẩu gạo Việt Nam với các nhà nhập khẩu gạo khu vực Tây và Trung Phi… Bộ Công Thương cũng đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại gạo tại các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn như Bờ Biển Ngà, Nigeria, Nam Phi, Ghana, Benin, Tanzania, Algeria, Angola, Mozambique, Cameroun… Các DN Việt Nam cần sớm có những chiến lược chiếm lĩnh thị trường ở khu vực này nhằm khẳng định lợi thế cạnh tranh trước các nước xuất khẩu gạo mạnh trên thế giới.

Trí Nguyễn

Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/index.php/tin-tuc/40-xuat-khau-gao-sang-chau-phi–bat-loi-vi-phai-qua-trung-gian-1833.html