Xuất khẩu gạo theo hướng chất lượng cao
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cạnh tranh khốc liệt

 Bốn năm trở lại đây, lúa gạo Việt Nam liên tục “bứt phá” lập nên những kỷ lục mới trong XK. Cụ thể, năm 2009, XK gạo Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 6 triệu tấn/năm, tăng gần 1,4 triệu tấn so với năm 2008. Sang năm 2010, gạo XK Việt Nam chiếm đến 21,4% tổng lượng gạo XK của thế giới với 6,75 triệu tấn gạo XK. Còn kết thúc năm 2011, Việt Nam đã XK 7,105 triệu tấn gạo, đạt giá trị 3,651 tỷ USD.

XK gạo Việt Nam năm 2012 tiếp tục đạt kỷ lục 7,72 triệu tấn và đứng thứ nhì thế giới sau Ấn Độ (Thái Lan đứng vị trí thứ 3), giá trị XK đạt 3,45 tỷ USD (FOB), tăng gần 8,3% về số lượng nhưng lại giảm 1,98% về trị giá so với năm 2011. Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), XK gạo Việt Nam thể hiện sự phát triển trên nhiều mặt, đáng kể nhất là sản lượng gia tăng, chất lượng gạo ngày càng ổn định.

Nguyên nhân chính là do công tác điều hành XK gạo hợp lý theo biến động của tình hình thị trường, quyết định mua tạm trữ lúa, gạo kịp thời để bình ổn giá và tăng cường thông tin, tạo được sự đồng thuận chung giữa các ngành, các cấp cũng như trong DN XK gạo. Bên cạnh đó, các DN đã phát huy được tính chủ động, linh hoạt và tuân thủ quy định hiện hành theo Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh XK gạo.

Thoạt nhìn là vậy, nhưng nếu nhìn vào mặt giá cả, giá trị XK thì những con số trên theo thời gian đã lộ rõ những bất cập và thể hiện rõ nhất trong năm 2012. Diễn biến thị trường gạo năm 2012 có sự thay đổi đáng kể so với năm 2011, giá thị trường sụt giảm mạnh do sản lượng tăng, nguồn cung dồi dào, tồn kho lớn và cạnh tranh gay gắt giữa nguồn cung cấp.

Đó là, XK chịu sự cạnh tranh rất lớn từ Ấn Độ với lượng gạo khổng lồ tăng cường XK và nguồn gạo giá thấp Pakistan, Myanmar, trong khi đó thị trường NK lớn thì giảm mua. Đặc biệt, số lượng hợp đồng tập trung giảm mạnh, được thay thế bằng các hợp đồng thương mại với số lượng phân tán, giá thấp, làm giảm hiệu quả XK. Ngoài ra, các hợp đồng thương mại cũng bị hủy nhiều khi giá thị trường biến động. Ngoài ra, lãi suất cao, thời gian cho vay ngắn cũng gây khó khăn cho các DN khi quay vòng vốn.

Đặc biệt, có một nghịch lý đáng buồn xảy ra là khi lượng XK càng tăng mạnh thì cũng là lúc giá trị đạt thấp nhất. Cụ thể, nếu trong tháng đầu năm 2012, lượng gạo XK ở mức đáy (chỉ đạt 275.000 tấn) thì giá XK đã ở mức đỉnh 550 USD/tấn. Đến tháng 7-2012, tình hình lại hoàn toàn đảo ngược, khối lượng XK lên đến 765.000 tấn nhưng giá ở mức rất thấp 395 USD/tấn. Vì thế, giá XK gạo của năm 2012 giảm trên 40 USD/tấn so với năm trước. Và diễn biến này tiếp tục lặp lại trong thời điểm hiện nay. Theo số liệu mới nhất của Bộ NN&PTNT, dù khối lượng XK gạo 2 tháng đầu năm 2013 đạt 677.000 tấn, giá trị đạt 310 triệu USD tăng 68% về lượng nhưng giảm 15,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá XK bình quân tháng ước đạt 457 USD/tấn giảm 20,1% so với cùng kỳ.

Từ ngày 6-2, VFA áp dụng mức giá tối thiểu gạo XK được điều chỉnh như sau: Gạo loại 5% tấm là 410 USD/tấn/FOB, loại 35% tấm là 365 USD/tấn/FOB; đóng bao 50kg/bao, giao tàu và theo tiêu chuẩn chất lượng gạo XK Việt Nam. Chênh lệch giá giữa các loại gạo khác do các thương nhân tính toán và quyết định.

Tìm giải pháp

Đến cuối tháng 2-2013, theo VFA, Việt Nam đã ký được hợp đồng XK gạo đạt 2,3 triệu tấn, cộng thêm khối lượng 700.000 tấn của năm 2012 chuyển sang, đến nay Việt Nam đã ký được hợp đồng XK đạt 3 triệu tấn. Dự kiến, khối lượng hợp đồng sẽ giao trong 6 tháng đầu năm nay đạt 3,5 triệu tấn. Nếu nhìn vào số lượng hợp đồng đã ký, một số nhà chuyên môn cho biết, với số lượng hợp đồng XK đã ký rõ ràng XK gạo của Việt Nam đang có chiều hướng thuận lợi.

Thế nhưng, vấn đề khó đối với XK gạo của Việt Nam là giá bán thấp. Cùng với đó, trong năm 2013, các thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia tăng cường sản xuất, thực hiện chính sách tự túc lương thực đã tạo thêm áp lực thị trường, nhất là trong bối cảnh gạo Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung cấp từ Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

Muốn thoát khỏi những khó khăn đang “đeo bám” thì ngay từ lúc này, công tác điều hành XK gạo là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Theo đó, Bộ Công Thương cần quan tâm đến công tác dự báo, củng cố, duy trì thị trường… để tránh những rủi ro không đáng có cho DN. Ngoài ra, việc thực hiện mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ Đông Xuân 2012-2013 tại Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng là một biện pháp nhằm tăng lợi ích cho người nông dân, giúp DN chủ động được nguồn hàng.

