Xuất khẩu hàng dệt may sang châu Âu gặp khó
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại buổi hội thảo “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Pháp và châu Âu” diễn ra ngày 8.3.2012 tại TP.HCM, bà Alice Baey, giám đốc thu mua toàn cầu của tập đoàn Casino cho biết, khủng hoảng kinh tế châu Âu đang tác động rõ rệt đến doanh số bán hàng dệt may. Chẳng hạn, tại Pháp, hàng mới cho mùa hè vẫn chưa bán được do thời tiết lệch pha – vẫn còn mùa đông, nên nhiều nhà bán lẻ đang chất đống hàng thời trang hè trong kho chờ người mua. Thêm vào đó hàng tồn năm ngoái còn nhiều, khả năng người tiêu dùng mua ít hơn, nên hầu hết các nhà bán lẻ đều hạn chế lượng hàng nhập vào…

Mua ít nhưng yêu cầu cao

Diễn biến trên khiến các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, giảm số lượng sản phẩm.

Tại buổi gặp gỡ của các thành viên hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phía Nam ngày 6.3.2012 tại TP.HCM, một doanh nghiệp lớn có trụ sở tại quận Gò Vấp cho biết, công ty vừa nhận được thông báo giảm 50% đơn hàng cho sáu tháng cuối năm của khách châu Âu. Theo bà Đinh Thị Phương Phi, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Thế Hoà (Bình Dương): “Mỗi đơn hàng cho các khách hàng lớn ở châu Âu đã bị giảm đến 30 – 40% lượng sản phẩm”. Bà Phan Thị Huệ, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Thành Công cũng cho biết, các đơn hàng dệt may xuất sang châu Âu vẫn đang giảm. Và thị trường sẽ khó khăn trong cả năm 2012.

Người tiêu dùng châu Âu dù thích sản phẩm đảm bảo trách nhiệm xã hội, thân thiện môi trường, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, họ không sẵn lòng trả giá cao hơn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa xây dựng được các hệ thống quản lý, trách nhiệm xã hội theo ISO hoặc SA… sẽ khó lòng lấy được đơn hàng. Còn các doanh nghiệp quy mô lớn lại phải chấp nhận cạnh tranh về giá, sản xuất theo đơn hàng nhỏ… Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty may Garmex Sài Gòn, nói: “Tiêu thụ giảm. Người mua hàng cần ít nhà cung cấp, nên thực tế hiện nay khách ưu tiên cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ cả về hệ thống quản lý, cam kết trách nhiệm xã hội và cung ứng hàng giá rẻ, đúng hẹn”.

Đáp ứng: cái được, cái không

Với đòi hỏi đa dạng mẫu mã của khách hàng, công ty may Garmex Sài Gòn đã đầu tư xưởng thiết kế và may mẫu lên đến 300 người. Tuy nhiên, ông Lê Quang Hùng nhìn nhận: “Thiết kế sáng tạo mẫu mới để đưa ra khuynh hướng thời trang bán cho châu Âu thì chúng tôi chưa làm được (mà nhiều doanh nghiệp khác cũng chưa làm được). Nhưng từ phác thảo hay một số gợi ý của khách hàng, chúng tôi có thể thiết kế mẫu rập, phối màu, chọn chất liệu khác nhau để sản xuất thử ra cả trăm sản phẩm khác nhau. Trên cơ sở món hàng cụ thể, có giá cả rõ ràng, sẽ dễ dàng thuyết phục khách ký hợp đồng hơn”.

Năng suất là yếu tố then chốt tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp chấp nhận giảm năng suất (từ mức 18 – 20 USD/người/ngày xuống còn 14 – 15 USD/người/ngày) để đáp ứng các đơn hàng quá nhiều mẫu. Ông Nguyễn Hữu Toàn, phó tổng giám đốc công ty may Sài Gòn 2, cho biết: “Đơn hàng vài chục hay hơn trăm ngàn sản phẩm, công nhân chưa kịp quen tay đã đổi sang mã hàng khác làm mất năng suất, mình cũng phải chịu. Thêm vào đó, phải chấp nhận sự kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt của chuyên gia do họ cử sang suốt quá trình thực hiện hợp đồng, muốn đưa sang xưởng khác của cùng xí nghiệp may giúp họ cũng không đồng ý”.

Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch Vitas cho biết, khó khăn xuất phát từ kênh tiêu thụ mà doanh nghiệp Việt Nam đa số là may theo đơn đặt hàng từ khách, thì khó mà cải thiện được tình hình. Vì vậy, các doanh nghiệp trong Vitas đã thống nhất phương án vượt khó dựa trên các nội dung: ổn định những gì đang có và giữ lao động chờ cơ hội, hợp tác chia sẻ đơn hàng lẫn nhau trong khả năng cho phép, liên kết trao đổi kinh nghiệm nâng năng suất, ưu tiên giải quyết đời sống công nhân.

Bích Thuỷ
Nguồn: Báo Điện tử Sài gòn Tiếp thị