Xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt xấp xỉ 10 tỷ USD
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và ghi nhận mức tăng 18% trong 3 tháng đầu năm 2021

Xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng mạnh nhờ tận dụng tốt EVFTA.
Xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng mạnh 18% trong quý 1/2021 nhờ tận dụng tốt EVFTA.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 18% ( tăng tương ứng 1,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,932 tỷ USD.

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và tăng 18% trong 3 tháng đầu năm 2021. Những ngành hàng tăng trưởng tốt, giá trị lớn là điện thoại, linh kiện điện tử, hàng dệt may, nông thủy sản…

Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp… Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi từ Hiệp định này.

Các thị trường trong khối EU có mức nhập khẩu hàng Việt tăng trong quý 1/2021 gồm: Hy Lạp tăng 23,5%, CH Séc tăng 64,7%, Bồ Đào Nha tăng 36,6%, Italia tăng 26,4%, Bỉ tăng 19,9%, Ai len tăng 23,2%, Áo tăng 10,3%, Đan Mạch tăng 20,2%…

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong Hiệp định CPTPP cũng đạt mức tăng trưởng cao trong 3 tháng đầu năm 2021 như: Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chilê tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, New Zealand tăng 35,1%… Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Anh cũng tăng 22,1% trong 3 tháng đầu năm nay.

Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 quan trọng của Việt Nam, thị trường EU được nhiều ngành hàng lớn đẩy mạnh xuất khẩu để khai thác tối đa cơ hội từ EVFTA . Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu với kim ngạch 43,7 tỷ USD, và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng đang có dư địa tăng trưởng cao nhờ ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

Tiêu biểu như với mặt hàng gạo, trước đây gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU chịu thuế rất cao trên 65 EUR/tấn, nhưng ngay từ ngày 01/8/2020, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0%. Riêng với mặt hàng tấm không bị áp hạn ngạch và cũng được xóa bỏ thuế hoàn toàn sau 5 năm.

Sau 8 tháng triển khai  Hiệp định EVFTA, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký được những đơn hàng xuất khẩu gạo thơm, có giá trị cao hơn vào EU, thậm chí có lô hàng lần đầu tiên được xuất khẩu với giá trên 1.000 USD/tấn. Việc này đã lan tỏa tín hiệu tích cực đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam cả về lượng và giá.

Cùng với gạo, hàng loạt lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU đã được hưởng thuế suất 0% theo cam kết trong EVFTA như chanh leo, tôm sú, bưởi, thanh long, vali, túi xách, giày dép …

“Việc tận dụng khá tốt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới”, Bộ Công Thương nhận định.