Hiện sản lượng lúa gạo của Việt Nam đã “lập đỉnh”. Tuy nhiên, để có thể duy trì vị thế XK gạo trên thị trường thế giới, các chuyên gia khuyến cáo, cần nâng cao chất lượng hạt gạo thay vì tập trung tăng khối lượng XK, tức là thay đổi về chất. Trên thực tế, gạo XK của Việt Nam loại 25% tấm (tức gạo phẩm cấp thấp) chiếm tới 70%, còn gạo 5% tấm chưa sánh được với gạo Thái Lan. Trong khi đó, gạo phẩm cấp thấp thì mất dần thị trường vì bị cạnh tranh với gạo Ấn Độ và Myanmar. Đây là hậu quả của việc chúng ta tập trung phát triển những giống lúa chất lượng thấp. Do vậy, DN cũng như nông dân cần bám sát theo những tín hiệu của thị trường, để chuyển đổi mô hình sản xuất cho phù hợp.

Một điều mà DN cần lưu ý nữa là, hiện tại Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam lớn nhất với 34,7% thị phần, tiếp đến là Singapore 7,27%, Hàn Quốc 5,64% và Philippines 5,64%. Với lợi thế địa lý, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang mua gạo Việt Nam do giá gạo thơm Việt Nam bán giá thấp hơn Thái Lan, DN cần nắm bắt lấy cơ hội này. Thêm vào đó, DN không thể bỏ qua hai thị trường châu Phi và Trung Đông để XK gạo cấp thấp.

Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Bộ đang lấy ý kiến để xây dựng quy hoạch thương nhân XK gạo

Quy hoạch thương nhân được phép XK gạo là mục tiêu đặt ra sau khi có Nghị định 109. Theo thông báo 146 của Chính phủ, hiện chỉ có 100 DN làm đầu mối nên các DN địa phương đề nghị tăng lượng đầu mối thu mua gạo XK nhằm tăng lượng gạo XK. Bộ Công Thương cho rằng, việc XK gạo cần tiếp tục đi vào nền nếp theo hướng DN nào có uy tín trên thị trường quốc tế cũng như đảm bảo việc thu mua lúa gạo cho nông dân và tạm trữ theo Nghị định của Chính phủ được phép tham gia thị trường này. Hiện, Cục Xuất nhập khẩu đang tổng hợp ý kiến từ Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành liên quan báo cáo để xây dựng và hoàn thiện quy hoạch thương nhân XK gạo, sau đó Cục sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA): Tăng cường xúc tiến thương mại

Để đạt được mục tiêu XK gạo trong năm 2013, trước mắt, cần tăng cường xúc tiến thương mại với các quốc gia có nhu cầu NK gạo, nhất là những nước châu Phi có nhu cầu NK thường xuyên để ký hợp đồng thương mại cấp Chính phủ. Cụ thể, Bộ Công Thương xem xét các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cho VFA, tạo điều kiện để đẩy mạnh xúc tiến cho DN phát triển các thị trường trọng điểm cho năm 2013. Ngoài ra, Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh XK gạo đã có hiệu lực nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Vì thế, Bộ Công Thương cần có những thay đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 109. Ví dụ, Nghị định 109 chưa quy định thương nhân được cấp giấy chứng nhận có lượng gạo XK tối đa trong năm, nếu không đạt chỉ tiêu thì sẽ bị rút giấy phép để thay thế bằng những DN đủ điều kiện, năng lực tiếp cận thị trường.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia về lúa gạo của Bộ Công Thương: Xây dựng giá sàn XK

Thời gian qua, có tình trạng DN ồ ạt XK với giá thấp. Nguyên nhân là do các DN Việt Nam do thiếu thông tin dự báo cũng như lãi suất vay cao nên không DN nào dám “găm” hàng chờ giá lên. Khi đó, DN buộc phải bán ra để trả lãi suất ngân hàng. Mặt khác, hệ thống kho bãi của DN không tốt, không phải kho có điều kiện bảo quản dài ngày (kho chứa chỉ có thể phục vụ trong 3 tháng). Chính việc này đẩy DN vào tình thế làm theo thời giá. Trong khi năng lực cạnh tranh còn yếu, công tác dự báo còn kém thì việc nhanh chóng xây dựng giá sàn XK gạo là cần thiết để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.

Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang: Đầu tư vào gạo chất lượng cao

XK gạo năm 2013 sẽ khó khăn hơn năm nay rất nhiều, nhất là quý I-2013 vì không có hợp đồng gối đầu. Để XK gạo bền vững, chúng ta cần phải chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất lúa gạo chất lượng cao như Thái Lan. Muốn vậy, phải chuyển biến từ cơ cấu sản xuất. Hiện sản xuất lúa của chúng ta vẫn chủ yếu là giống lúa thường, rất rủi ro về đầu ra. Chúng tôi đang ký hợp đồng đặt hàng sản xuất một số giống lúa chất lượng cao mà khách hàng yêu cầu với một số hợp tác xã nông nghiệp. Với cách làm này, nông dân sẽ được hướng dẫn quy trình sản xuất với giá thành thấp nhất, được DN bao tiêu với giá bảo hiểm, tức ít nhất cũng bằng giá thành sản xuất cộng với 40% lợi nhuận. Chỉ có sản xuất lúa chất lượng cao mới có thể gia tăng giá trị, có nguồn vốn quay trở lại đầu tư cho nông nghiệp.

P.T (ghi)

Diệp Anh
Nguồn: Báo Hải quan Online